Home Cộng Đồng Đối phó Bắc Kinh, Nhật đẩy mạnh cử người vào lãnh đạo Liên Hợp Quốc
Cộng Đồng

Đối phó Bắc Kinh, Nhật đẩy mạnh cử người vào lãnh đạo Liên Hợp Quốc

Chính phủ Nhật sẽ tập trung nhiều hơn với kế hoạch đưa người Nhật vào các vị trí lãnh đạo tại Liên Hợp Quốc, để đối phó ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc.

Mục tiêu của họ là xác định các chức vị quốc tế có tầm quan trọng chiến lược về kinh tế hay an ninh, và tiến cử những người Nhật từng là bộ trưởng trong nội các, theo Nikkei Asian Review.

Nhóm nghị sĩ của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, do chính khách chủ chốt Akira Amari dẫn đầu, sẽ bắt đầu thảo luận hôm 16/6 về việc chuyển quy trình đề cử về cho Văn phòng Nội các Nhật, vốn báo cáo trực tiếp lên Thủ tướng Shinzo Abe. Hiện nay, phụ trách đề cử các ứng viên là Bộ Ngoại giao và các cơ quan chính phủ khác.

nhat ban lanh dao Lien hop Quoc anh 1
Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc họp ở New York năm 2015. Ảnh: New York Times.

“Nhật Bản không nhiệt tình trong việc cử người vào các tổ chức quốc tế”, ông Amari nói. “Đưa tiêu chuẩn của đất nước mình thành tiêu chuẩn của thế giới là chiến lược kinh tế cực kỳ hiệu quả”.

Tiến cử các cựu bộ trưởng ra quốc tế

Các tổ chức quốc tế ảnh hưởng tới các quy định trên mọi mặt như thương mại, viễn thông, hàng hải. Có gần 100 tổ chức quốc tế với phạm vi toàn cầu, và nhiều vị trí lãnh đạo các cơ quan này có nhiệm kỳ 5 năm. Các vị trí lãnh đạo tại một số cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc do các nước bỏ phiếu bầu.

Theo Nikkei Asian Review, chiến lược nhân sự của Nhật Bản cho tổ chức quốc tế sẽ thuộc về nhóm kinh tế của Hội đồng An ninh Quốc gia, dự kiến sẽ bao gồm thảo luận giữa nhóm kinh tế và các cơ quan chính phủ, như Cục Nhân sự của Nội các hay Bộ Ngoại giao.

Chiến lược đó cũng sẽ bao gồm phối hợp với các nước khác về thời điểm bỏ phiếu bầu hay vận động cho các ứng viên.

Nhiều tổ chức có thông lệ cấm lãnh đạo từ cùng một nước làm các nhiệm kỳ liên tiếp. Chiến lược của Nhật Bản có thể bao gồm chuyển lại các vị trí lãnh đạo cho các nước đối tác khi nhiệm kỳ của người Nhật kết thúc.

nhat ban lanh dao Lien hop Quoc anh 2
Một cuộc họp trực tuyến của lãnh đạo Nhật Bản với Ủy ban Olympic Quốc tế ngày 24/3. Ảnh: Nội các Nhật Bản/Reuters.

Hiện không có người Nhật làm lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc. Các nghị sĩ LDP cho rằng không chỉ ngôn ngữ, kỹ năng quản trị và chuyên môn, mà kinh nghiệm làm việc trong chính phủ ở cấp bộ trưởng cũng cần thiết để làm lãnh đạo các cơ quan quốc tế.

Đã có những ví dụ như vậy. Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, từng là bộ trưởng y tế và ngoại trưởng của Ethiopia. Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, từng là thủ tướng Bồ Đào Nha.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, chưa có ai từng là bộ trưởng ở Nhật Bản làm lãnh đạo tại các cơ quan Liên Hợp Quốc. Những người từng có kinh nghiệm làm bộ trưởng được kính trọng trong cộng đồng quốc tế. Người từng làm ngoại trưởng còn có thêm nhiều mối quan hệ hữu ích ở các nước.

Trung Quốc ảnh hưởng mạnh các tổ chức quốc tế

Việc lựa chọn tổng giám đốc tiếp theo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ là một phép thử. Vị trí hiện tại do Roberto Azevedo, một người Brazil, nắm giữ, nhưng ông đột ngột tuyên bố từ chức vào nửa cuối năm nay.

WTO đang tìm kiếm người kế nhiệm cho ông và bắt đầu nhận đề cử từ ngày 8/6. Các nhà quan sát tin rằng Mỹ sẽ ủng hộ Tim Groser, cựu bộ trưởng thương mại New Zealand, trong khi Trung Quốc sẽ ủng hộ Amina Mohamed, từng làm trong nội các của Kenya. Nhật Bản sẽ phối hợp với Mỹ, với giả thiết hai nước này sẽ có lợi ích đối lập với Trung Quốc.

nhat ban lanh dao Lien hop Quoc anh 3
Hiện không có người Nhật nào làm lãnh đạo tại các cơ quan Liên Hợp Quốc. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Nhiệm kỳ của lãnh đạo một vài tổ chức khác cũng sẽ sớm kết thúc trong những năm tới. Các quan chức Trung Quốc, đang lãnh đạo các cơ quan Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), Liên minh Viễn thông Quốc tế, sẽ hết nhiệm kỳ vào năm 2021 và 2022.

Sự tham gia ngày càng mạnh của Trung Quốc trong Liên Hợp Quốc là đáng chú ý. Các quan chức Trung Quốc đang lãnh đạo 4 trên 15 cơ quan chuyên môn. Khi được hỏi về ảnh hưởng của Trung Quốc, một nghị sĩ cao cấp của đảng LDP ở Nhật Bản nói: “Chúng ta có thể thấy họ muốn biến chính sách quốc gia của riêng họ thành tiêu chuẩn quốc tế”.

Trung Quốc đã dùng sức mạnh kinh tế của mình để ủng hộ các nước châu Phi và các nước khác, nhờ đó gia tăng ảnh hưởng của mình. Năm 2019, Trung Quốc đồng ý giãn nợ cho Cameroon ở Tây Phi. Đổi lại, Cameroon rút ứng viên của mình cho vị trí lãnh đạo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) và ứng viên Trung Quốc sau đó giành vị trí.

Trong một số trường hợp, cộng đồng quốc tế nghi ngờ sự trung lập của các tổ chức có lãnh đạo Trung Quốc.

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, có lãnh đạo Fang Liu là người Trung Quốc, đã ngăn không cho Đài Loan tham gia vào đại hội đồng của tổ chức này kể từ 2016. Ông này từng tham gia xây dựng chính sách hàng không của chính phủ Trung Quốc.

Liên minh Viễn thông Quốc tế, có lãnh đạo Houlin Zhao là người Trung Quốc, đã tuyên bố tăng cường hợp tác với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh. Chính ông đã tham gia việc lập tiêu chuẩn viễn thông ở nước này.

Tổ chức Y tế Thế giới đã bị Mỹ chỉ trích vì đã quá tin tưởng Trung Quốc về các phản ứng và tuyên bố ban đầu của Bắc Kinh đối với virus corona. Ông Tedros cũng chưa thoát khỏi các lời đồn đoán rằng ông ưu ái Trung Quốc vì Trung Quốc thân về kinh tế với nước của ông, Ethiopia.

Theo Zing

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *