Trump quyết không đeo khẩu trang khi gặp các cựu binh, trong khi bên kia Đại Tây Dương, Macron đeo một chiếc có hình quốc kỳ Pháp khi đến trường học.
Khi thế giới đang nới lỏng phong tỏa, sự chú ý của dư luận đang đổ dồn về các lãnh đạo. Nhiều chính phủ phương Tây ban đầu không khuyến cáo công chúng đeo khẩu trang, nhưng khi bắt đầu nhận ra rằng thuốc điều trị hoặc vaccine cho Covid-19 còn xa vời, họ thay đổi quan điểm.
Ngày càng nhiều nước khuyến khích hoặc bắt buộc người dân đeo khẩu trang như một công cụ chống virus quan trọng, cùng với rửa tay và giãn cách xã hội. Phòng Quản lý Nhà Trắng hôm qua gửi email tới các nhân viên, yêu cầu họ đeo khẩu trang hoặc che mặt khi bước vào Cánh Tây, nơi có Phòng Bầu dục của Tổng thống Donlad Trump.
Khi khuyến nghị của chính phủ thay đổi, các lãnh đạo phải quyết định: đeo khẩu trang hay không?
“Quyết định đeo hay không đeo khẩu trang ở nơi công cộng dựa vào thông điệp mà lãnh đạo muốn truyền tải”, nhà khoa học hành vi Jacqueline Gollan thuộc Đại học Tây Bắc ở Evanston, Illinois, nói.
“Các lãnh đạo nhiều khả năng sẽ đeo khẩu trang nếu họ tin rằng điều đó giúp tăng cường bảo vệ sức khỏe người dân. Họ có thể không đeo khẩu trang nếu muốn truyền đạt thông điệp rằng nguy cơ lây nhiễm ở mức thấp và mọi thứ đã bình thường hóa”, bà nói.
Một số lãnh đạo bắt đầu xuất hiện trước công chúng với khẩu trang y tế, khẩu trang N95 hoặc FFP2, những người khác chọn khẩu trang vải tái sử dụng mà nhiều chính phủ đang khuyến khích người dân đeo để dành khẩu trang y tế cho y bác sĩ.
Nhưng một số ít, bao gồm Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, đi ngược lại xu hướng. Họ quyết không đeo khẩu trang, dù thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện đông người hay gặp cựu binh, những người dễ bị tổn thương nhất trước Covid-19.
Bất kể động cơ thúc đẩy các lãnh đạo là gì, họ là “tấm gương nhiều người nhìn vào để làm theo, dù đó là tuân thủ hay phớt lờ khuyến nghị đeo khẩu trang”, theo Claudia Pagliari, nhà nghiên cứu y tế tại Đại học Edinburgh ở Scotland.
Hơn 50 quốc gia yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đặc biệt là trên các phương tiện giao thông công cộng và trong các cửa hàng. Nhưng nhiều nơi không thể cung cấp đủ khẩu trang y tế cho công chúng mà không gây ảnh hưởng đến kho dự trữ cho y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch.
Điều này đã khiến hơn 3/4 số người được hỏi ở Pháp trong một cuộc thăm dò gần đây nghi ngờ chính phủ ban đầu cố tình hạ thấp độ hiệu quả của khẩu trang để tránh làm cạn kiệt kho dự trữ vật tư y tế.
“Lỗi của các quan chức là nghĩ rằng công chúng ngu ngơ và không có khả năng hiểu thông điệp phức tạp. Vì vậy, họ đơn giản hóa thông điệp. Trong trường hợp này, họ truyền thông điệp rất đơn giản rằng khẩu trang không có tác dụng”, Matthew Lesh, chuyên gia chính sách công tại Viện Adam Smith ở London, nói về lập trường ban đầu của các nước châu Âu với khẩu trang.
KK Cheng, giám đốc Viện Nghiên cứu Y tế Ứng dụng tại Đại học Birmingham, Anh, cho biết cơ sở lý luận cho lập trường ban đầu của các chính trị gia chủ yếu là thiếu thử nghiệm lâm sàng chứng minh khẩu trang có tác dụng phòng ngừa dịch. WHO cũng không khuyến cáo bắt buộc đeo khẩu trang.
“Vấn đề lẽ ra rất đơn giản. Nếu nó không có tác dụng, tại sao chúng ta khuyên mọi người che miệng khi ho? Không có thử nghiệm lâm sàng nào, nhưng chúng ta không bao giờ nghi ngờ điều đó”, ông nói.
Khi nhiều người đã thống nhất rằng khẩu trang có tác dụng, mặc dù mức độ bảo vệ người dùng của mỗi loại khác nhau, các lãnh đạo chính trị phải điều chỉnh thông điệp.
Tổng thống Pháp Macron tuần trước đeo một chiếc khẩu trang xanh sẫm có hình quốc kỳ Pháp khi gặp các học sinh tiểu học. Ông thừa nhận vẫn đang làm quen với việc đeo khẩu trang khi giải thích nó có thể giúp ngăn lây từ người nhiễm nCoV không triệu chứng. “Giờ tôi sẽ rửa tay vì tôi liên tục chạm vào khẩu trang”, Tổng thống nói với các em học sinh khi lấy một chai gel rửa tay lớn.
Hồi đầu tháng, Phó thủ tướng Bỉ Koen Geens gặp nhiều lúng túng khi đeo khẩu trang vải. Tháng trước, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa bị một số người giễu cợt vì ông chật vật khi đeo khẩu trang, thậm chí đặt khẩu trang lên trên mắt. Tuy nhiên, số khác cho rằng sự lúng túng khiến ông hiện lên gần gũi hơn.
Hồi tháng ba, Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova gây chú ý khi khi đeo khẩu trang vải màu hồng dậm, tông xuyệt tông với váy và giày trong lễ tuyên thệ nhậm chức của chính phủ mới.
Ngược lại, Trump liên tục phớt lờ lời khuyên của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). Tuần trước, ông thăm một nhà máy sản xuất khẩu trang nhưng không làm theo bảng quy định gắn ở cơ sở: Vui lòng đeo khẩu trang mọi lúc. Thay vào đó, ông đeo một cặp kính bảo hộ. Trump giải thích rằng lãnh đạo doanh nghiệp nói ông không cần đeo.
Từ khi CDC ra khuyến nghị vào ngày 3/4 rằng người Mỹ nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng, Trump đã nhiều lần cho rằng điều đó là “không thực tế, vô nghĩa và không xứng với vị thế của lãnh đạo một thế giới tự do”. Tổng thống Mỹ nói rằng ông không thể để mình gặp gỡ các “tổng thống, thủ tướng, người quyền thế, vua chúa, nữ hoàng” khi đang đeo khẩu trang, dù các chuyến thăm ngoại giao đang bị đình chỉ.
“Thật không may, Covid-19 diễn ra trùng thời điểm phong trào dân túy toàn cầu đã đưa một thế hệ chính trị gia cứng rắn lên nắm quyền”, Pagliari nhận định.
“Đáng buồn thay, khẩu trang đã trở thành biểu tượng cấm kỵ mới nhất của phong trào dân túy này, giống như trong đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, khi người biểu tình coi chúng là biểu tượng cho sự kiểm soát mạnh tay của nhà nước”, chuyên gia này nói.
Leave a comment