Home Cộng Đồng Việt Nam: Mất 500.000 đồng để được “dẫn đi khám” tại bệnh viện ở Hà Nội
Cộng Đồng

Việt Nam: Mất 500.000 đồng để được “dẫn đi khám” tại bệnh viện ở Hà Nội

Lâu nay, BV Bạch Mai được biết đến là BV thường xuyên trong tình trạng quá tải. Hầu hết, người bệnh phải mất cả ngày, thậm chí là chầu chực 2 – 3 ngày mới có thể khám xong bệnh. Nắm bắt được nhu cầu này, đường dây “chạy” khám nhanh hình thành, có khả năng điều phối thứ tự khám bệnh của bệnh nhân bất kỳ lúc nào.

Lần theo các manh mối, chúng tôi tiếp cận một phụ nữ tên S. (ở Sơn Tây) – là đối tượng đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc dẫn người bệnh đi khám nhanh, không cần xếp hàng tại BV Bạch Mai.

Liên hệ theo số điện thoại 0395820xxx, vừa mở lời đặt lịch khám nhanh, chúng tôi được S. đon đả: “Em cứ nhắn tin thông tin cá nhân và bệnh cần khám cho chị. Giá cả 1 buổi đưa đi khám xong xuôi, có người dẫn đi là 500.000 đồng.

Còn nếu nhờ chị H. ở ngoài phòng khám lấy số sớm thì phải thêm, nếu em muốn gói gọn trong buổi sáng, tổng là 700.000 đồng.

Em khám tuyến giáp thì sẽ phải khám nhiều lắm như lấy máu, lấy tế bào học, siêu âm, chụp chiếu… nhưng đảm bảo trong buổi sáng sẽ xong. Chị H. là nhân viên ở đấy nên sẽ nhờ cho em những phòng khám khó”.

Qua quá trình giao kèo, S. liên tục thay đổi các số điện thoại khác nhau 0989642xxx hay 0965059xxx để liên hệ.

Như hẹn, sáng hôm sau, 8h, chúng tôi có mặt tại Khoa Khám bệnh BV Bạch Mai. S. đón chúng tôi và đưa ngay phiếu khám số 1 tại CK U Bướu 2. Trong khi hàng trăm bệnh nhân phải dậy từ 4 – 5h sáng xếp hàng dài lấy số, chúng tôi nhàn hạ với phiếu khám số 1 để vào thẳng phòng khám. Trên phiếu khám thu phí khám 39.000 đồng nhưng đối tượng này đã “hét giá” lên 100.000 đồng.

Vì đến muộn nên phiếu khám phòng tiếp theo khá cao, lên tới số 109 tại phòng siêu âm. Không mảy may lo lắng, S trấn an cứ yên tâm, để chị nhờ chị H. Sau vài phút biến mất trong biển người, S quay lại dẫn PV vào thẳng phòng khám mà không cần chờ gọi số. Nhân viên trong khu vực khám hỏi phiếu khám đâu, S trả lời: “Chị H để ở kia”, sau đó được hướng dẫn để người bệnh ngồi lại rồi đi ra ngoài.

S. căn dặn: “Ngồi đấy, chị H. dặn người ở cửa rồi chút nữa người ấy đưa vào vì số khám của mình to quá”. Trò chuyện bên ngoài phòng khám, S. nói đã làm việc này từ lâu rồi, hay nhờ và và thân thiết nhất với chị H. Để khám được nhanh, tất cả điều do chị H. nhờ, chứ mình không đủ quen để nhờ hết được.

Trong lúc ngồi chờ khám, những câu chuyện được người bệnh trao đổi với nhau. Bất ngờ, tại đây, các bệnh nhân phát hiện có nhiều phiếu khám số 1. Trong đó, cùng ngồi chờ ở cửa phòng số 2, ông N.V.T (60 tuổi, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) và ông N.V.D (54 tuổi, Kiến Xương, Thái Bình) cùng siêu âm doppler động mạch thận và cùng chung số 1.

Bất bình nhưng những người bệnh cũng chỉ biết im lặng. Sau lượt thu những người ưu tiên, bác sĩ ở phòng khám 2 gọi những người phiếu thường xếp phiếu. Giọng thảng thốt, nữ nhân viên ở đây cho biết: “Sao lắm số 1 thế này, từ nãy đến giờ đã 4 số 1 rồi”. Trong khi đó, vẫn có 3 bệnh nhân số 1 bây giờ mới đến lượt xếp phiếu khám.

Dù lượt khám số 109, nhưng chúng tôi vẫn được ưu tiên khám trong những người có số khám dưới 20. Trong phòng siêu âm, thỉnh thoảng lại có người mặc trang phục của nhân viên trong bệnh viên mang phiếu khám vào trong và dặn dò “giúp cô một chút”.

8h45, sau khi hoàn thành khám tuyến giáp, chúng tôi yêu cầu khám thêm phụ khoa. Lúc này, S. tiếp tục yêu cầu nộp 100.000 đồng để có phiếu khám nhanh với giá 39.000 đồng. Lên tới phòng khám, mặc dù người có số phiếu 25 vẫn đang xếp hàng thì số phiếu 51 của chúng tôi được ưu tiên vào khám trước nhờ những lời “thần chú”.

Trên phiếu khám số 51, được ghi dòng chữ bằng bút bi: “Gửi chị L.A, chị giúp em H. nhé!”. Với dòng chữ này, chúng tôi tiếp tục được bác sĩ L.A ghi thêm dòng chứ “Chị giúp hộ em nhé… Em L.A” rồi chuyển thẳng vào phòng khám. Với “bùa hộ mệnh” như vậy, chúng tôi lần lượt qua các phòng khám mà không cần chờ đợi lâu dù số phiếu rất cao.

Việt Nam: Nguyên giám đốc bệnh viện bỗng dưng bị bệnh “tâm thần” sau khi để xảy ra các sai phạm

Không chỉ hoạt động lừa lọc bên ngoài bệnh viện và dẫn khách đi đến phòng khám tư, đường dây này còn có những mối quan hệ mật thiết với bác sĩ và trực tiếp ra mặt dẫn mối đến bệnh viện. Bác sĩ khám cho bệnh nhân tại phòng khám, sử dụng thiết bị của bệnh viện trong giờ hành chính nhưng tiền khám chữa bệnh lại rơi trực tiếp vào túi của những người trong đường dây này.

Theo Lao Động