Mỗi năm người Việt chi hàng tỉ đô la Mỹ để chữa bệnh tại những nước có nền y học phát triển.
Vậy thực tế này cho thấy xu hướng xính ngoại của người Việt Nam hay phản ánh về nền y tế trong nước đang có những yếu kém, bất cập?
Tuy nhiên, cơ chế tự chủ tài chính hiện nay lại đang khuyến khích các bệnh viện mong muốn quá tải để tăng nguồn thu. Mâu thuẫn này đang cần được giải quyết để hướng đến một nền y tế hiện đại và người dân không còn phải tốn kém, vất vả ra nước ngoài chữa bệnh như hiện nay./.
Theo một báo cáo của Thái Lan, một trong những nước có đông người Việt đến khám chữa bệnh thì tổng chi phí của người Việt đứng 3 trong số những người nước ngoài đến chữa bệnh tại nước này.Bộ Y tế ước tính mỗi năm Người Việt chi hàng tỉ đô la Mỹ ra nước ngoài chữa bệnh. Con số này đã được đưa ra cách đây cả chục năm và không biết đến giờ đã lên tới con số nào.
Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), rất khó ước tính chi phí vì người Việt ra nước ngoài khám chữa bệnh chi trả bằng nhiều hình thức khác nhau…
“Hiện nay chúng tôi chưa có thống kê đầy đủ nhưng ra nước ngoài chữa bệnh nhiều nhất là bệnh nhân ung thư hoặc bệnh nhân điều trị tế bào gốc và những bệnh rối loạn chuyển hóa đặc biệt mà các cơ sở y tế trong nước chưa có độ tin tưởng về xét nghiệm gen, tế bào miễn dịch. Tuy nhiên, theo bác sĩ nước ngoài thì tay nghề phẫu thuật chấn thương chỉnh hỉnh răng hàm mặt ở Việt Nam, bác sĩ rất khéo tay. Chúng ta đang khó khăn về cơ sở vật chất. Bệnh viện công chưa đáp ứng được nhân lực để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh như các nước phát triển.”- ông Khuê nói.
Không thể phủ nhận với công nghệ và kỹ thuật tiên tiến trong điều trị, nhiều nước có nền y học phát triển như Nhật, Mỹ, Singapore, Thái Lan… đang tạo ra sức hút không nhỏ với những bệnh nhân có điều kiện kinh tế không may mắc bệnh hiểm nghèo.
Điều trị thời gian dài các triệu chứng về mũi, họng, nhưng chỉ đến khi tự đi tầm soát ung thư tại Bệnh viện K, anh Mạc Phân Viên, 42 tuổi ở Hà Nội mới được phát hiện mắc ung thư vòm họng giai đoạn muộn. Vậy là anh Viên đã quyết định sang Singapore để điều trị. Dù có chị gái sống ở Singapore, nhưng chi phí điều trị bệnh của anh Viên vẫn cao gấp nhiều lần so với trong nước. Nhưng đổi lại, anh Viên được hưởng dịch vụ chất lượng cao, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, tận tình, chu đáo. Qua 35 lần hóa trị và xạ trị suốt 5 tháng tại Singapore, các bác sĩ ở đây đã chặn đứng được sự phát triển của tế bào ung thư trong cơ thể anh Viên.
Chị Jeny Mạc Mai Lan, chị gái của anh Viên cho biết: “Ở Singapore họ khám và chụp chiếu rất kỹ. Họ chụp cắt lớp CT tới 250 lớp để chẩn đoán bệnh kỹ hơn. Bác sĩ ở Singapore có điều kiện để nghiên cứu sâu hơn. Máy móc họ hiện đại hơn, nghiên cứu dài hơn. Giá cả chênh lệch nhau rất lớn. Nếu em tôi điều trị ung thư ở Việt Nam thì chỉ tốn khoảng 200 triệu đồng, còn ở Singapore thì chi phí này lên tới hơn 200.000 USD, đó là chưa kể tiền đi lại, ăn uống. Em tôi sau 35 lần hóa trị, xạ trị tại Singapore thì các bác sĩ cho phác đồ về điều trị duy trì tại Bệnh viện K. Nếu không có phác đồ điều trị của các bác sĩ Singapore thì có lẽ các bác sĩ Việt Nam hoàn toàn bó tay.”
Cũng theo chị Jeny Mạc Mai Lan, rất nhiều bệnh nhân tim mạch và ung thư từ Việt Nam sang Singapore chữa bệnh để được hưởng dịch vụ kỹ thuật cao và sự phục vụ tốt nhất mà bệnh viện lớn trong nước quá tải bệnh nhân chưa vươn tới được.
Theo ghi nhận của phóng viên VOV, không ít người làm trong ngành y tế cũng chọn những nước có nền y học phát triển để chữa bệnh. Một bác sĩ ở bệnh viện lớn tại Hà Nội vẫn sang Singapore để được phẫu thuật thay khớp gối. Một giảng viên Trường Đại học Y-Dược ở Hải Phòng cũng sang Singapore để ghép thận…và nhiều trường hợp sang Thái Lan, Nhật Bản, các nước Châu Âu để chữa bệnh. Tuy nhiên, nếu không tìm hiểu kỹ thì việc bỏ những chi phí khổng lồ đi chữa bệnh đôi khi lại nhận được kết quả không mấy khả quan, thậm chí là “tiền mất, tật mang”.
Chị Nguyễn Lan Anh ở Hà Nội có người em họ sau 4 lần vá môi hở hàm ếch tại Việt Nam nhưng vẫn sang Singapore vá lần thứ 5 và kết quả không được như mong muốn. Còn bà Trần Thị Trường – người thường xuyên qua lại giữa Hà Nội và Châu Âu, bà từng gặp một số trường hợp đi nước ngoài chữa bệnh chỉ để “mua” sự yên tâm cho biết: “Thành tựu y học, kỹ thuật y tế của các nước phát triển là rất tốt, không thể phủ nhận, nhưng một khi có tiền người ta có quyền lựa chọn những dịch vụ mà người ta cảm giác được yên tâm. Tâm lý của con người rất khó lý giải. Tuy nhiên có một số kỹ tuật đòi hỏi về kinh nghiệm, mổ nhiều mới giỏi, tay nghề mới khéo léo được thì bác sĩ Việt Nam làm được”.
Trong khi “làn sóng” người Việt có điều kiện kinh tế đang đổ xô đi kiếm tìm những dịch vụ y tế đắt đỏ ở nước ngoài thì vẫn tồn tại một “làn sóng” khác: người nước ngoài tìm đến dịch vụ y tế ở Việt Nam. Tại bệnh viện Nội tiết Trung ương, thường xuyên có những bác sĩ ở các nước tới đây tìm hiểu những kỹ thuật mới mà nước họ chưa có.
Bác sĩ Mehmet Iliker Turan từ một bệnh viện ở Thổ Nhĩ Kỳ đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương học tập kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp từ đường ngực, nách cho biết: “Bên nước tôi mổ nội soi tuyến giáp bằng đường miệng nên những khối u lớn từ hơn 3cm trở lên sẽ không thể thực hiện được, phải mổ phanh. Nhưng đến đây học, tôi thấy các bác sĩ Việt Nam mổ nội soi cắt được khối u lớn và vét được hạch, tôi rất khâm phục. Tôi đã quay phim, kể lại với đồng nghiệp và thầy giáo của tôi cho biết sắp tới sẽ đến Việt Nam học kỹ thuật này.”
Việt Nam: Mất 500.000 đồng để được “dẫn đi khám” tại bệnh viện ở Hà Nội
Mặc dù năm qua các bệnh viện ở nước ta điều trị gần 56.000 lượt bệnh nhân nước ngoài (chủ yếu là Lào và Campuchia) nhưng tình trạng “chảy máu ngoại tệ” trong lĩnh vực y tế vẫn ở mức cao. Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu các bệnh viện tuyến Trung ương tập trung vào những công việc khó, kỹ thuật cao, chuyển giao những kỹ thuật thông thường cho y tế cơ sở để giảm tải bệnh nhân.
Theo VOV/CafeF