Home Cộng Đồng Giải mã tư duy ‘điên rồ’ của Kim Jong Un
Cộng Đồng

Giải mã tư duy ‘điên rồ’ của Kim Jong Un

(www.Alouc.com) – Nhiều người gọi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là kẻ điên rồ, giết người không gớm tay và đe dọa hủy diệt cả thế giới bằng vũ khí hạt nhân.

Nhưng những người khác nhìn thấy có hẳn một chiến lược sau những thay đổi mà Kim Jong Un đã thực hiện kể từ khi ông lên nắm quyền, theo Reuters.

‘Lên ngôi’ khi mới 33

Vào ngày tháng 12/2011, lãnh đạo mới của Triều Tiên Kim Jong Un đã cùng 7 cố vấn hộ tống chiếc xe tang mang thi hài cha ông, Kim Jong Il, đi qua những con phố của Bình Nhưỡng.

Không ai trong số những người đó nay còn ở lại bên “Kim con”. Tháng 10 năm nay, ông hạ gục những người phụ tá cuối cùng của cha mình, cả 2 đều ở độ tuổi ngoài 90.

Theo Viện Chiến lược An ninh Quốc gia (INSS), thuộc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS), khoảng 340 người đã bị thanh trừng hoặc hành quyết dưới tay Kim Jong Un.

Kim con, một kẻ “rõ ràng là điên rồ” trong mắt của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, đã hoàn thành một công cuộc chuyển đổi 6 năm để đưa đất nước đến “thời đại khủng bố”, theo NIS.

Sự khó đoán và hung hãn của Kim đã khiến thế giới ngày càng lo sợ. Sau khi thử nghiệm thành công tên lửa ICBM ngày 29/11, Kim tuyên bố Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân có khả năng tấn công Mỹ.

Nhưng một cái nhìn gần hơn về sự lãnh đạo của Kim Jong Un cho thấy đằng sau “sự điên rồ” đó cũng có một chiến lược hẳn hoi, dù nó khá tàn bạo.

Tất cả 7 cố vấn cùng Kim Jong Un hộ tống xe tang của Kim Jong Il nay hoặc bị thanh trừng, hoặc bị giết. (Ảnh: Reuters)

“Lên ngôi” ở tuổi 33, “Kim con” trở thành một trong những nguyên thủ quốc gia trẻ nhất trên thế giới. Ông đã thừa hưởng một quốc gia có lịch sử tự hào.

Tuy nhiên, Dưới tay “Kim cha”, nền kinh tế bị quản lý yếu kém, và sự sụp đổ của Chủ nghĩa Cộng sản ở Liên Xô đã loại bỏ một nguồn hỗ trợ quan trọng, khiến có đến 3 triệu người bị đói.

Để củng cố tình hình yếu kém, nhà lãnh đạo trẻ đã chú trọng 3 lực lượng chính: quân đội và điện hạt nhân, nền kinh tế thị trường tư nhân ngầm, và sự sợ hãi và ngưỡng mộ về một vị thần.

Để thúc đẩy điều này, Kim đã hành hình hai người đàn ông quyền lực và đề bạt một phụ nữ trẻ – Kim Yo Jong, em gái của ông, người mà NIS cho rằng cũng là “nhà truyền giáo” chính của Kim.

Cô cũng là người cùng dòng máu duy nhất có liên quan đến hoạt động chính trị của Kim. Anh trai Kim Jong Un là Kim Jong Chol đã bị “Kim cha” từ chối cho “nối ngôi”.

Trong 5 năm tính đến tháng 12/2016, Kim Jong Un đã chi 300 triệu đô la cho 29 cuộc thử hạt nhân và tên lửa, 180 triệu đô la để xây dựng 460 bức tượng gia đình và khoảng 1 tỷ đô la trong đại hội đảng vào năm 2016, trong đó tới 26,8 triệu đô la chi riêng cho pháo hoa, theo Viện INSS.

Ông Lee Sang-keun, một chuyên gia về Lãnh đạo Triều Tiên tại Học viện Nghiên cứu Thống nhất ở Đại học Ewha Womans tại Seoul, nói: “Vâng, ông ta đã thay thế nhiều chỉ huy cao cấp và các quan chức một cách dễ dàng và tàn nhẫn giết chết một số người trong số họ, điều đó có thể làm bạn băn khoăn không ông ta có bị tâm thần hay không. Nhưng trong một giai đoạn dài của lịch sử, đó là cách thường thấy để giữ quyền lực”.

