Home Cộng Đồng Bốc mộ – Hành trình cuối về cõi vĩnh hằng ở Việt Nam lên hãng tin nước ngoài
Cộng Đồng

Bốc mộ – Hành trình cuối về cõi vĩnh hằng ở Việt Nam lên hãng tin nước ngoài

Hãng tin của Pháp cho rằng nghi thức sang cát bốc mộ của người Việt Nam dịp giáp Tết “không dành cho người yếu tim”. 

Ha Thi Thua đứng thắp hương trước quan tài của người chồng quá cố. Ảnh: AFP.

Ha Thi Thua đứng thắp hương trước quan tài của người chồng quá cố. Ảnh: AFP.

Trong màn đêm hun hút, giữa một nghĩa địa ở Hà Nội, quan tài của ông Nguyen Van Thang được đưa lên khỏi lòng đất lạnh. Những chiếc xương trắng được cẩn thận lấy ra, rửa sạch và bọc lại trong một tấm vải lụa. Sau đó, người thân đặt bộ hài cốt vào chiếc tiểu quách và một lần nữa đưa ông Thang xuống lòng đất kết thúc hành trình về cõi vĩnh hằng, theo AFP.

Cải táng hay bốc mộ là một trong những nghi thức quan trọng và thiêng liêng nhất mà người Việt Nam dành cho người thân đã khuất. Nhiều người Việt Nam, đặc biệt là dân phía Bắc, thực hiện việc sang cát khoảng ba năm sau khi ngày người thân ra đi.

Gia đình của ông Thang coi việc bốc mộ là cách để hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của người đàn ông qua đời ba năm trước ở tuổi 59 vì bệnh ung thư. “Cuối cùng, ông ấy có thể an nghỉ trong căn nhà mới. Tôi cảm thấy vui và nhẹ nhõm”, góa phụ Ha Thi Thua tâm sự.

Nghi thức kéo dài hàng giờ đồng hồ vào ban đêm không dành cho người yếu tim. Buổi lễ bắt đầu từ lúc tối muộn khi thầy cúng khấn cầu xin thần linh và tổ tiên phù hộ cho mọi việc diễn ra thuận lợi. Trên mâm cúng có xôi, gà luộc, một con ngựa giấy để đốt cho thần linh và hàng xấp tiền đô la Mỹ âm phủ, bên cạnh nhiều đồ cúng lễ khác. Khấn xong, thầy cúng tung hai đồng xu âm dương để xin thần linh canh giữ nghĩa địa cho phép tiến hành nghi thức khai quật quan tài.

Người thân, cùng những người chuyên hành nghề bốc mộ, chung sức đưa cỗ quan tài bằng gỗ lên mặt đất. Tất cả nín thở chờ đợi cho đến khi chiếc nắp quan tài bật ra và thấy xác đã phân hủy, chỉ còn lại xương. Không ai muốn dùng dụng cụ để lóc thịt của người thân đã khuất.

Một lần nữa nhìn thấy người chồng quá cố, bà Thua bị chấn động mạnh. Khi chứng kiến cảnh hộp sọ, từng chiếc xương sườn và đôi bàn tay, bàn chân của chồng được lau rửa trong chậu nước thơm, bà Thua ngất lịm đi.

“Lúc còn sống, ông ấy có đủ răng chứ?”, một người bốc mộ hỏi gia đình. “Có đủ”, một cô con gái vội trả lời vì biết rằng việc sắp xếp đúng thứ tự từng chiếc xương và răng vào đúng vị trí vô cùng quan trọng. Bước cuối cùng cũng là bước quan trọng nhất: gói bộ hài cốt và đặt vào chiếc tiểu làm bằng đá.

Theo quan niệm xưa, người Việt Nam tin rằng linh hồn của người chết sẽ luẩn khuất trên dương thế cho đến khi họ được cải táng. “Linh hồn của người chết không thể tự thực hiện hành trình này mà cần sự giúp đỡ của những người còn sống”, theo giáo sư nhân chủng học Shaun Malarney của đại học International Christian ở Nhật Bản.

Người thân sẽ luôn cảm thấy bất an, lấn cấn nếu như lễ bốc mộ cho người đã khuất không diễn ra suôn sẻ. Theo giáo sư Malarney, cùng với sự phát triển kinh tế, người Việt Nam ngày càng đầu tư nhiều tiền của và tâm sự vào nghi thức này. Tuy nhiên, chính phủ cũng khuyến khích người dân chọn hỏa táng thay vì địa táng theo kiểu truyền thống.

Hiện nay, các gia đình ở Hà Nội hỏa táng người chết được hỗ trợ 130 USD  từ chính quyền. Thậm chí những người hành nghề bốc mộ cũng ủng hộ cách phương thức mới. “Tôi đã hỏa táng thi thể của mẹ tôi khi bà mất vào năm 2017. Cách đó đơn giản, sạch sẽ và nhẹ nhàng hơn nhiều”, Tien Huong, vừa đeo găng tay và khẩu trang vừa nói khi chuẩn bị bắt tay vào việc rửa xương của ông Thang.

Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ việc hỏa táng vì cho rằng linh hồn của người đã khuất sẽ bị mắc kẹt trong lửa ở thế giới bên kia. Dù cách nào, tất cả đều đồng ý rằng quan trọng nhất vẫn là cách người sống thể hiện tình yêu và tôn trọng với người chết.

“Cuối cùng, thái độ của anh đối với sự ra đi của cha mẹ mới là điều quan trọng nhất. Cải táng hay hỏa táng đều không phải là vấn đề”, nhà nghiên cứu văn hóa Le Quy Duc nhận xét.

Theo Vnexpress