Home Cộng Đồng Đánh bắt mực – Ngành Trung Quốc dùng để hiện thực hóa tham vọng biển
Cộng Đồng

Đánh bắt mực – Ngành Trung Quốc dùng để hiện thực hóa tham vọng biển

Trung Quốc được cho là dùng thế áp đảo trong ngành đánh bắt mực để gia tăng sức mạnh hàng hải và xuất khẩu sản phẩm chất lượng thấp.

Thế giới tiêu thụ hơn 2,7 triệu tấn mực mỗi năm, theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc. Để đáp ứng nhu cầu, hàng nghìn tàu thuyền đánh bắt mực mỗi năm bằng các thiết bị chuyên dụng. Các tàu cá Trung Quốc chiếm 50 – 70% lượng mực đánh bắt trong vùng biển quốc tế trong những năm gần đây, theo ước tính của chính phủ Trung Quốc.

Việc theo dõi các sinh vật như mực trên các vùng biển toàn cầu đòi hỏi phải có tin tức, công nghệ, tổ chức và hỗ trợ tài chính từ chính phủ. Một nhà nghiên cứu giấu tên cho biết Bắc Kinh, bên đang nuôi dưỡng tham vọng trở thành cường quốc hàng hải, đã dành nhiều sự chú ý cho ngành đánh bắt mực để tăng cường sức mạnh của mình tại các đại dương trên thế giới, theo SCMP.

Vệ tinh và các tàu nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc đã thu thập lượng lớn dữ liệu để giúp các nhà nghiên cứu theo dõi, dự đoán sự tăng trưởng và đường di chuyển của mực ở vùng biển quốc tế. Mực là loài khó theo dõi vì vòng đời ngắn nhưng những dự báo của chính phủ Trung Quốc được cho là chính xác 70 – 90%.

Bên cạnh việc tài trợ cho nghiên cứu, Bắc Kinh cũng chi hàng tỷ USD để trợ cấp nhiên liệu cho tàu của ngư dân, chế tạo các tàu đánh bắt mực lớn và hiện đại hơn, thậm chí còn gửi tàu y tế đến các ngư trường để cải thiện sức khỏe cho ngư dân Trung Quốc, giúp họ đánh bắt hiệu quả hơn.

Tiến sĩ Enric Sala, người sáng lập và lãnh đạo dự án Pristine Seas của Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ, cho biết đánh bắt mực là ngành dễ thua lỗ và điều này đặc biệt đúng với Trung Quốc. Bắc Kinh gửi tàu đến đánh bắt ở những vùng biển xa xôi như ngoài khơi Argentina nhưng giá bán mực không thể đủ để trả tiền nhiên liệu, theo một nghiên cứu của Sala và các đồng nghiệp.

“Mặc dù một số loại hải sản thường thu về lợi nhuận cao, việc câu mực và đánh bắt đáy sâu chẳng thể kiếm lời nếu không có trợ cấp chính phủ”, Sala nói. “Chính phủ Trung Quốc đang đổ lượng lớn tiền của người nộp thuế vào một ngành công nghiệp khó nhằn”.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, giá mực năm nay đã tăng hơn 40% so với năm ngoái. Ngư dân Hàn Quốc cáo buộc tàu cá Trung Quốc bắt quá nhiều mực ở biển Hoa Đông, gây ra sự sụt giảm mạnh mực trong vùng biển Hàn Quốc.

“Các tàu của chúng tôi chỉ có thể bắt được lượng mực bằng 15% số mực của các tàu Trung Quốc”, Park Jung-gwi, ngư dân ở Sokcho, nói hồi tháng một. Park nói rằng lợi nhuận của ông đã giảm gần 60% trong những năm gần đây do cạnh tranh không lành mạnh từ các đối tác Trung Quốc.

Mực phơi tại Taejin, Hàn Quốc. Ảnh: AFP.

Mực phơi tại Taejin, Hàn Quốc. Ảnh: AFP.

Số lượng mực Hàn Quốc đánh bắt năm 2017 giảm 48% so với năm 2003, theo Viện Hàng hải Hàn Quốc. Số lượng mực Nhật thu được trong cùng thời kỳ đã giảm 73%.

