Home Tâm Sự - Chia Sẻ Lao động Việt xa xứ làm quần quật ở xứ người để lo cho gia đình
Tâm Sự - Chia Sẻ

Lao động Việt xa xứ làm quần quật ở xứ người để lo cho gia đình

(www.Alouc.com) – Những ngày ở Malaysia chứng kiến sự lao động cực nhọc và nghiêm túc của nhiều lao động Việt xa xứ. 

Làm quần quật ở xứ người để lo cho gia đình
Chị Ngô Thị Chung tại một quán ăn ở Malaysia mà chị đã giúp việc trong 7 năm qua – Ảnh: Quỳnh Trung

Chúng tôi mới thấu hiểu rằng phía sau những đồng ngoại tệ gửi về gia đình ở quê nhà là mồ hôi, nước mắt, thậm chí là sự tủi nhục mà họ phải chịu nơi xứ người.

Một ngày đầu tháng 4, tại quán ăn Trung Hoa đối diện trung tâm thương mại Low Yat Plaza ở khu trung tâm sầm uất Bukit Bintang, thủ đô Kuala Lumpur, một phụ nữ trung niên nhỏ nhắn cầm thực đơn trên tay, liên tục mời du khách bằng tiếng Hoa. Người phụ nữ này tên Ngô Thị Chung (45 tuổi, quê Nghệ An).

Vì tương lai con cái

Chị Chung kể vì căn nhà dột nát và không có việc làm ổn định ở quê nhà, chị đã quyết định qua Malaysia theo con đường xuất khẩu lao động để kiếm tiền xây nhà, khi con gái đầu lòng mới 12 tuổi.

Lúc đầu công ty môi giới bố trí cho chị làm công nhân ở một công ty thực phẩm đông lạnh. Tuy nhiên, làm hết hợp đồng ba năm với công ty, chị không dư được bao nhiêu tiền. Sau đó, chị Chung chuyển sang phụ giúp quán ăn Trung Hoa thêm 7 năm.

Chị kể những năm đầu nhớ con và đặc biệt là nhận những bức thư tay của con gái bé nhỏ, chị chỉ biết khóc.

Rồi khi đã dành dụm đủ tiền xây nhà, gánh nặng học phí của con khiến người mẹ tiếp tục ở lại Malaysia kiếm sống.

Nhờ những đồng ngoại tệ chị gửi về trong 10 năm qua mà cô con gái đã tốt nghiệp đại học và tìm được việc làm ở Bệnh viện Vinh, trong khi cậu con trai đang học cao đẳng nghề.

Người phụ nữ quê Nghệ An bộc bạch rằng chỉ vì một số phụ nữ Việt có “việc làm không đúng đắn” ở Malaysia mà phụ nữ Việt Nam ở Malaysia thường bị những người nước ngoài khác phân biệt đối xử.

Rời Kuala Lumpur, chúng tôi đi thành phố cảng Klang cách đó khoảng 50km để gặp một nhóm 10 công nhân Việt Nam đang làm cho một nhà máy thông qua sự kết nối của anh Bùi Việt Tuấn – trưởng ban liên lạc người Việt tại Klang.

Những phụ nữ Việt ở CLC

Nhóm công nhân này đa số là nữ, đến từ nhiều vùng miền ở Việt Nam như Ninh Bình, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Phú Thọ… đang làm việc cho Công ty CLC về lắp ráp linh kiện điện tử.

Một nhóm 10 người cùng ở trong một căn phòng trọ lụp xụp, chật hẹp được ông chủ người Mã gốc Hoa thuê cho.

Phía trước nhà trọ là những thùng xốp được các anh chị công nhân trưng dụng để trồng rau muống, bạc hà, cải bẹ xanh… vừa đỡ nhớ quê hương vừa cải thiện bữa ăn hằng ngày.

Ảnh minh họa

Theo chúng tôi tìm hiểu, tất cả các công nhân Việt Nam đều bị chủ giữ lại hộ chiếu vì sợ họ trốn về.

Chị Trần Thị Thùy (35 tuổi) đến từ tỉnh Phú Thọ cho biết đã qua làm việc cho Công ty CLC được 7 năm.

Lúc đầu nghe các công ty môi giới xuất khẩu lao động hứa hẹn trả lương cao cùng với điều kiện ăn ở tốt nhưng qua đến nơi mới thấy mọi thứ không như họ nói.

