Home Cộng Đồng “Bể kèo” đi Úc, chủ nợ thành… con nợ
Cộng Đồng

“Bể kèo” đi Úc, chủ nợ thành… con nợ

Nhiều người có nhu cầu đi lao động ở Úc đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng chỉ mong được xuất ngoại kiếm tiền ở xứ sở chuột túi. Tuy nhiên, do tin vào những lời hứa hão của những kẻ môi giới, hệ lụy của cuộc đi Úc không thành là cảnh nhiều người lâm vào nợ nần chồng chất.

“Còng lưng” gánh nợ ngân hàng

Anh Nguyễn Công Hoàng, tuổi 40 tuổi, ở xóm Chùa, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành phản ánh, anh có nguyện vọng đi sang Úc lao động và nhờ Công ty CP Xuất khẩu Đầu tư Xây dựng Thương mại Intercoop.vn (gọi tắt là Công ty CP Intercoop) có địa chỉ tại số 78, đường Trần Thủ Độ, phường Trường Thi, TP. Vinh làm thủ tục. Công ty này, do bà Đàm Thị Trường, ở huyện Quỳnh Lưu làm giám đốc đã cam kết đưa Hoàng sang Úc theo chương trình vừa học vừa làm.

6 năm nay, anh Hoàng (giữa) và anh Hậu (trái) phải tìm rất nhiều cách thức mới lấy được một phần tiền của mình nộp cho bà Trường

Tháng 11/2012, anh Hoàng đã đặt cọc 40 triệu đồng để làm thủ tục xuất cảnh, Công ty CP Intercoop hứa trong vòng 3 tháng sẽ đi. Tháng 12/2012, bà Trường, Giám đốc Công ty yêu cầu anh Hoàng tiếp tục nộp 300 triệu đồng để đóng học phí đi sang Úc. Lần này, doanh nghiệp cho biết, thời gian xuất cảnh đi Úc vào quý I/2013, không đi được sẽ hoàn trả lại số tiền trong vòng 1 tháng. Hết quý I/2013, anh Hoàng vẫn chưa đi được, bà Trường lại hứa sang quý III/2013, không đi được sẽ trả lại tiền nạp và tiền lãi trong vòng 1 tháng rưỡi. Thế nhưng, hết quý III/2013, anh Hoàng đòi tiền thì bà Trường lại viết giấy hẹn đến hết năm

2013 sẽ trả. Qua năm 2013, bà Trường lại hẹn sang đầu năm 2014. Cuối cùng bà hẹn sang ngày 15/4/2014, sẽ trả hết nhưng cũng không thực hiện.

Anh Hoàng bức xúc: “6 năm nay, bằng nhiều cách, tôi mới đòi lại được 120 triệu đồng. Hiện nay, việc đi Úc không thành đã khiến gia đình ôm nợ ngân hàng 170 triệu đồng. Mỗi tháng phải trả cả gốc lẫn lãi 10 triệu đồng. Bản thân tôi không có việc làm, vợ bị ung thư 4 năm nay, giờ chỉ biết cầu trời cho tai qua, nạn khỏi”.

Cùng xã với anh Hoàng còn có anh Phan Hậu, sinh năm 1983, ở xóm Xuân Tiêu. Mặc dù, công ty chưa có động thái gì liên quan đến việc chuẩn bị đi Úc nhưng đã thu của anh Hậu 340 triệu đồng. Không đi được sang Úc, trong 6 năm, anh đã phải năm lần bảy lượt mới đòi được 120 triệu đồng. Tính từ đó đến nay, lãi mẹ đẻ lãi con, nay, anh Hậu đang nợ 200 triệu đồng cả tiền ngân hàng lẫn tiền người thân. Với tiền công thợ xây, mỗi tháng anh phải “bóp miệng” để dành 5 triệu đồng trả nợ.

Còn với anh Nguyễn Duy Đức ở xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh việc lấy lại tiền khó hơn. Khoảng tháng 2/2013, anh đăng ký đi lao động tại Úc theo chương trình vừa học, vừa làm tại Công ty CP Intercoop. Doanh nghiệp này đã thu của anh Đức số tiền 339 triệu đồng để làm thủ tục xuất cảnh và cam kết sẽ đưa anh Nguyễn Duy Đức sang Úc vào tháng 7/2013, nếu không đi được sẽ hoàn trả lại số tiền gốc và lãi trên chậm nhất vào cuối tháng 8/2013. Nhưng đến nay, anh Đức không thể sang lao động tại Úc và cũng không được trả lại tiền như đã hứa. Tiền vay nợ, tiền lãi ngày một tăng lên, hiện, anh Đức đang đi bốc gạch thuê ở quê.

