Home Cộng Đồng Giới trẻ Hàn Quốc phát sốt với MBTI
Cộng Đồng

Giới trẻ Hàn Quốc phát sốt với MBTI

Đi dạo khắp thủ đô Seoul của Hàn Quốc, giữa biển chữ Hangul truyền thống vẫn rất dễ nhìn ra những tấm biển có 4 chữ cái Latin giống hệt nhau: MBTI.

Một quầy đoán vận may sử dụng MBTI ở Seoul ngày 25/6. (Ảnh: CNN)

Bốn chữ cái này xuất hiện trên những tấm biển quảng cáo, trong những câu chuyện hằng ngày, trong trò chơi điện tử, thậm chí cả danh sách trên Spotify. Ngồi trong một quán cafe, có thể nghe thấy nhiều cặp đôi hẹn hò lần đầu đang nói về những chữ cái này. Đến thăm một thầy bói cũng được nghe, mở một ứng dụng hẹn hò cũng thấy 1/3 hồ sơ của các thành viên nói về nó.

Với tên đầy đủ là Myers-Briggs Type Indicator, MBTI là bài kiểm tra tính cách để chia con người ra thành 16 kiểu, mỗi kiểu được gán với một đặc điểm tâm lý và mã số gồm 4 chữ cái.

Phương pháp do 2 người Mỹ tạo ra và coi đó là cách để phân chia công việc cho phụ nữ trong Thế chiến 2. Nó trở nên phổ biến kể từ đó, nhất là trong những năm 1990, như một công cụ trong các trường đại học và văn phòng. MBTI gần đây lại gây sốt trong giới trẻ Hàn Quốc, nhất là trong hẹn hò.

Thay vì tốn thời gian với những cách truyền thống để tìm người yêu, các tín đồ của MBTI, chủ yếu là những người trong tầm tuổi 20 và 30, đang dùng bài kiểm tra này để theo đuổi, hoặc loại bỏ những người bị đánh giá là không phù hợp.

Hẹn hò tốc độ

Lim Myoung-ho, giáo sư tâm lý học tại ĐH Dankook, cho biết MBTI phù hợp với tính cách thực tế của “Thế hệ MZ” (kết hợp của thế hệ M và thế hệ Z).

“Trong xã hội này, nếu bạn biết trước kiểu người phù hợp với mình, điều đó được đánh giá là hiệu quả”, GS Lim nói.

Đó là lý do Lee Da-hyun, một sinh viên 23 tuổi ở Seoul, luôn thông báo với người khác về kiểu MBTI của mình trước khi gặp gỡ lần đầu.

“Tôi không phải đến để giải thích về mình. Tôi có thể tiết kiệm thời gian bằng cách thông báo tôi là ENFP (giàu năng lượng và thân thiện), và họ có thể hiểu kiểu người của tôi”, Lee nói.

Kiểu của bạn trai Lee được cho là phù hợp với tính cách của cô. “Chúng tôi đã ở bên nhau hơn 1.000 ngày, đó là bằng chứng khẳng định hai kiểu hợp nhau”, cô nói.

Tuy nhiên, không phải ai cũng tin như vậy. Một số chuyên gia băn khoăn rằng liệu những người trẻ có phải đang bỏ qua những người thực sự tốt với mình chỉ vì hy vọng sai lầm là có thể tìm thấy hạnh phúc mãi mãi trong tổ hợp 4 chữ cái hay không.

Giới trẻ Hàn Quốc phát sốt với MBTI ảnh 2

Isabel Briggs Myers (trái) và mẹ Katharine Cook Briggs.

Hai mẹ con Katharine Cook Briggs và Isabel Briggs Myers tạo ra bộ chỉ số này dựa trên lý thuyết của nhà tâm lý học Thuỵ Sĩ Carl Jung từ những năm 1940, khi phụ nữ lần đầu tiên được khuyến khích đi làm vì đàn ông phải ra trận.

Phương pháp của họ cho rằng một người sẽ thiên về tính cách hướng nội hoặc hướng ngoại, cảm nhận hoặc trực giác, suy nghĩ hoặc cảm giác, đánh giá hoặc nhận thức. Mỗi tính cách này được đại diện bằng một chữ cái, và sự kết hợp khác nhau giữa 4 chữ cái tạo nên 16 kiểu tính cách.

Phương pháp kiểm tra khá đơn giản này là một lý do giúp nó trở nên hấp dẫn. Trong những năm 1980, MBTI phổ biến trong giới doanh nghiệp phương Tây, được áp dụng vào những quyết định tuyển người và quản lý.

Nhưng sau đó, sự hoài nghi về tính khoa học của bài kiểm tra khiến nó không còn phổ biến ở nơi làm việc nữa.

Nhiều nhà tâm lý học đã hoài nghi về phương pháp luận của nó, cho rằng vẫn chưa đủ bằng chứng để củng cố khẳng định và có những mâu thuẫn trong kết quả. Làm bài kiểm tra tại hai thời điểm khác nhau có thể cho ra hai kết quả khác nhau.

“Nó rất dễ sử dụng, nhưng cũng có lỗi về quá khái quát hoá hoặc cố định”, GS Lim nói.

Một số người khác cho rằng Briggs và Myers không được đào tạo chính thức về tâm lý học, rằng tính cách của con người phức tạp hơn nhiều so với các mã nhị phân mà bài kiểm tra đặt ra, và dùng cách phân loại này có thể ảnh hưởng đến hành vi và lựa chọn của con người, khiến nó có vẻ giống tiên tri ứng nghiệm.

Tuy nhiên, nhiều người trẻ Hàn Quốc hiện nay có vẻ không quan tâm đến những lỗi đó.

Đầu những năm 2000, người Hàn Quốc thích phương pháp gắn nhóm máu với kiểu tính cách, để từ đó quyết định việc chọn người yêu. Ví dụ, những người thuộc nhóm máu O được cho là hướng ngoại hơn.

Từ đó, các công ty nhanh chóng nghĩ ra cách kiếm tiền, bằng sản phẩm có chủ đề MBTI, từ game đến bia và kỳ nghỉ.

Game máy tính “MBTI Blind Date” cho phép người chơi trò chuyện với các nhân vật đại diện cho 16 loại tính cách để tìm ra sự tương thích. Nhiều game khác cũng có ý tưởng tương tự.

MBTI cũng được sử dụng trở lại ở nơi làm việc. Một trang web tuyển dụng ở Hàn Quốc liệt kê hàng chục thông báo tìm người thuộc kiểu MBTI nhất định. Một thông báo tuyển vị trí marketing (tiếp thị) yêu cầu ứng viên thuộc kiểu ENFP, nghĩa là những người “nhiệt tình và sáng tạo”.

Nhiều chuyên gia cho rằng không nên quá tin vào kết quả MBTI, dù trong hẹn hò, kết bạn hay công việc.

GS Lim cho rằng mọi người hoàn toàn có thể có kết quả kiểm tra sai, rồi dùng nó để tránh hoặc loại trừ ai đó thì sẽ là đi ngược lại ý định ban đầu của những người tạo ra công cụ này.

Nhà nghiên cứu này nói rằng Myers và Briggs hy vọng công cụ của họ có thể giúp hiểu hơn và đề cao những khác biệt về tính cách của mọi người.

Theo tienphong.vn

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *