Home Cộng Đồng COVID-19 là bệnh dịch hay đại dịch?
Cộng Đồng

COVID-19 là bệnh dịch hay đại dịch?

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã gọi COVID-19 là bệnh dịch (epidemic) thay vì đại dịch (pandemic). Tuy nhiên ngày 28-2, WHO đã nâng mức cảnh báo lây nhiễm và ảnh hưởng của COVID-19 từ mức ‘cao’ lên ‘rất cao’ trên quy mô toàn cầu.

Báo New York Times đưa ra những giải thích liên quan.

Khác biệt giữa bệnh dịch và đại dịch?

Theo WHO, bệnh dịch được giải thích là sự bùng phát của một căn bệnh trong một khu vực với tốc độ lây nhiễm không lường trước được. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) định nghĩa bệnh dịch là “một sự gia tăng, thường là đột ngột, các ca nhiễm vượt cả số lượng đã ước tính tại khu vực đó”.

Năm 2010, WHO đã định nghĩa đại dịch là “sự lây lan trên toàn thế giới của một căn bệnh mới” có ảnh hưởng đến một số lượng lớn người. CDC thì định nghĩa “là một dịch bệnh lan rộng trên một số quốc gia hoặc lục địa, thường ảnh hưởng đến một số lượng lớn người”.

COVID-19 là bệnh dịch hay đại dịch? - Ảnh 1.
Các nhân viên làm vệ sinh và khử khuẩn ở cửa hàng tại thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên ngày 28-2 – Ảnh: Reuters

“Thông thường một đợt bùng phát có thể trở thành một bệnh dịch khi nó lây lan rộng tại một quốc gia cụ thể, đôi khi ở một khu vực cụ thể, như Zika – giáo sư về luật y tế toàn cầu Lawrence O. Gostin, thuộc Đại học Georgetown, giải thích – Trong khi đó một đại dịch được hiểu là sự lây lan rộng khắp về mặt địa lý của một căn bệnh tại nhiều nơi trên thế giới, qua nhiều châu lục”.

Đại dịch chưa? Chưa

Cả hai thuật ngữ thường được sử dụng liên quan đến sự bùng phát của COVID-19, nhưng cách chúng được sử dụng là mang tính chủ quan và không có quy tắc về thời điểm sử dụng chúng, ông Gostin cho biết.

Tháng trước WHO đã tuyên bố đợt bùng phát COVID-19 là “tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu”. Tuần này ông Tedros Adhanom Ghebreyesus – tổng giám đốc WHO – cho biết quyết định có nên sử dụng từ đại dịch hay không cần dựa trên một đánh giá liên tục về sự lây lan của virus, mức độ nghiêm trọng của tác động và ảnh hưởng của nó đối với xã hội.

“Virus này có tiềm năng gây đại dịch không? Hoàn toàn có. Chúng ta đã tới mức độ đó chưa? Từ đánh giá của chúng tôi là vẫn chưa” – tổng giám đốc WHO khẳng định. Ông Tedros lập luận cho đến nay các chuyên gia y tế vẫn chưa chứng kiến “sự lây lan không kiểm soát ở cấp độ toàn cầu” hay bằng chứng về “số ca nhiễm bệnh nghiêm trọng và tử vong trên quy mô lớn”.

Điều gì khiến WHO không gọi COVID-19 là đại dịch?

Theo GS Gostin, có hai lý do khiến WHO không gọi COVID-19 là đại dịch. Thứ nhất: dịch bệnh vẫn có thể được ngăn chặn. Thứ hai: cố gắng tránh hoảng loạn không cần thiết.

“Ông ấy (Tedros) muốn tạo ra sự nghiêm túc chứ không phải phản ứng thái quá – ông Gostin lập luận – Ông ấy không muốn thấy thêm các lệnh cấm đi lại, thêm các thành phố bị phong tỏa hay thêm các hành động làm tổn hại tới hoạt động kinh tế và nhân quyền”.

GS Gostin cho rằng dịch bệnh vẫn có thể ngăn chặn được, mặc dù các chuyên gia khác còn tranh luận về điều này. Nhưng nếu bệnh dịch đạt đến mức không thể kiểm soát được nữa, nó sẽ chuyển sang giai đoạn đại dịch.

Người phát ngôn của WHO Tarik Jasarevic thừa nhận tổ chức này đã không còn sử dụng hệ thống cảnh báo dịch bệnh gồm 6 giai đoạn nữa, trong đó giai đoạn 6 là cao nhất: đại dịch.

Ông cũng khẳng định dựa trên hầu hết các cụm và ổ dịch COVID-19 đã được theo dõi, các chuyên gia y tế không tìm thấy bằng chứng về sự lây lan rộng rãi trong cộng đồng. Một số quốc gia thậm chí đã làm chậm hoặc chặn đứng chuỗi lây nhiễm.

Theo Báo Tuổi trẻ

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *