Home Tâm Sự - Chia Sẻ Một cốc cà phê cũng phải quẹt thẻ & câu chuyện về thuế ở Úc
Tâm Sự - Chia Sẻ

Một cốc cà phê cũng phải quẹt thẻ & câu chuyện về thuế ở Úc

(www.Alouc.com) – Cũng giống như nhiều nước khác trên thế giới, người dân Australia (Úc) và công dân mọi nước khác đến làm ăn, sinh sống ở Úc đều phải có nghĩa vụ đóng thuế. Việc không dùng tiền mặt khiến cho việc tính thuế của mỗi người qua tài khoản ngân hàng và các loại thẻ tiêu dùng khác không mấy khó khăn.

Làm nhiều, thu nhập nhiều thì phải đóng thuế nhiều, làm ít, thu nhập ít thì đóng thuế ít. Ai cũng bình đẳng trong việc đóng thuế, lâu dần thành nếp sống. Và cán cân thu – chi ngân sách, khỏi lo bị lệch chi.

australia va cau chuyen ve thue

Một trung tâm thương lại ở Sydney.

Một cốc cà-phê cũng phải quẹt thẻ

Do vội vàng, tôi đã để quên thẻ visa của Vietcombank ở nhà, vả lại, nghĩ lên máy bay chắc tiếp viên hàng không họ sẽ nhận tiền mặt, còn xuống sân bay đã có người nhà lo. Hóa ra không phải như thế. Trên máy bay, các tiếp viên của hãng Jetsta không bán hàng cho những ai không có thẻ, dù chỉ một chai nước, cốc cà-phê hay bánh ngọt. Tiền mặt, dù là đô-la Úc, Mỹ hay tiền Việt Nam đều bị từ chối. Các tiếp viên đi bán hàng cầm theo một máy tính tiền nhỏ như cuốn sổ nhưng có khe để quẹt thẻ và thanh toán quốc tế cho khách hàng. Dù đến từ châu lục nào, thẻ của ngân hàng nào, miễn là có chức năng thanh toán quốc tế, người dùng sẽ được phục vụ.

Và trong suốt 2 tuần ở Úc, khi lên tàu điện, xe buýt, mua hàng siêu thị, trả tiền đỗ xe, mua vé máy bay…, tôi đều phải dùng thẻ. Đôi lần tôi được sử dụng tiền mặt, ấy là khi ở các trung tâm thương mại bán hàng của các hãng trên thế giới, có người đứng giới thiệu sản phẩm và bán hàng. Cũng có khi tại những quán ăn Việt. Những nơi này họ có thể dùng cả hai phương thức, tiền mặt và quẹt thẻ, trị giá tiền như nhau. Nhưng không một cửa hàng, cửa hiệu nào không có máy quẹt thẻ.

Một người có thể làm nhiều công việc khác nhau, trong giờ hoặc ngoài giờ. Và dù làm ở đâu thì tiền lương cũng phải được trả qua tài khoản ngân hàng nên việc tính thuế của nhân viên ngành thuế với ai đó là không mấy khó khăn: 10% thu nhập.

Thu bộn tiền từ dịch vụ giữ xe, cho thuê xe, biển số đẹp

Việc quy hoạch các điểm giữ xe tại các đường phố, khu trung tâm thương mại, sân bay… đã giúp các công ty ăn nên làm ra và tất nhiên, nhà nước thì thu được thuế. Ở các bãi xe ngoài trời hay trong các nhà xe dưới tầng hầm, trên các khu nhà cao tầng, tuyệt nhiên không có người đứng bán vé, thu tiền, trông giữ xe. Tất cả đều quẹt thẻ (hoặc bỏ tiền xu lấy hóa đơn tự động). Anh có thẻ, khi đi qua cổng, đưa thẻ giữ xe hoặc hóa đơn áp vào máy, barie phía trước sẽ tự động mở cửa cho vào.

australia va cau chuyen ve thue

Bán hàng tự động, khách hàng phải tự tính tiền và quẹt thẻ.

