Home Cộng Đồng Ba yếu tố làm sứt mẻ hình ảnh Trung Quốc trong Covid-19
Cộng Đồng

Ba yếu tố làm sứt mẻ hình ảnh Trung Quốc trong Covid-19

Các lô hàng vật tư y tế của Trung Quốc ở Italy. Ảnh: WSJ.

Cách Trung Quốc lên án, đe dọa các nước điều tra Covid-19, thiết bị y tế kém chất lượng và “yêu cầu được cảm ơn” khiến hình ảnh Bắc Kinh sa sút, theo chuyên gia.

“Có ba vấn đề kết hợp lại trong đại dịch, khiến các nước chuyển đổi mạnh mẽ thái độ với Trung Quốc, theo hướng tiêu cực”,  Bonnie Glaser, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói với VnExpress.

Ba vấn đề Glaser nêu lên là cách Trung Quốc phản ứng với yêu cầu điều tra Covid-19 ngày một gia tăng trên thế giới, nhiều chuyến hàng vật tư y tế kém chất lượng của Trung Quốc được gửi đến các nước, và cách Bắc Kinh tự thể hiện rằng các quốc gia đề cao giúp đỡ của Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Trump cuối tháng 4 tuyên bố có bằng chứng nCoV lọt ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trước đó cáo buộc Trung Quốc không cho phép các nhà khoa học Mỹ tới nước này để điều tra về nguồn gốc của nCoV. Một loạt nước gồm Australia, Thụy Điển, Anh, Đức và Liên minh châu Âu (EU) đề nghị cần có cuộc điều tra về Covid-19 và cách Trung Quốc xử lý đại dịch. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng muốn tham gia làm rõ các vấn đề. Ý tưởng mở cuộc điều tra độc lập về Covid-19 được chính phủ Australia khởi xướng từ giữa tháng 4 và nó nhanh chóng trở thành tâm điểm đấu khẩu giữa Trung Quốc với phương Tây.

“Yêu cầu Trung Quốc hợp tác làm rõ nguồn gốc nCoV ngày càng gia tăng trên khắp thế giới”, Glaser nói.

Các lô hàng vật tư y tế của Trung Quốc ở Italy. Ảnh: WSJ.

Về chất lượng vật tư y tế của Trung Quốc, Ấn Độ hôm 28/4 thông báo muốn trả kit xét nghiệm nCoV mua từ Trung Quốc do không bảo đảm chất lượng. Trước đó, Anh, Tây Ban Nha, Canada, Phần Lan, Hà Lan, Philippines, Croatia, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có phàn nàn tương tự với khẩu trang và các sản phẩm y tế nhập từ Trung Quốc.

Với việc Trung Quốc tự đề cao sự giúp đỡ của nước này với các nước, theo New York Times, chính phủ Đức phàn nàn rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc thúc giục các quan chức chính phủ và người đứng đầu công ty lớn của Đức viết thư bày tỏ lòng biết ơn và sự ủng hộ với sự hỗ trợ và nỗ lực chống Covid-19 của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng hối thúc Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda gọi điện cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để cảm ơn về hàng viện trợ. Cuộc gọi này sau đó được truyền thông Trung Quốc đưa tin rộng rãi.

Về nguồn gốc nCOV của các nước, Angela Stanzel, chuyên gia về châu Á, Viện các vấn đề an ninh và quốc tế (SWP), Đức, nói cho rằng các quốc gia gia tăng áp lực với Bắc Kinh vì không hài lòng với cách lý giải của nước này về Covid-19.

“Các nước muốn tìm ra câu trả lời đúng đắn về nguồn gốc nCoV để có thể kiểm soát được nó”, Stanzel nói.

Trung Quốc nhiều lần bị nghi ngờ che giấu dịch bằng cách kiểm soát chặt chẽ thông tin về Covid-19, khiển trách những người định cảnh báo về dịch bệnh, giảm nhẹ mối đe dọa của nCoV khi ban đầu thông báo virus không lây từ người sang người. Số liệu ca nhiễm, tử vong ở Trung Quốc cũng được cho là không đúng thực tế.

Trước sức ép của phải minh bạch thông tin, Trung Quốc cáo buộc điều tra về Covid-19 “mang động cơ chính trị”, chỉ trích Ngoại trưởng Mỹ Pompeo là “điên cuồng, lươn lẹo và dối trá” khi nói nCoV xuất phát từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Đại sứ Trung Quốc tại Australia Cheng Jingye cảnh báo chính quyền của Thủ tướng Australia Scott Morrison theo đuổi cuộc điều tra toàn cầu về Covid-19 có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu các nông sản sang Trung Quốc. Hu Xijin, biên tập viên của Global Times, đăng trên mạng Weibo rằng Australia như “bã kẹo cao su dính vào đế giày Trung Quốc”. Bắc Kinh cũng bị tố gây áp lực với EU để khối này thay đổi chỉ trích với Trung Quốc về Covid-19.

“Đe dọa của Trung Quốc với các nước đang nói về nCoV khiến hình ảnh Bắc Kinh bị hủy hoại thêm”, Stanzel nói.

Nói đến tầm quan trọng của cuộc điều tra về Covid-19, Tiến sĩ Stephen Nagy, Đại học Thiên chúa giáo Quốc tế, Nhật Bản, cho rằng việc làm rõ nguồn gốc nCoV và các vấn đề liên quan sẽ giúp các nước hiểu rõ quy trình ngăn chặn dịch của Trung Quốc. Các quốc gia có thể lấy đó làm bài học trong nỗ lực tái khởi động hoạt động kinh tế và xã hội, hạn chế tác động tiêu cực của đại dịch.

“Có gì phải giấu trong cuộc điều tra quốc tế về Covid-19? Tại sao phải đe dọa các nước đang nỗ lực cải thiện chất lượng điều hành, để đảm bảo ổn định xã hội – kinh tế và sức khỏe cộng đồng?” Nagy đặt câu hỏi.

Theo Nagy, đe dọa của Trung Quốc với Australia và các nước ủng hộ điều tra về dịch khiến các nước thêm nghi ngờ về về mục đích của Bắc Kinh. Trung Quốc luôn thể hiện mong muốn trở thành một quốc gia đáng tin cậy, minh bạch và hợp tác, góp phần xử lý các khủng hoảng toàn cầu trong tương lai.

Dự đoán tác động của cuộc điều tra Covid-19, Glaser cho rằng một số nước sẽ “làm căng” đến mức khiến quan hệ với Trung Quốc xấu đi. Các quốc gia có thể bị thiệt hại về kinh tế khi Bắc Kinh đang hồi phục sau dịch và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng.

Stanzel nhận định tranh luận về nguồn gốc nCoV sẽ khiến xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc thêm sâu sắc. Tuy nhiên, bà cho rằng xung đột giữa hai cường quốc chỉ giới hạn ở lời nói, chưa dẫn đến hậu quả trên thực tế. Trump khó có thể “theo đuổi” trừng phạt Trung Quốc vì ông còn bận rộn với chiến dịch tái tranh cử vào tháng 11/2020. Bắc Kinh cũng không muốn có hệ quả xấu. Cả hai nước đều không có lợi ích gì nếu xung đột leo thang, như một cuộc chiến thương mại khác.

Theo Stanzel, khi căng thẳng Mỹ và Trung Quốc gia tăng, các nước trên thế giới đứng trước thách thức “phải chọn bên”.

“Xung đột Mỹ – Trung nghiêm trọng trong bối cảnh Covid-19, vì hai nước sẽ không bắt tay để xử lý đại dịch và các hệ quả trên toàn cầu, đặc biệt là về kinh tế”, Stanzel nói.

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *