(www.Alouc.com) – Một người bạn nước ngoài của tôi tâm sự, anh được người Việt dạy “cứ việc vượt đèn đỏ, công an sẽ không dám bắt vì họ không biết nói tiếng Anh”.
1. Thấy Christian bước đi tập tễnh, tôi vồ vập hỏi mới biết, anh bạn đến từ Đức và đã sống ở Việt Nam 3,5 năm vừa gặp tai nạn xe máy.
Như một phản xạ vô điều kiện, tôi nói xin lỗi và đoán rằng, anh bị một chiếc xe vi phạm giao thông tông phải.
Thật bất ngờ khi Christian thú nhận, anh đã vượt đèn đỏ và rồi bị một chiếc taxi tông phải. Christian còn thật thà thừa nhận rằng, anh đã rất nhiều lần vượt đèn đỏ ở Hà Nội và chưa bao giờ bị công an bắt.
Christian là giáo viên tiếng Đức. Anh sinh ra ở Thụy Sỹ, sang Đức sống từ năm 12 tuổi và 3,5 năm trước thì sang Việt Nam dạy tiếng Đức theo một thỏa thuận giữa trung tâm du học Đức và phía Việt Nam.
Thời mới sang, giao thông ở Hà Nội là cơn ác mộng với Christian. Ở Đức, luật giao thông vô cùng nghiêm ngặt. Người Đức dừng đèn đỏ ở một con đường nằm giữa cánh đồng, xung quanh bán kính 5 km không một bóng người.
Nhiều người Tây khi sang Việt Nam cũng “quên” mất ý thức giao thông. Ảnh minh hoạ
Nhưng sang Việt Nam, Christian được chính những cậu học sinh người Việt dạy rằng: Ở Hà Nội cứ vượt đèn đỏ, công an sẽ không bắt vì họ không biết nói tiếng Anh.
Và Christian vượt. Anh thậm chí cảm thấy thích thú vì không còn bị ràng buộc bởi luật giao thông nữa.
2. Tâm sự thêm với cậu bạn người Đức tôi chợt hiểu ra: Thật ra trong sâu thẳm mỗi con người đều không thích sự ràng buộc, ghét những quy tắc, luật lệ.
Ví dụ: Bạn thích phải cuốc bộ 10 – 15 phút để tìm một cái thùng rác vứt lon coca hay vứt đại ra đường?
Bạn thích rút điếu thuốc ra hút bất kỳ đâu, gạt tàn vào bất kỳ chỗ nào và vứt bừa một chỗ nào đó hay tiếp tục phải cuốc bộ cả chục phút để tìm một chỗ cho phép hút thuốc?
Tôi nghĩ tất cả đều muốn được thoải mái, chí ít là thi thoảng cũng muốn vứt đại một lon coca ra đường thay vì đi tìm thùng rác.
Tương tự như Christian. Anh đôi khi cảm thấy mệt mỏi vì luật giao thông ở Đức quá nghiêm túc và anh cảm thấy như được trả tự do khi sang Việt Nam.
Vậy tại sao cùng một con người, nhưng ở Đức thì anh ta dừng đèn đỏ giữa một cánh đồng không bóng người, còn ở Việt Nam anh lại vượt xuyên qua một ngã tư đông đúc?
Tôi nghĩ ở Việt Nam, chúng ta đang chấp nhận sự vô ý thức là một phần của cuộc sống.
Những người cảnh sát giao thông vì sợ không nói chuyện được với Tây mà để mặc họ vi phạm, là hình ảnh đại diện cho sự lỏng lẻo của pháp luật.
Những người xúi giục Christian vượt đèn đỏ, là đại diện cho sự vô ý thức, coi thường pháp luật. Tất cả tổng hòa tạo nên một bức tranh giao thông hỗn độn hiếm có trên thế giới.
Christian nói rằng, anh luôn vượt đèn đỏ khi có rất nhiều người Việt… vượt cùng, chứ chưa từng tự vượt.
Rất rõ ràng, chúng ta đang biến những vi phạm giao thông thành chuyện bình thường ở Hà Nội, khiến người vi phạm không còn cảm thấy xấu hổ, lén lút nữa. Họ đã bắt đầu khuyên nhau nên… vượt đèn đỏ.
Chính chúng ta đã “dậy” người Tây biết thế nào là vượt đèn đỏ
Ở các nước phát triển, khi cả cộng đồng tuân thủ, người không tuân thủ tự động sẽ bị đào thải. Christian nói với tôi điều này: Anh ta không sợ bị phạt tiền nếu vi phạm. Anh chỉ sợ trở nên khác biệt so với tất cả.
Có lẽ chúng ta cũng nên hướng tới xây dựng một cộng đồng thế này. Tôi biết nhiều người không muốn vượt đèn đỏ, không muốn đi ngược chiều, nhưng khi tất cả cùng làm, họ bị cuốn theo.
Tôi tin rằng số lượng người có ý thức giao thông vẫn đông hơn thành phần vô ý thức. Hãy khiến những kẻ vô ý thức trở nên lạc lõng giữa tất cả.