Báo Alo Úc – Việc mua nhà ở nước ngoài để định cư không phải là chuyện mới mẻ. Trở ngại cơ bản là chuyển tiền bằng cách nào khi mà điều này trong hầu hết các trường hợp là bất hợp pháp, không có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.
Thật ra, chuyện chuyển ngân lậu không phải quá khó khăn đối với những ai có “dây mơ rễ má” ở nước ngoài: sau một thỏa hiệp ở “bển”, muốn chuyển bao nhiêu mà không được, chung bên đây, bên kia chung lại…
Dễ đến mức cách đây chục năm, cả một dãy biệt thự trên 80 căn trong một khu biệt lập trên đường Cortez gần Bolsa hiện diện đầy dân nhập cư chiều chiều mặc đồ bộ, lê dép đi dạo cứ như ở bên nhà.
Từ chỗ chỉ một dúm người “có máu mặt” mở đường từ những năm 1990, nay chuyện mua nhà ở nước ngoài đã khá phổ biến. Một chị chủ tiệm mì khoe có con đang học ngành y ở Úc, nên tính mua nhà cho con.
Đó là một ví dụ của đồng tiền “sạch”, tay làm hàm nhai. Y hệt chuyện một kỹ sư làm mấy chục năm ở một hãng Nhật, tích cóp mỗi năm vài chục ngàn USD, nay định mua nhà ở Mỹ. Hay chuyện của một người hưu trí định mua nhà ở Mỹ nhờ có mặt tiền cho thuê tầng trệt bên “phố đi bộ”, trước kia mỗi tháng 4.000 USD, sau này tăng lên 7.000 USD, cũng “sạch sẽ” cả.
Nhưng những đồng tiền “sạch” đó đang lẫn lộn với những đồng tiền “bẩn”, điều đó càng thúc giục các cơ quan chức năng sớm quan tâm và làm rõ hơn chuyện mua nhà định cư: trong những điều kiện nào là hợp pháp? Khi mà chuyện mua nhà định cư đang là câu chuyện “bình thường” thì đó là điều không bình thường. Đơn giản do nó liên quan ít nhiều đến câu chuyện rửa tiền.
Nước Anh, nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh chống tham nhũng 2015 và cũng là một địa chỉ mua nhà rất được “chuộng”, đã đánh giá vấn nạn tham nhũng toàn cầu như sau: “Riêng ở các nước đang phát triển, khoảng 1.000 tỉ USD bị mất vì tham nhũng hằng năm qua việc trốn thuế, rửa tiền và hối lộ… Từ năm 2003 đến 2012, 6.600 tỉ USD ra khỏi các nước đang phát triển một cách bất hợp pháp”.
Có bao nhiêu tỉ đã rời Việt Nam theo “hệ” này?
Vấn đề cần được nhìn ở hậu quả trực tiếp của nó, như hội nghị thượng đỉnh nêu trên nhấn mạnh: “Tham nhũng dẫn đến việc các khoản thu từ thuế lẽ ra đã có thể được sử dụng để giảm nghèo và đầu tư cho các phúc lợi công như giáo dục, y tế và hạ tầng cơ sở”.
Vì vậy, cũng có thể nói với người dân rằng: mất 1 tỉ đồng vì tham nhũng tức là người dân mất 1 tỉ đồng cho bệnh viện, trường học, đường sá… Mất 1 triệu đồng thuế, phí vì “lót tay” không đơn giản là viên chức đó bỗng dưng có thêm 1 triệu đồng vô túi, mà người dân nói chung mất đi 1 triệu đồng tiền thuốc, mười mấy giờ giáo viên đứng lớp…
Càng đáng quan ngại hơn, do lẽ một khi cứ để những sự làm giàu bất bình thường được cho là “bình thường”, sẽ dẫn đến điều mà hội nghị thượng đỉnh nêu trên mô tả là “từ một cách hành xử phi đạo đức đến một lề thói sai trái như nhận hối lộ để bán rẻ tài sản quốc gia vì lợi ích cá nhân”.
Tài sản quốc gia mà Hội nghị thượng đỉnh London 2015 nói đến có thể hữu hình như đất đai hay vô hình như sự an toàn môi trường…
Từ câu chuyện mua nhà ở nước ngoài, còn khối chuyện để làm để mọi thứ đâu đó thật rõ ràng!
Theo Tuổi Trẻ