Trung Quốc được cho là đang để mắt tới các mỏ khoáng sản trị giá 1 nghìn tỷ USD của Afghanistan bất kể phải đặt cược đầy rủi ro vào Taliban, theo India Times.
Taliban hiện nắm quyền kiểm soát gần như toàn bộ lãnh thổ Afghanistan và đã tiến hành việc bổ nhiệm các quan chức chính phủ mới.
Các nhà nghiên cứu cho biết, cùng với việc kiểm soát Afghanistan, Taliban đang ngồi trên “mỏ vàng” là các mỏ khoáng sản chưa được khai thác trị giá 1 nghìn tỷ USD. Trung Quốc được cho là cũng đang để mắt đến nguồn khoáng sản quý này của Afghanistan.
“Với sự rút lui của Wasghinton, Bắc Kinh có thể cung cấp những gì Kabul cần nhất: Sự công bằng chính trị và đầu tư kinh tế”, Zhou Bo, người từng là đại tá cấp cao trong quân đội Trung Quốc từ năm 2003 đến năm 2020 viết trong một bài bình luận trên New York Times cuối tuần qua.
“Đổi lại, Afghanistan có những gì mà Trung Quốc muốn giành được nhiều nhất: Cơ hội xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghiệp và khả năng tiếp cận với các mỏ khoáng sản chưa được khai thác trị giá 1 nghìn tỷ USD”, ông Zhou Bo nhấn mạnh thêm.
Các quan chức Mỹ đã ước tính vào năm 2010 rằng Afghanistan có các mỏ khoáng sản chưa được khai thác trị giá 1 nghìn tỷ USD nhưng chính phủ Afghanistan thậm chí nói rằng chúng có giá trị gấp 3 lần. Các mỏ khoáng sản bao gồm trữ lượng lớn lithium, đất hiếm và đồng – những vật liệu quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng xanh toàn cầu. Nhưng cơ sở hạ tầng kém ở đất nước không giáp biển này cùng với sự bất ổn về an ninh đã cản trở nỗ lực khai thác và kiếm lời từ các nguồn dự trữ khoáng sản kếch xù kể trên.
Taliban đã giành quyền kiểm soát Afghanistan. Ảnh Times of India.
Theo Nematullah Bizhan, một cựu cố vấn kinh tế của Bộ Tài chính Ấn Độ, vấn đề lớn đối với Taliban là thiếu các nhà hoạch định chính sách giỏi.
Bizhan hiện là giảng viên về chính sách công tại Đại học Quốc gia Australia cho biết: “Trước đây họ đã bổ nhiệm những người không đủ tiêu chuẩn vào các vị trí chuyên môn quan trọng, chẳng hạn như bộ tài chính và ngân hàng trung ương. Nếu họ tiếp tục làm như vậy, điều đó sẽ có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế và sự tăng trưởng của Afghanistan”.
Đối với Trung Quốc, Afghanistan có giá trị kinh tế và chiến lược. Các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh đã nhiều lần kêu gọi Taliban ngăn chặn những kẻ khủng bố âm mưu tấn công chống lại Trung Quốc, đồng thời coi mối quan hệ kinh tế bền chặt là chìa khóa để đảm bảo sự ổn định. Bắc Kinh cũng nhìn thấy cơ hội đầu tư vào lĩnh vực khoáng sản của Afghanistan, vốn có thể được vận chuyển trên cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ, bao gồm các dự án trị giá khoảng 60 tỷ USD ở nước láng giềng Pakistan.
Trong khi đó, các lãnh đạo Taliban đã đánh tiếng cho biết họ muốn có quan hệ quốc tế tốt đẹp, đặc biệt là với Trung Quốc. Thời báo Hoàn cầu do Đảng Cộng sản hậu thuẫn đã có bài xã luận nhấn mạnh rằng, đầu tư của Trung Quốc có khả năng được “chấp nhận rộng rãi” ở Afghanistan. Một bài bình luận khác lại khẳng định, “Mỹ không có tư cách can thiệp vào bất kỳ sự hợp tác tiềm năng nào giữa Trung Quốc và Afghanistan, bao gồm cả về đất hiếm”.
Trung Quốc đã có những dự án đầu tư vào Afghanistan trước đây. Vào giữa những năm 2000, các nhà đầu tư do Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước dẫn đầu đã trúng thầu để khai thác đồng tại Mes Aynak, gần Kabul. Nhưng việc khai thác đã bị chậm trễ từ lo ngại về an ninh cho đến việc phát hiện ra các hiện vật lịch sử cũng như vẫn chưa có đường sắt và nhà máy điện.
Sarah Wahedi, một doanh nhân công nghệ 26 tuổi đến từ Afghanistan, người gần đây đã chạy trốn khỏi quê hương cho rằng, Afghanista đang ở trong thời kỳ khủng hoảng và anh “không cho rằng các doanh nhân sẽ trở lại kinh doanh trừ khi có một sự thay đổi lớn trong hành vi của Taliban. Nhưng không có gì cho tôi thấy điều đó sẽ xảy ra ”.
Theo Dân Việt
Leave a comment