Tìm được chỗ đậu xe ở các khu nhà cao tầng hơi khó khăn vào ngày nghỉ hoặc giờ cao điểm vì xe đậu san sát. Tuy vậy, lối vào và lối ra khác nhau nên không ách tắc. Giá giữ xe ban đêm cao hơn ban ngày đến 3 lần, đặc biệt là ở những trung tâm vui chơi giải trí như Nhà hát Con Sò, giá vé ban đêm lên đến 40 AUD, gần 700.000 VNĐ. Tôi để ý, mỗi xe phía sau biển mang ký hiệu là chữ viết tắt của từng bang khác nhau, cũng giống như mã số tỉnh, thành ở Việt Nam. Điều khác là, có những biển số mang tên người. Và tất nhiên, cũng như biển số đẹp, những tên xe cá nhân này phải đóng một lượng tiền rất lớn cho nhà nước.

Về chuyện thuê xe tự lái, ở Úc có rất nhiều hãng, có thể là của quốc tế và của trong nước. Các hãng này có nhiểu điểm cho thuê, trả xe ở tất cả các tuyến đường, sân bay và có thể đăng ký qua mạng Internet. Số lượng xe có thể lên hàng nghìn chiếc. Người thuê xe phải trên 21 tuổi và tất nhiên, phải có bằng lái. Anh có thể thuê xe của hãng ở điểm trung tâm thành phố và trả xe cho hãng tại sân bay nên rất thuận tiện khi đi du lịch. Các bãi xe của các hãng có rất nhiều xe. Chỉ cần 150 AUD tiền trả trước cho một ngày và 100 AUD tiền cọc là anh có thể vi vu khắp thành phố, Sydney hoặc Melbourne hoặc Canberra rồi lái ra sân bay trả xe và lên máy bay về nhà.

Ở điểm trả xe, sau khi kiểm tra tình trạng xe, nhân viên của hãng quẹt thẻ tính tiền, cho khách hàng một tờ hóa đơn bằng chiếc máy in đơn giản nhỏ như cái hộp đeo bên hông, qua cửa đưa tờ hóa đơn và trả chìa khóa, anh sẽ được đi ra ngoài. Tuyệt nhiên không gia đình nào được kinh doanh dịch vụ cho thuê xe tự lái khi không được cấp giấy phép. Chuyện đóng thuế, vì thế cũng rất rõ ràng và minh bạch. Người trốn thuế cũng có nhưng không nhiều. Với số lượng 400.000 người, các thương gia, doanh nghiệp, người lao động Việt cũng đóng góp một phần không nhỏ tiền thuế xây dựng đất nước Úc và gửi về gia đình thông qua kiều hối.

Khuyến khích người dân và khách du lịch xuất khẩu

Hàng hóa Úc sản xuất rất nhiều, chất lượng tốt nên Chính phủ Úc cũng khuyến khích mọi người dân khi ra nước ngoài, khách du lịch từ Úc trở về mang hàng xuất khẩu. Chính sách hết sức đơn giản: Mỗi hóa đơn mua hàng có giá trị từ 300 AUD trở lên, trong thời hạn 1 tháng, khi đi qua hải quan ở sân bay sẽ được khấu trừ 10% thuế VAT vào tài khoản cá nhân. Đó là với người đang sống ở Úc. Còn với khách du lịch, mua hàng ở sân bay (khu phi thuế quan) sẽ không bị đánh thuế. Ngược lại, hàng hóa Việt Nam khi theo khách du lịch vào Úc lại bị kiểm soát vô cùng gắt gao, nhất là thực phẩm không nhãn mác, thực phẩm chế biến từ các loài vật sống trên mặt đất, rau quả v.v…

Gần đây, nhận rõ điều này, tại các sân bay quốc tế Việt Nam, lực lượng hải quan cũng kiểm soát và bắt khách du lịch mang hàng các nước về đóng thuế nhập khẩu, nhưng việc này thu được chẳng là bao. Khi hàng hóa Việt Nam sản xuất chưa tốt thì sẽ có nhiều cách để người tiêu dùng Việt Nam mang hàng ở các nước tiên tiến về sử dụng và trốn thuế nhập khẩu.

Làm cách nào để mọi người dân đều đóng thuế, nhất là những người có thu nhập cao đang là một câu hỏi khó đối với Việt Nam. Những câu chuyện thu thuế ở Úc là một bài học quý giá.

Australia – tháng 9, Hà Tĩnh – tháng 10/2017

Bùi Minh Huệ

Theo Báo Hà Tĩnh