Vài tháng trước, Trâm Nguyễn vẫn còn xa lạ với cử tri địa phương nhưng sau cuộc bầu cử giữa kỳ, cô đã ghi tên mình vào lịch sử bang Massachusetts.
Dân biểu bang Massachusetts, Mỹ, Trâm Nguyễn. Ảnh: Boston |
Hôm 6/11, Trâm Nguyễn vượt qua Jim Lyons trong cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ với 54% số phiếu ủng hộ để trở thành dân biểu khu bầu cử 18 Essex tại hạ viện bang Massachusetts. Cô là người gốc Việt đầu tiên trúng cử vào cơ quan lập pháp của bang này.
Chiến thắng trước một đối thủ kỳ cựu với 4 nhiệm kỳ làm dân biểu khiến chính Trâm, người phụ nữ 31 tuổi lần đầu bước vào chính trường, cũng không khỏi ngạc nhiên.
“Chúng tôi nghĩ đây là một cuộc đua rất gay gắt và kết quả hoàn toàn vượt ngoài dự đoán của chúng tôi”, Trâm nói với tờ Boston. “Tôi không nghĩ mình sẽ chiến thắng nhưng tôi biết rằng điều đó là có thể, và đó là những gì chúng tôi nỗ lực”.
Trâm sang Mỹ định cư cùng gia đình từ lúc 5 tuổi, khi vốn tiếng Anh bằng không. Cô sau đó trở thành người đầu tiên trong gia đình có bằng đại học rồi bằng luật. Trâm tốt nghiệp tiến sĩ luật của trường Luật Đại học Northeastern ở thành phố Boston và hiện là một cố vấn pháp lý tại thành phố Andover.
Trâm Nguyễn và những người cử tri ủng hộ. Ảnh: Facebook |
Cô từng làm việc cho nhiều chiến dịch tranh cử nhưng đây là lần đầu tiên cô tham gia chạy đua vào cơ quan công quyền. Cách đây vài tháng, có người đã viết trên trang Facebook của một nhóm phụ nữ địa phương rằng họ thậm chí không biết Trâm là “ông nào”.
Để đến gần với cử tri, ứng viên đảng Dân chủ này và nhóm cộng sự đã tiến hành một chiến dịch vận động từ gốc rễ, với trọng tâm là lắng nghe tiếng nói của người dân. Đó cũng là động cơ khiến cô quyết định chạy đua vào hạ viện bang.
“Đích thân tôi đã đến gõ cửa hàng nghìn, hàng nghìn nhà ở toàn khu và trò chuyện với hàng nghìn người trong phòng khách và nhà bếp của họ”, cô kể. “Để mọi người biết rằng họ đang được lắng nghe là rất quan trọng. Mọi người muốn biết rằng có ai đó họ có thể gặp và làm việc cùng để giải quyết mọi việc”.
Trâm cho rằng chiến thắng của cô một phần là do các cử tri cần người đại diện dễ dàng tiếp cận hơn ông Lyons, một dân biểu bảo thủ, một phần do công chúng tích cực tham gia vào hoạt động chính trị hơn sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Trâm Nguyễn và chồng trong cuộc vận động tranh cử vừa qua. Ảnh: Facebook |
Trâm ủng hộ chính phủ minh bạch, chống bạo lực súng đạn và xem đại dịch thuốc giảm đau là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Cô hy vọng sẽ hiểu rõ hơn về khu vực mà mình đại diện khi nhậm chức và muốn các cử tri biết rằng họ luôn có một người lắng nghe tại hạ viện bang.
“Tôi nghĩ đây là một cuộc chạy đua cho thấy khi bạn có thông điệp dành cho mọi người và bạn trao cho họ hy vọng về sự thay đổi thì bạn sẽ thành công”, Trâm nói. “Đây là lúc mà mọi người đang tìm kiếm sự thay đổi và tìm kiếm một người hợp tác với họ. Tôi nghĩ điều đó rất thú vị và đây là thông điệp đã chiến thắng trong cuộc đua”.
Theo Vnexpress