“Tôi liên tục điện thoại đòi tiền, bà Trường thỉnh thoảng trả cho ít triệu. Lần cuối cùng, bà đưa trả 5 triệu đồng ăn Tết cách đây đã 3 năm. Đến nay, mới đòi được cả thảy khoảng 30 triệu đồng. Vài tháng nay, tôi gọi điện thoại cho bà Trường thì không liên lạc được” – anh Đức than thở.

Quá bức xúc, vào giữa năm 2014, anh Đức cùng với 2 người khác (trong số 8 lao động bà Trường nợ vào thời điểm đó – PV) đã viết đơn tố cáo bà Đàm Thị Trường lừa đảo gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh.

Chưa có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Theo Báo cáo số 248 ngày 18/8/2014 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh mà anh Đức đưa cho chúng tôi thì Công ty CP Intercoop hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, tư vấn giới thiệu môi giới việc làm, tư vấn du học và hoạt động kinh doanh khác. Doanh nghiệp này được Sở LĐTB&XH cấp giấy phép hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm số 289, ngày 12/6/2012. Bà Đàm Thị Trường là giám đốc phụ trách lĩnh vực giới thiệu và môi giới việc làm, tư vấn du học.

Vào tháng 2/2012, bà Trường đã đến Trung tâm tư vấn giáo dục và hỗ trợ đào tạo trực thuộc Hội khuyến học Việt Nam có trụ sở tại phố Thanh Lân, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội để tìm hiểu và kết nối với bà Mai Thị Nhung. Bà Nhung giới thiệu mình là Giám đốc Trung tâm tư vấn giáo dục và hỗ trợ đào tạo, trước đây là giảng viên dạy ở Úc, giờ về Việt Nam làm đại diện và đang có chương trình du học tại Úc theo hệ vừa học, vừa làm với chi phí là 16.000 AUD (đô la Úc), thời gian du học 5 năm.

Sau đó, bà Trường đã thông báo cho các đối tác để tuyển người đi du học với chi phí để đi là 21.000 USD/người. Bà Trường đã nhận hồ sơ và tiền của 23 người với 165.000 USD và trên 3,223 tỷ đồng. Bà Trường đã nộp 23 hồ sơ này cho bà Nhung, nhưng sau đó, có 5 người đã xin rút hồ sơ và rút tiền. Còn lại 18 hồ sơ với số tiền hơn 1,576 tỷ đồng và 56.000 AUD.

Một thời gian sau, bà Trường lại liên hệ với ông Hoàng Xuân Khánh, trú tại TP. Hà Nội – là người đã từng làm nhiều hợp đồng xuất khẩu lao động với bà Trường trước đó. Bà Trường đã rút 6 bộ hồ sơ cùng số tiền gần 1,5 tỷ đồng và 14.000 USD từ bà Nhung đưa cho Khánh để làm thủ tục đi Úc.

Trong quá trình nhận hồ sơ và nhận tiền của người lao động, bà Trường đã chủ động viết giấy biên nhận và cam kết trong thời gian 6 tháng, người lao động không đi được thì bà Trường sẽ trả lại số tiền gốc và tiền lãi, tiền lãi được tính theo lãi suất của Ngân hàng NN&PTNT. Nhưng mãi đến tháng 3/2013, vẫn chưa có người nào đi sang Úc nên tất cả xin rút lại tiền.

Bà Trường cho biết, bà Mai Thị Nhung chỉ trả lại cho bà 134.000 AUD và 397 triệu đồng; Hoàng Xuân Khánh cũng chỉ trả lại 300 triệu đồng. Sau đó, bà Trường đã trả hết tiền cho 10 lao động. Còn lại 8 lao động, bà chỉ trả được hơn 338 triệu đồng và 2.000 USD nên còn nợ trên 1,85 tỷ đồng và 13.000 USD.

Tại cơ quan điều tra, bà Trường còn khẳng định, với số tiền thu được, bà chỉ giữ lại cho mình 120 triệu đồng làm thủ tục cho người lao động. Cũng theo kết luận của cơ quan điều tra, vào thời điểm đó (tháng 8/2014), bà Trường không có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự và bà Trường cam kết tiếp tục trả hết số tiền cho 8 lao động. Tuy nhiên, khung thời gian để trả hết nợ thì bà không nói cụ thể.

Ngày 5/11/2019, chúng tôi tìm đến số nhà 78, đường Trần Thủ Độ, phường Trường Thi, TP. Vinh là địa chỉ văn phòng của Công ty CP Intercoop, một phụ nữ thuê nhà cho biết, bà là người thứ 2 thuê nơi này để kinh doanh cà phê, trước đó nữa, có một công ty thuê. Từ ngày bà về đây, gặp rất nhiều người ở xa đến để hỏi thông tin về Công ty CP Intercoop. Trong lúc đó, điện thoại của bà Trường lại không liên lạc được.

Theo laodongnghean

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *