Home Cộng Đồng Báo Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ chịu tổn thất quân sự ‘nặng nề’
Cộng Đồng

Báo Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ chịu tổn thất quân sự ‘nặng nề’

Tờ Global Times của Trung Quốc tuyên bố Ấn Độ phải đối mặt một Trung Quốc “hùng cường” và sẽ chịu tổn thất quân sự nặng nề nếu cạnh tranh.

“Ấn Độ nói rằng họ đã ngăn chặn hoạt động quân sự của Trung Quốc. Từ ‘ngăn chặn’ cho thấy quân đội Ấn Độ thực hiện hành động tiêu cực trước và quân đội Ấn Độ đã bắt đầu căng thẳng lần này”, Global Times, tờ báo thuộc People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng trong bài xã luận sáng nay.

Bình luận được đưa ra một ngày sau khi Lục quân Ấn Độ cáo buộc lính Trung Quốc vi phạm thỏa thuận đạt được trước đó ở đông Ladakh và thực hiện các hoạt động quân sự khiêu khích nhằm thay đổi hiện trạng. Lực lượng này cho hay đã triển khai các binh sĩ để “phòng ngừa” và củng cố vị trí nhằm “ngăn chặn ý định đơn phương thay đổi hiện trạng của phía Trung Quốc”.

Tuy nhiên, Trung Quốc bác cáo buộc của Ấn Độ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói binh sĩ nước này luôn tuân thủ nghiêm ngặt Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) và không bao giờ vượt qua ranh giới, thêm rằng hai nước đang trao đổi về tình hình biên giới.

Đoàn xe của quân đội Ấn Độ di chuyển dọc theo đường cao tốc dẫn tới Ladakh hồi tháng 6. Ảnh: Reuters.

Tờ Global Times nói rằng Ấn Độ phải đối mặt với một “Trung Quốc hùng cường”, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) “có đủ sức mạnh để bảo vệ từng tấc đất” và New Delhi không nên có bất kỳ “ảo tưởng” nào về sự ủng hộ từ Washington đối với vấn đề này.

“Nếu Ấn Độ muốn tham gia vào cạnh tranh, Trung Quốc có nhiều công cụ và năng lực hơn Ấn Độ. Nếu Ấn Độ muốn một cuộc đọ sức quân sự, PLA nhất định sẽ khiến quân đội Ấn Độ chịu tổn thất nặng nề hơn nhiều so với năm 1962”, bài xã luận nêu.

Tờ báo cũng cho rằng xung đột biên giới Trung Quốc – Ấn Độ có khả năng kéo dài, gồm nhiều loại khủng hoảng lớn nhỏ khác nhau và Trung Quốc phải chuẩn bị cho điều này.

Căng thẳng biên giới Ấn – Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt bất chấp nhiều cuộc đàm phán giữa quan chức hai nước nhằm rút bớt lực lượng quân sự trong khu vực. Mâu thuẫn tại khu vực tranh chấp giữa hai bên nổ ra từ đầu tháng 5, với đỉnh điểm là vụ ẩu đả chết người hôm 15/6 tại Thung lũng Galwan, nằm giữa Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát và Ladakh do Ấn Độ kiểm soát.

Ấn Độ và Trung Quốc được cho đã triển khai nhiều khí tài lên khu vực biên giới như tiêm kích, trực thăng quân sự, radar cảnh giới, tên lửa phòng không vác vai và các hệ thống phòng không khác. Tuy nhiên, cả Ấn Độ và Trung Quốc không bình luận về thông tin trên.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 28/7 cho biết nước này và Ấn Độ đã “hoàn tất rút quân” khỏi hầu hết khu vực biên giới tranh chấp giữa đôi bên. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Ấn Độ sau đó bác bỏ thông tin từ phía Trung Quốc, cho rằng tuyên bố hai nước đã hoàn tất việc rút binh sĩ ở biên giới là không chính xác.

Hồ Pangong Tso trên cao nguyên Tây Tạng, nơi LAC cắt qua, là tâm điểm tranh chấp lãnh thổ giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Hai nước thường xuyên triển khai binh sĩ tuần tra trong khu vực ven hồ, nhưng hoạt động này chấm dứt sau khi căng thẳng biên giới bùng phát từ cuối tháng 4, đầu tháng 5.

Ngày 20/10/1962, PLA phát động hai cuộc tấn công tại hai địa điểm cách nhau 1000 km ở biên giới với Ấn Độ. Binh sĩ Trung Quốc vượt qua Đường McMahon và chiếm cứ các vị trí nằm sâu bên trong lãnh thổ Ấn Độ, nắm quyền kiểm soát nhiều con đèo và thị trấn. Cuộc chiến kéo dài một tháng, khiến 1.000 binh sĩ Ấn Độ thương vong và 3.000 người bị bắt làm tù binh. Quân đội Trung Quốc chịu tổn thất ít hơn với khoảng 800 người chết.

Tháng 11, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tuyên bố ngừng bắn, vẽ lại đường biên giới gần nơi quân đội Trung Quốc đã chiếm đóng, lấy tên gọi mới là LAC.

Vị trí hồ Pangong Tso và nơi binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ẩu đả chết người tối 15/6. Đồ họa: Telegraph.

Theo Vnexpress

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *