Sự cố nhầm lẫn của Hãng Cathay Pacific khi bán vé giá 16.000 USD thành vé 675 USD chặng bay Việt Nam – New York hóa ra không hi hữu. Những trục trặc tương tự đã xảy ra nhiều, tới mức dân săn vé rẻ có cả bí kíp “canh me” sự cố tương tự.
Những sự cố bán lầm giá vé dù có nguyên nhân từ lỗi con người/hệ thống cũng đều là “dịp trời cho” với những người mơ xê dịch nhưng túi tiền lại quá eo hẹp.
Dù bạn có tin hay không thì những sự cố hãng bay bán nhầm giá vé từ đắt thành rẻ vẫn thường xảy ra.
Đủ nguyên nhân gây lỗi
Trang Thriftynomads điểm một số trường hợp tiêu biểu, như năm 2007 giá vé hạng thương gia (business class) chặng bay khứ hồi San Francisco tới Auckland, New Zealand được bán với giá 1.500 USD thay vì 15.000 USD do người nhập thông tin thiếu một số “0” trong giá vé.
Rồi như năm 2012, giá vé khứ hồi từ Myanmar đến Mỹ có giá 300 USD chỉ vì có lỗi chuyển đổi đơn vị tiền tệ.
Hay như năm 2013 giá vé từ các thành phố của Mỹ tới Hawaii và trở lại chỉ có giá 7 USD. Nguyên nhân vì trục trặc máy tính và trục trặc này đã kéo dài suốt hai giờ, khiến giá vé bị hỗn loạn như vậy.
Theo trang Thepointsguy, tháng 7-2017 Hãng Qatar Airways cũng đã bán nhầm vé hạng thương gia của họ chỉ với 555 USD cho chặng bay khứ hồi.
Như đã nói, nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá vé máy bay bỗng nhiên “rẻ như cho” có thể bắt nguồn từ con người. Do mệt mỏi hoặc sự thao tác vụng về của bàn tay khiến các con số bị thiếu hoặc thêm vào trong khi nhập giá vé, từ đó dẫn đến sai sót về mức giá vé công khai. Việc chuyển đổi tỉ giá từ đồng tiền này sang đồng tiền khác cũng có nguy cơ gây tính toán sai rất lớn.
Quên phụ phí nhiên liệu
Các khoản thu phụ phí nhiên liệu được đặt ra vào những năm 70 của thế kỷ trước trong giai đoạn khủng hoảng giá dầu, nhằm đảm bảo giá vé trong tình trạng giá nhiên liệu trồi sụt.
Điều đáng nói là chúng vẫn được duy trì từ đó tới nay, một phần được cho là nhằm ngăn các chương trình thưởng dặm bay thường xuyên không được hưởng miễn phí 100% các vé từ chương trình này, tức là họ luôn phải trả thêm các khoản phụ phí nhiên liệu.
Tuy nhiên thi thoảng các khoản phụ phí và phí này vẫn bị quên gộp vào giá vé. Và vì thường chiếm một tỉ lệ % lớn trong giá vé máy bay nên rõ ràng khi “lỡ bị quên”, nó sẽ khiến giá vé giảm mạnh.
Nhìn chung, các trục trặc xảy ra với giá vé máy bay là điều không thể tránh khỏi. Đó là bởi số lượng chuyến bay quá lớn và các hệ thống đặt vé online cũng khá phức tạp, cồng kềnh, lỗi có thể xảy ra bất cứ lúc nào và thậm chí cũng không thể biết hết khi chúng xảy ra.
Theo ông Jack Sheldon, thuộc nhóm “Jack’s Flight Club” chuyên cung cấp thông tin các chuyến bay giá rẻ, “việc duy nhất để tìm được vé bị bán lỗi giá là lúc nào cũng để mắt khắp nơi”. Theo ông Jack Sheldon, “các hệ thống tính giá vé máy bay phức tạp đến điên rồ”.
Ông này giải thích: “Giả sử tôi là một hãng bay và tôi đặt ra giá vé. Giá vé đó sẽ được nhập vào cơ sở dữ liệu và rồi có thể nhập vào một cơ sở dữ liệu khác nữa cung cấp thông tin cho các đại lý du lịch trực tuyến và các hãng bay đối tác”.
“Vậy nên bất cứ một trục trặc nào – trong chuyển đổi tỉ giá tiền hay phụ phí nhiên liệu hoặc thuế sân bay hoặc thậm chí một lỗi thủ công – cũng sẽ đi vào hệ thống lớn định giá vé máy bay quốc tế”.
Bên cạnh đó, nếu lúc nào cũng lùng tìm và khắc phục mọi sai sót khi xảy ra lỗi bán vé, đó sẽ là việc rất tốn thời gian và tiền của với các hãng bay.
Các trang săn vé máy bay “bị lỗi”
Vì thực tế “không thể tránh khỏi” của các hệ thống bán vé máy bay, nên nhiều người mê du lịch luôn sẵn sàng dành một khoảng thời gian để săn lùng những “sự cố may mắn” như vậy để có được tấm vé rẻ nhất có thể.
Trang Thriftynomads mách họ cách đơn giản và dễ nhất là “theo gót” các chuyên gia. Hiện tại trang Secret Flying được cho là nguồn thông tin tốt nhất hiện nay về các lỗi bán vé máy bay toàn cầu.
Mỗi ngày họ đều cung cấp những vé máy bay có giá bán rẻ do bị lỗi nào đó (không hiểu bằng cách bí ẩn nào) tại đây và sẽ thông báo cập nhật khi những vé đó đã hết hoặc lỗi đã được sửa. Người dùng cũng có thể theo dõi thông tin này trên Facebook hoặc Twitter của họ.
Bên cạnh đó, trang Airfarewatchdog cũng là một trong những trang phổ biến nhất cung cấp thông tin này. Trang này có một nhóm thành viên chuyên săn “deal” giá vé máy bay và cung cấp cho mọi người.
Một số nguồn thông tin khác để săn vé máy bay giá rẻ do lỗi là: The Flight Deal, I Want That Flight (Úc), Fly4Free, FlyerTalk Mileage Run forums, scottscheapflights, FareCompare, và SkyScanner.
Trách nhiệm của hãng bay?
Năm 2015, Bộ giao thông vận tải Mỹ có quy định các hãng bay không buộc phải chấp nhận những vé máy bay bán lo trục trặc/lỗi, miễn là họ phải có những chính sách bảo vệ cụ thể, thỏa đáng với khách hàng trong từng trường hợp.
Tháng 6 năm nay, hãng British Airways đã hủy các vé của những khách mua được vé giá rẻ do sự cố trục trặc kỹ thuật trên hệ thống bán vé của hãng.
Rất nhiều người đã mua được vé giá rẻ, chặng khứ hồi từ Anh tới Tel Aviv chỉ với 167 bảng Anh, từ các đại lý bên thứ ba. Tuy nhiên sau khi phát hiện trục trặc, British Airways đã xin lỗi vì phải hủy các vé này, đề nghị hoàn tiền vé cho khách cùng một voucher 100 bảng Anh.
Theo đó có thể thấy, về cơ bản, các hãng bay có thể tự chọn cách xử lý tình huống khi xảy ra lỗi với giá bán vé máy bay.
Việc tuân thủ bất kể sai sót như hãng Cathay Pacific vừa rồi có thể coi là “chơi đẹp” khi nhìn rộng ra, đã có những trường hợp hãng bay khác lẳng lặng hoàn tiền cho khách hoặc xin hủy bỏ vé trong tình huống tương tự.
Ví dụ, vào ngày Lễ tình nhân 14-2 năm 2017, nhiều người đã mua thành công vé khứ hồi chặng bay giữa Việt Nam và Pháp với giá 0 đồng, chỉ phải chi trả các loại thuế phí liên quan từ 4 đến 5 triệu đồng. Thông thường, vé khứ hồi hạng phổ thông của đường bay này có giá khoảng 20 triệu đồng trở lên.
Sau đó, đại diện Air France tại Việt Nam chọn cách bồi thường khiến nhiều khách hàng phiền lòng khi chỉ đồng ý bồi hoàn đầy đủ chi phí đặt vé “0 đồng + thuế” bị hủy do lỗi kỹ thuật và các chi phí liên quan khác cho khách hàng Việt Nam.
Theo Tuổi Trẻ