‘Lãnh tụ vĩ đại’

Trong thời xa xưa, Bình Nhưỡng là thủ đô của một đế quốc hùng mạnh Koguryo, gốc rễ của từ “Triều Tiên” (Korea) hiện nay. Quay lại lịch sử, theo lời của Lee Seung-yeol, nhà nghiên cứu cao cấp của INSS, khái niệm “lãnh tụ vĩ đại” là sự kết hợp của một số ý tưởng truyền lại qua thời gian: một vị thần vĩ đại, sự thờ kính như cha mẹ trong Nho giáo, và vị vua đến từ thiên đàng.

Lee, một nhà nghiên cứu hàng đầu về Triều Tiên, nói lý thuyết về sự kế thừa của nhà nước có nghĩa là việc đưa “Kim con” lên phải được hoàn thành khi “Kim cha” còn sống. Cha của Kim Jong Un đã được xức dầu 20 năm trước khi ông tiếp quản, cho phép ông xây dựng được tay chân và hệ thống. Kim Jong Un chỉ có 3 năm trong vai trò là người chờ đợi kế vị.

Sinh năm 1984, Kim Jong Un xếp ở hạng ba về kế nhiệm quyền lực, theo Kenji Fujimoto, một đầu bếp Nhật Bản làm việc cho gia đình và là một trong số ít người kể lại các cuộc gặp gỡ với “Kim con”.

Trong hồi ký được xuất bản vào năm 2010, Fujimoto, hiện đang điều hành một nhà hàng sushi ở Bình Nhưỡng, nói Kim Jong Un đã từng đánh dì của mình là Ko Yong Suk vì gọi ông là “Tướng nhỏ”. Kim muốn được gọi là “Đồng chí Đại tướng”.

Một số nhân vật tiêu biểu đã bị Kim Jong Un thanh trừng hoặc hành quyết. (Nguồn: Reuters)

Theo các nhà nghiên cứu, khi Kim Jong Il chọn đứa con trai nhỏ kế nhiệm mình, ông đã thực hiện một số biện pháp để bảo vệ cậu. Ông Lee nói việc đó bao gồm việc thay đổi cơ sở quyền lực của đất nước để tạo ra sự cạnh tranh giữa giới tinh hoa để “Kim con” có thể dùng nhóm này đấu đá nhóm kia.

Kim Jong Il đã tuyên bố quân đội là quyền lực tối cao của đất nước – một chính sách gọi là “songun”, có nghĩa là “quân đội trước hết”. Tại một cuộc đại hội đảng năm 2010, ông đã thay đổi thiết lập để quân đội phải cạnh tranh với quan chức đảng để được ân sủng của lãnh đạo.

Chọn vũ khí

Chiến lược quân sự là điều đầu tiên Kim Jong Un thay đổi. Cha của ông đã sử dụng lời hứa giải trừ vũ khí hạt nhân như một lá bài thương lượng để đổi lấy viện trợ, và vào tháng 2/2012, “Kim con” bắt đầu theo chân ông cha, hứa sẽ đóng băng chương trình hạt nhân của Triều Tiên để đổi lấy viện trợ lương thực từ Mỹ.

Tuy nhiên, vài tuần sau, Kim đã thay đổi, nói Triều Tiên sẽ bắn một tên lửa tầm xa. Wi Sung-lac, cựu phái viên Hàn Quốc trong cuộc đàm phán năm 2011, nói rằng các cuộc đàm phán được tiến hành như là di sản của Kim Jong Il. “Kể từ đó suy nghĩ chiến lược của Kim Jong Un đã hình thành.”

Theo quan điểm của “Kim con”, Saddam Hussein của Iraq và Muammar Gaddafi của Libya đã bị suy yếu nghiêm trọng do không có vũ khí hạt nhân, điều này có thể nhận thấy qua các bài viết trên truyền thông Triều Tiên. Hãng Thông tấn xã Triều Tiên KCNA cho biết trong một bài xã luận vào tháng 1/2016: “Lịch sử chứng minh rằng sự răn đe hạt nhân mạnh mẽ đóng vai trò như một thanh gươm quý giá nhất làm nản lòng âm mưu xâm lược của nước ngoài”.

Triều Tiên đang chạy đua để đạt được khả năng phòng vệ hạt nhân vì nhà nước này cảm thấy bị đe dọa, đặc biệt lo lắng ông Kim có thể đối mặt với một số phận như Gaddafi. Nhà lãnh đạo Libya vào năm 2003 đã đồng ý loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt của ông. Đến năm 2011, ông chết dưới tay các phần tử nổi dậy được Mỹ và đồng minh ủng hộ.

Nhiều tháng sau khi “Kim con” lên làm lãnh đạo, Triều Tiên đã cập nhật hiến pháp tuyên bố là một quốc gia vũ khí hạt nhân.

Một người từng hộ tống quan tài Kim Jong Il bên cạnh “Kim con” nay về sau bị thanh trừng là Ri Yong Ho, Tổng tham mưu của Quân đội Nhân dân Triều Tiên. “Kim con” đã sa thải ông vào tháng 7/2012. Tình báo Hàn Quốc sau đó đã xác nhận Ri đã bị hành quyết.

Đến tháng 12/2012, Triều Tiên đã tiến hành một cuộc thử tên lửa khác thành công.

Kim Jong Un chỉ là người đứng thứ 3 trong thứ tự kế vị. (Nguồn: Reuters)

Vào năm 2013, Kim Jong Un đã vạch ra một chính sách mới “đường byungjin”, tức phát triển song song, kết hợp tích tụ hạt nhân và tăng trưởng kinh tế.

Khả năng phòng vệ hạt nhân là cơ bản cho điều đó, theo ông Thae Yong-ho, cựu Đại sứ của Triều Tiên ở London, người đã đào thoát sang Hàn Quốc vào năm 2016. Mối đe dọa hủy diệt khiến một quả bom hạt nhân là vũ khí để thắt chặt kiểm soát đất nước và đảm bảo sự cai trị lâu dài, Thae nói.

Ông Thae nói: “Một khi ông ta kiểm soát được vũ khí hạt nhân, ông ta có thể phân bổ các nguồn lực linh hoạt hơn và phân bổ lực lượng quân đội cho xây dựng dân dụng”.

‘Giấc mơ ngu ngốc’

Triều Tiên sử dụng khoảng một phần tư GDP cho quốc phòng. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói Kim Jong Un thà để người của ông “ăn cỏ” hơn là từ bỏ chương trình hạt nhân.

Nhưng với một di sản của nạn đói, Kim cũng nói rằng ông muốn tăng sự thịnh vượng của người dân.

Đầu bếp cũ, Fujimoto, nói rằng vào một kỳ nghỉ hè tại trường học ở Thụy Sĩ năm 2000, Kim Jong Un đã bận tâm với chuyến viếng thăm Bắc Kinh của “Kim cha”.

Fujimoto nhớ lại Kim Jong Un nói khi ở trên tàu riêng của cha mình. “Tôi nghe từ các nhân vật cấp cao rằng Trung Quốc dường như đã thành công trên nhiều mặt trận – kỹ thuật, thương mại, khách sạn, nông nghiệp – mọi thứ”, Kim Jong Un nói. “Vậy tại sao chúng ta không lấy họ như tấm gương điển hình cho chúng ta?”.

Năm 2012, ngay sau khi nắm quyền, Kim đã đi một bước nhỏ để bắt chước những cải cách mà Trung Quốc đã thực hiện vào những năm 1980. Nông dân được phép giữ phần lớn vụ thu hoạch. Các doanh nghiệp nhà nước được quyền mua và bán theo giá thị trường, cũng như thuê và sa thải nhân viên.

Các doanh nghiệp tư nhân và thương nhân được khuyến khích đầu tư vào các dự án nhà nước hoặc với các đơn vị của đảng và quân đội. Kim cũng bắt đầu làm ngơ trước các thị trường phi chính thức – một lực lượng mà “Kim cha” đã cố gắng ngăn chặn nhưng không thành.

Tháng 4 năm đó, Kim nói: “Sự quyết tâm kiên định của đảng là đảm bảo rằng người dân sẽ không bao giờ phải thắt lưng buộc bụng”.

Nhưng đến bây giờ nạn đói vẫn thường đe dọa người dân Triều Tiên. Đặc biệt trong bối cảnh nhà nước dành mọi nguồn lực để phát triển vũ khí, ngay cả binh lính cũng bị bỏ đói. Đã có báo cáo cho biết những người lính Triều Tiên đã phải đi cướp bóc lương thực của người dân.

Năm 2015,50% hình ảnh Kim Jong Un được chụp tại các sự kiện liên quan đến kinh tế. (Ảnh: Reuters)

Thế giới bên ngoài hy vọng cải cách là dầu hiệu cho một sự cởi mở chính trị mới, khi Kim Jong Un dường như thúc cố để Triều Tiên gần gũi hơn với thế giới. Năm 2012, ông Antonio Razzi, một thượng nghị sĩ của Forza, Ý, cho biết Kim Jong Un đã yêu cầu ông tìm cơ sở ở Ý để đào tạo cho cầu thủ bóng đá Triều Tiên.