Tian Yongjun, giáo sư khoa thủy sản Đại học Đại Dương Trung Quốc ở Sơn Đông, cho biết 70% lượng mực của Trung Quốc được bắt ở vùng biển quốc tế. Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên khi nhìn vào sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trên các vùng biển trên thế giới, ông nói.

Trung Quốc đã mở rộng lực lượng hải quân nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Chính phủ Trung Quốc điều một số lượng lớn các tàu nghiên cứu tiên tiến đến các đại dương trên thế giới để tìm kiếm khoáng sản, dầu và các tài nguyên thiên nhiên khác.

Tuy nhiên, so với các nước phương Tây, Trung Quốc “vẫn còn một chặng đường dài để đi” trước khi có thể tự xưng là cường quốc hàng hải, Tian nói. “Vai trò của Trung Quốc vẫn còn yếu ở nhiều tổ chức thủy sản quốc tế. Trung Quốc cần nghiên cứu thêm và làm việc để cải thiện tính bền vững của các nguồn lợi thủy hải sản”, ông nói.

Hàng năm, các quan chức từ các nhà sản xuất và bên tiêu thụ lớn nhất thế giới – Trung Quốc, Nhật Bản, Peru, Argentina, Mỹ và các quốc gia châu Âu bao gồm Anh và Tây Ban Nha cùng bàn bạc về việc mỗi nước nên điều bao nhiêu tàu đến đến các ngư trường lớn ở vùng biển quốc tế. Các cuộc họp nhằm điều chỉnh sự cạnh tranh và giảm rủi ro đánh bắt quá mức.

Trung Quốc luôn chiếm phần lớn nhất, một phần vì họ có thông tin toàn diện và đáng tin cậy nhất về số lượng và vị trí của các nguồn mực tiềm năng, theo một nhà nghiên cứu đã tham gia các cuộc họp.

Chủ một công ty mực ở Đài Loan nói rằng họ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, đôi khi không công bằng từ các tàu đánh cá Trung Quốc đại lục. “Đôi khi một lượng lớn tàu đến và cuốn đi phần lớn sản lượng”, chủ tàu nói.

Tuy nhiên, ít người lên tiếng chỉ trích vì ngành đánh bắt mực của Đài Loan thường xuyên phải gửi đại diện đến Trung Quốc đại lục để có những phân tích và dự báo mới nhất. “Chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào thông tin, vì vậy không ai dám chỉ tay và nói: ‘Anh đang bắt nạt'”, chủ tàu nói thêm.

Người trả giá cao nhất

Phương Tây cũng đang cảm nhận được sức mạnh gia tăng của Trung Quốc trong ngành đánh bắt mực. Mỹ đã nhập khẩu số lượng kỷ lục mực từ Trung Quốc vào năm 2016, mặc dù giá tăng gần 30%, theo Trung tâm Thương mại quốc tế, cơ quan trực thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới và Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, một thương nhân cho biết chất lượng mực lại giảm sút. Mực mà Mỹ nhận được chứa 30 – 50% nước, trong khi các năm trước nước chỉ chiếm 10%.

“Những thứ tốt sẽ luôn được giữ lại ở thị trường nội địa Trung Quốc trong khi sản phẩm chất lượng thấp được chuyển sang Mỹ”, thương nhân nói.

Một thương nhân ở châu Âu cũng cho biết chất lượng mực suy giảm khiến nhiều khách hàng phàn nàn. Mặc dù tương đối rẻ, mực từ Trung Quốc “không thể nào so bì chất lượng được với bạch tuộc mà ngư dân châu Âu đánh bắt. Tôi thường khuyên mọi người không mua chúng”, ông nói.

Truyền thông Trung Quốc cảnh báo Úc về biển Đông

Zhang Jiejian, giám đốc tiếp thị của một công ty bán thủy hải sản đông lạnh ở Bắc Kinh, cho biết mực chất lượng cao nhất chủ yếu được bán cho các thị trường ở vùng Viễn Đông, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi người dân thích ăn mực sống.

Khách hàng Trung Quốc cũng sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm chất lượng cao hơn, ông nói. “Hoàn toàn không có sự thiên vị – những thứ tốt nhất đến với người mua trả giá cao nhất”, Zhang nói. “Đó là tự do thương mại. Công bằng cho tất cả mọi người”.

Theo Vnexpress