Đó là đập thủy điện thuộc hàng cao nhất Trung Quốc hiện nay với hồ chứa nước có diện tích phủ kín gần 31 km2 đất rừng và đất nông nghiệp.
Theo hãng tin Reuters, Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc thông báo chính phủ nước này đã thông qua dự án xây dựng đập Lawa.
Đây là một trong những đập thủy điện cao nhất của Trung Quốc, theo dự kiến sẽ nằm ở thượng nguồn sông Dương Tử – con sông dài nhất Trung Quốc.
Theo kế hoạch, đập Lawa với chiều cao 239 m sẽ được xây dựng cùng với một hồ chứa nước có diện tích phủ kín gần 31 km2 đất rừng và đất nông nghiệp tại nhánh Jinsha của sông Dương Tử, nằm giữa tỉnh Tứ Xuyên và vùng Tây Tạng.
Dự án này sẽ bao gồm 4 tổ máy phát điện với tổng công suất 2.000 Megawatt (2 Gigawatt).
Tập đoàn năng lượng nhà nước Huadian nắm giữ 48% cổ phần của dự án, số còn lại thuộc về các công ty địa phương.
Tổng số tiền đầu tư cho dự án sẽ là 30,97 tỉ NDT (4,59 tỉ USD), trong đó 2,19 tỉ NDT sẽ được sử dụng để trang trải chi phí di dời và đền bù cho những người dân bị mất nhà cửa do việc xây dựng đập.
Theo hãng tin Reuters, thủy điện được biết tới là một nguồn năng lượng sạch và tái tạo. Tuần trước, một tập đoàn công nghiệp của Trung Quốc cho biết tổng công suất thủy điện của nước này đạt 350 Gigawatt vào cuối năm ngoái, trong đó khoảng 270 GW đến từ các dự án quy mô lớn.
Nhưng việc xây dựng các đập thủy điện quy mô lớn ở Trung Quốc lại bị cho là làm tổn hại đến các hệ sinh thái và việc bồi thường cho hàng ngàn người dân phải di dời nơi ở trong quá trình xây dựng các đập này cũng được cho là chưa thỏa đáng.
Trong những năm gần đây, do những lo ngại về ảnh hưởng của các đập thủy điện đối với xã hội và môi trường ngày càng gia tăng, chính quyền Bắc Kinh đã tỏ ra thận trọng hơn khi thông qua những dự án mới liên quan đến các đập này.
Theo những người ủng hộ dự án nói trên, việc xây dựng những đập thủy điện lớn là biện pháp hiệu quả nhất để Trung Quốc cung cấp điện cho người dân ở những vùng xa xôi và chưa phát triển.
Theo Tuổi Trẻ