Câu thành ngữ này trong tiếng Anh là “A promise is a promise”. Tôi và em trai Anthony hay nói với nhau khi còn nhỏ, để đảm bảo rằng sẽ giữ lời.
– Tao sẽ ra ngoài cho ngựa ăn giùm mày, nếu mày giúp tao rửa chén”
– Hứa?
– Okay, hứa!
Mùa đông ở Canada lạnh lắm, nhưng tôi thì cực kỳ ghét rửa chén nên đây là một giao dịch thành công của tôi.
Thực sự câu “hứa là hứa” không có gì sâu sắc, nhưng Anthony và tôi tin tuyệt đối vào nguyên tắc này. Bởi chúng tôi đã thấy sự nghiêm túc trên khuôn mặt của bố, những biểu cảm hình thành thuộc thế hệ già nhập cư, khi ông dạy chúng tôi một trong những quy tắc quan trọng nhất để thành người: “Lời hứa là lời hứa”.
Vậy mà tôi đã gặp khó khăn với nguyên tắc này khi bước chân đến Việt Nam. Tôi thử sức trong lĩnh vực kinh doanh với một công ty bán sợi dệt ở Thái Bình. Thành công với giao dịch đầu tiên và có một chút hạnh phúc thoáng qua, tôi đã rất vui vì nhận được những thử thách mới, cảm thấy nghề bán hàng cũng ổn, cho đến khi khách hàng – một công ty Trung Quốc gọi điện nói rằng muốn huỷ hợp đồng với lý do thị trường thay đổi. Ông trình bày quanh co về cái gọi là lý do nhưng tôi chỉ thấy rằng ông muốn giao dịch với bên khác. Cầm điện thoại nghe ông ta nói mà tôi chỉ thốt lên được ba từ: “Huỷ hợp đồng?”. Tôi thấy chóng mặt, nóng, và hoài nghi. Vị khách hàng đó khi nghe tôi hỏi, chắc cũng sẽ cảm nhận được tôi sốc và đau lòng thế nào.
Lúc đó tôi vẫn trong giai đoạn “tuần trăng mật” với Việt Nam, mới bắt đầu sống ở một nước khác và nhìn mọi thứ tươi đẹp, không bận tâm về những điều xấu. Tuy nhiên, tuần trăng mật kết thúc khi sau đó, một người Đức bán máy móc làm sợi dệt đến công ty tôi và chia sẻ rằng những công ty ở châu Âu và châu Mỹ không thích làm với nhiều công ty Việt Nam, đơn giản vì họ không có chữ tín.
Tâm lý tôi xuống hẳn, tôi hơi trầm cảm cho đến khi thoát khỏi môi trường đó với một cách nhìn khác về đạo đức kinh doanh ở đây. Và trong suốt hơn 7 năm sống ở Việt Nam sau đó, tôi càng thấm thía điều đó hơn bao giờ.
Bởi tôi đã lớn lên với lời dạy rằng, giữ lời là nguyên tắc quan trọng của một con người. Và muốn giữ lời với người khác, trước hết phải giữ được lời hứa với chính bản thân mình. Bố bảo: “Trong cuộc sống mình phải ghi nhớ hai điều: Biết giữ lời và luôn trả tiền nợ”.
Khi còn bé, khoảng 15 tuổi, bố gửi tôi đi làm trợ lý cho một chú thợ sửa ống nước tên Mike, bạn thân của bố. Chú Mike bảo tôi: “Bố con dặn, chú có quyền giao cho con tất cả những việc khó, không vấn đề gì cả”. Và đúng như vậy, làm việc với Mike siêu khổ. Tôi phải học thật cẩn thận và nhanh, lỡ có sai sót gì thì sẽ bị trừ tiền công, đôi khi còn bị mắng. Tôi đâm ra ghét đi làm. Nhưng bố mẹ không cho tôi nghỉ, họ muốn dạy tôi khi quyết định làm gì thì phải làm đến nơi đến chốn, “A promise is a promise”.
Tôi giữ thái độ sống như vậy khi ở Việt Nam. Thú thật, có thể nói chính nhờ thái độ này mà tôi có thể ở đây đến bây giờ.
Gần 100 năm trước, nhà tâm lý Jean Piaget tin rằng đạo đức được phát triển ở trẻ em từ 9 đến 10 tuổi. Ông cho biết, việc trẻ em chơi với nhau thực sự quan trọng vì đó là bước đầu để chúng học cách hoạt động trong xã hội sau này.
Bạn có thể hỏi con bạn khi chúng chơi một trò chơi theo nhóm ở trường, theo con mục tiêu chính của trò chơi này là gì? Một vài bé có thể trả lời rằng niềm vui là mục tiêu, đúng một phần. Những bé khác, được nuôi dưỡng trong môi trường cạnh tranh hơn, có thể trả lời rằng chiến thắng là quan trọng nhất, cũng không sai. Trong thực tế, câu trả lời đúng là sự kết hợp cả hai đáp án trên. Nhưng bài học quan trọng nhất cần phải học chính là sự vui chơi công bằng. Rằng bạn chơi theo cách để mọi người còn muốn chơi tiếp với bạn lần sau, vừa để vui, vừa cảm thấy thoải mái, có lợi ích những cũng có sự rõ ràng, sòng phẳng.
Nhưng ta đều biết, có rất nhiều khách du lịch đến Việt Nam không trở lại, nhiều công ty kinh doanh không có hợp đồng thứ hai với một đối tác bởi họ chỉ cần kiếm được nhiều tiền nhất từ bất cứ khách hàng nào. Nhìn vào không ít doanh nghiệp, có vẻ như sự công bằng và đạo đức đang bị khuyết. Gần đây, tôi đã không tới các rạp để xem phim nữa vì tôi cảm thấy các chủ sở hữu rạp phim đã quên đi quy tắc vàng là tâm trạng của khách. Đi xem phim là khoảng thời gian giải trí với người thân, người ta đã mua vé tức là đã trả phí cho rạp. Nhưng vừa ngồi xuống ghế, tôi đã nhận cơn mưa quảng cáo liên tục cho đến khi cảm xúc của người xem tụt dần. Tôi cảm giác từ trong góc tối của rạp phim, ánh mắt của các nhà tiếp thị đang tham lam nhìn chằm chằm vào ví tiền của bạn.
Một công việc dang dở là một lời hứa đổ bể. Một hợp đồng bị phá vỡ, không giữ được lời hứa với chính mình, không gửi hồi âm trước hạn chót, không trả tiền đúng hẹn… nó sẽ xác định con người bạn. Trong môi trường kinh doanh quốc tế, nhiều công ty đã mang định kiến rằng các bạn hàng châu Á, đặc biệt Ấn Độ, Việt Nam và Trung Quốc không có chữ tín.
Họ quên mất hoặc đã không được nền giáo dục hay những người đi trước dạy kỹ càng rằng: Lời hứa là lời hứa.
Theo Vnexpress