Nhưng song song đó, Kim Jong Un cũng hành động để bảo đảm tự do kinh tế không ảnh hưởng tới vị trí của mình. Và điều đó khiến chế độ của ông bị xem là “thời đại khủng bố”. Trong thực tế, Triều Tiên đã bị Mỹ đưa trở lại danh sách các nước bảo trợ khủng bố.

Cùng hộ tống chiếc xe tang của “Kim cha” năm 2011 là Jang Song Thaek, một người đứng đầu đội ngũ cải cách. Ông đã kết hôn với em gái của Kim Jong Il, là một phái viên đặc biệt đến Trung Quốc và đã giám sát một loạt Khu Kinh tế Đặc biệt mới trên khắp đất nước.

Vào tháng 12/2013, ông Jang bị trục xuất khỏi Bộ Chính trị ngay trước ống kính máy quay với cáo buộc tội âm mưu đảo chánh. “Jang đã mơ một giấc mơ ngu xuẩn như vậy”, các phương tiện truyền thông nhà nước cho biết, “Jang hy vọng các kế hoạch cải cách của ông sẽ giúp ông nhận được sự công nhận của nước ngoài”.

Theo NIS, Jang đã bị bắn bằng súng phòng không “hàng chục lần” và phần còn lại của ông bị hủy diệt bằng súng phun lửa.

Phát triển độc tài

Kể từ đó, Kim đã phổ biến sự sùng bái cá nhân đối với mình. Vào ngày thanh trừng của Jang được công bố, tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên tiết lộ một bài hát dành cho Kim Jong Un, mang tên “Chúng tôi không biết gì khác ngoài ngài”.

Năm tiếp theo, Kim Jong Un ra lệnh sửa lại sách giáo khoa theo hướng tập trung thần tượng hóa chính ông và đưa vào hình ảnh vũ khí hạt nhân và tên lửa, theo viện INSS.

Chiến dịch thần tượng hóa trở thành cao trào vào năm 2016, tập trung vào các lĩnh vực văn hóa phổ biến và thanh thiếu niên. Những ca sĩ được Kim Jong Un tuyển chọn, ban nhạc Moranbong, đã tổ chức một loạt buổi biểu diễn âm nhạc và các vở kịch kêu gọi sự trung thành với lãnh đạo. Trong khi Shock Brigade, một nhóm thanh niên Triều Tiên phụ trách các dự án xây dựng kinh tế lớn, đã cho ra đời khoảng 1.200 bài thơ và các tác phẩm văn học khác.

John Delury thuộc Đại học Yonsei ở Seoul nói: “Ông ta đã liên kết tính hợp pháp của chính mình để cải thiện tình hình kinh tế trong nước. Kim Jong Un muốn trở thành một nhà độc tài của sự phát triển”.

Kim Jong Un đã phổ biến việc thần tượng hóa chính bản thân ông. (Ảnh: Reuters)

Ở trong nước, Kim Jong Un tạo hình ảnh như kẻ mang lại lợi ích kinh tế. Vào năm 2015, gần nửa số lần ông được chụp ảnh là các sự kiện kinh tế, theo dữ liệu từ Bộ Thống nhất Thống nhất của Seoul. Chỉ trong năm nay, khi các cuộc thử nghiệm vũ khí của Bình Nhưỡng tăng tốc và và gặp phản ứng giận dữ ở Hoa Kỳ, sự hiện diện quân sự của Kim Jong Un mới trở nên nổi bật.

Đứng bên cạnh Kim Jong Un trong đám tang của cha mình là em gái, Kim Yo Jong, 28 tuổi. Hồi tháng 10, trong cùng ngày thanh trừng 2 phụ tá cuối cùng của cha mình, Kim đưa cô vào Bộ Chính trị. Theo cựu Đại sứ Thae, Kim Jong Chol, anh trai của họ, đã sống một cuộc sống yên tĩnh ở Bình Nhưỡng, nơi ông ta chơi guitar trong một ban nhạc.

“Tôi nghĩ rằng Kim Jong Un đã sử dụng tốt hệ thống hiện tại, đồng thời tăng cường cơ chế quyền lực và chế độ độc tài của mình một cách rất khôn ngoan”, Lee Su-seok, một nhà nghiên cứu thuộc Viện INSS, nói.

Theo ĐKN