Các nghiên cứu về AI của Trung Quốc không thường được trích dẫn trong các bài báo khoa học, khiến người ta chưa hiểu hết về sức mạnh trong lĩnh vực này của họ.
Theo nghiên cứu từ công ty thống kê Elsevier, với tốc độ hiện tại, Trung Quốc sẽ vượt mặt châu Âu về số lượng bài báo nghiên cứu về trí tuệ nhân tạotrong vòng 4 năm tới.
Số lượng bài nghiên cứu trí tuệ nhân tạo được công bố của Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ từ những năm 2004. Tham vọng trở thành cường quốc trong lĩnh vực AI của nước này cũng được hậu thuẫn bởi các chính sách từ cấp nhà nước.
Tuy nhiên, ngành trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc chỉ phát triển rực rỡ ở lĩnh vực nhận dạng hình ảnh, các mảng khác như nhận dạng giọng nói hay thấu hiểu ngôn ngữ tự nhiên lại không quá tập trung.
Dù vậy, nước này vẫn là cái nôi của các công ty AI được đầu tư nhiều nhất thế giới. Hồi đầu tuần này, công ty Face++ nhận 500 triệu USD đầu tư để trở thành thương hiệu trị giá 3,5 tỷ USD.
Tân Hoa Xã giới thiệu bản tin đầu tiên trên thế giới thực hiện bằng AI. Ảnh: Mashable. |
Một trong những sự kiện AI đáng chú ý của Trung Quốc là vào ngày 8/11, Tân Hoa Xã giới thiệu bản tin đầu tiên trên thế giới thực hiện bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo. Bản tin này được hãng thông tấn đăng tải nhân Hội nghị Internet toàn cầu tổ chức lần thứ 5 tại Chiết Giang, Trung Quốc.
Video tin tức sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, được dẫn bởi một người đàn ông “ảo” có giọng nói, gương mặt, cử chỉ như người thật. MC ảo này tự học những chuyển động, cử chỉ từ các chương trình trước đó.
Thậm chí “anh ta” có thể đọc văn bản tin tức như một MC chuyên nghiệp với giọng của Zhang Zhao, người dẫn chương trình thật của Tân Hoa Xã.
Các báo cáo về xu hướng Internet và của viện Future Today Insitute cho thấy biểu đồ tăng trưởng AI cao vút của Trung Quốc. Nhiều nhân vật tiếng tăm trong ngành như tiến sĩ Kai-Fu Lee và cựu COO của Baidu Qi Lu cũng dự đoán quốc gia tỷ dân sẽ dẫn đầu thế giới về AI trong tương lai gần.
Tuy nhiên, dù số lượng bài báo khoa học được công bố nhiều, các nghiên cứu về AI của Trung Quốc lại không thường được trích dẫn. Đây có thể chỉ là hiện tượng cục bộ, như là xu hướng nghiên cứu đang được nhiều người theo đuổi tại đây, chứ không hẳn là ngành AI toàn cầu đã phát triển mạnh mẽ hơn.
Số lượng bài báo khoa học về AI trong từng mảng cụ thể. Ảnh: Venturebeat. |
Số lượng bài báo khoa học công bố về AI toàn cầu tăng 12,9% trong 5 năm qua. Theo trang lưu trữ Arxiv, các bài báo về những lĩnh vực trọng yếu của AI như xử lý ngôn ngữ tự nhiên và thị giác máy tính đã tăng tới 37% trong 5 năm gần nhất.
Ấn Độ hiện đứng thứ 3 thế giới trong mảng nghiên cứu này, sau Mỹ và Trung Quốc. Đức và Nhật lần lượt xếp thứ 5 và 6, trong khi Iran thứ 9, ngang hàng với các quốc gia như Pháp và Canada.
Xét trên khu vực, châu Âu vẫn dẫn đầu thế giới về hoạt động nghiên cứu khoa học có liên quan tới AI. Các hạng mục nghiên cứu có tốc độ tăng trưởng cao nhất là máy học, lý luận xác suất, thị giác máy tính và mạng neural nhân tạo.
Báo cáo thường niên của State of European Tech công bố vào năm ngoái bởi công ty đầu tư mạo hiểm Atomico kêu gọi sự hợp tác nhiều hơn về công nghệ và nghiên cứu tại châu Âu để cạnh tranh với Trung Quốc và Mỹ.
Theo Zing