Tuy nhiên, vì đã trót đóng phí môi giới vài chục triệu đồng từ tiền vay mượn và đã lỡ bước chân qua xứ người nên chị Thùy gắn bó công việc này cho đến hiện tại.

Chị Thùy cho biết có khoảng 250 công nhân đang làm việc cho Công ty CLC, phần lớn là công nhân đến từ Bangladesh, Nepal và Việt Nam, trong đó Việt Nam chiếm khoảng 50-60 người.

Người phụ nữ hai con quê Phú Thọ này cho biết lương cơ bản của Malaysia chỉ là 1.000 ringgit/tháng (khoảng 5 triệu đồng) nên nhiều công nhân Việt Nam phải thường xuyên tăng ca, làm từ 8h sáng đến 10h tối, 30 ngày mỗi tháng mới có mức thu nhập khoảng 1.900 ringgit/tháng (gần 10 triệu đồng) để chắt chiu gửi về cho gia đình.

“Mỗi năm chúng tôi chỉ có 8 ngày phép. Thứ bảy, chủ nhật vẫn phải đi làm, nếu không đi làm sẽ bị trừ lương” – chị Thùy nói.

Trong nhóm công nhân Việt Nam ở Công ty CLC, có một phụ nữ được mệnh danh là “siêu nhân” bởi sức làm việc phi thường, đó là chị Vũ Thị Mai (39 tuổi) quê ở Ninh Bình.

Không những chịu khó tăng ca, chị Mai còn mang hàng ở công ty về nhà làm, có khi mỗi ngày chị chỉ ngủ khoảng 1-2 tiếng để có mức thu nhập khoảng 2.500-3.000 ringgit/tháng (từ 12,7-15 triệu đồng) để gửi tiền về nuôi hai đứa con đang trong độ tuổi ăn học, một con trai 19 tuổi và một con gái 11 tuổi.

Vất vả là thế, nhưng khi chúng tôi hỏi giờ có muốn quay trở lại Việt Nam hay không, tất cả công nhân đều trả lời “không” vì mức thu nhập của họ bên đây khá và ổn định hơn ở Việt Nam.

Họ cho biết sẽ làm việc ở Malaysia thêm một thời gian để tích lũy một số vốn rồi mới về Việt Nam để kinh doanh hoặc chăn nuôi, trồng trọt.

Dù sao thì những công nhân này cho biết ông chủ người Mã gốc Hoa của họ rất tốt bụng và quan tâm đến đời sống của họ.

Đều đặn mỗi tháng, ông sai nhân viên mang tôm, cá, rau quả cho các anh chị em công nhân cải thiện bữa ăn, nếu ai bị ốm đau thì ông đưa đi bệnh viện.

Thỉnh thoảng ông còn tổ chức cho anh chị em công nhân đi du lịch ở Malaysia và thậm chí ở Thái Lan mà không trừ vào ngày nghỉ.

Làm quần quật ở xứ người để lo cho gia đình
Nhóm công nhân nữ người Việt làm thuê cho Công ty CLC – Ảnh: Quỳnh Trung

Xứ người vất vả

Anh Trần Trung Hiếu (36 tuổi), hiện đang là công nhân ở Công ty Syarikat Minho Kilning tại Klang, kể lại quãng thời gian khó khăn khi làm công nhân xây dựng cho các công trường ở Malaysia.

“Lúc đó 8 người bị dồn lại trong một container tối tăm, mỗi người phải tự trang bị chăn drap, chiếu gối và máy quạt.

Đa số công nhân xây dựng là nam giới nên tắm rửa ở những khu tập thể, đun nấu ngay lan can xưởng làm việc. Khổ nhất là làm việc dưới sức ép lớn, không có điện nước sinh hoạt và ăn thức ăn Mã Lai không hợp” – anh Hiếu nói.

Trong khi đó, anh Lê Tá Tươi (quê Thanh Hóa, ở Malaysia được 10 năm) kể rằng năm đầu tiên hầu như anh không để dành được đồng nào vì lương thưởng và môi trường làm việc không như các công ty môi giới hứa hẹn. Anh Tươi cho biết còn có những công nhân kém may mắn hơn.

Theo lời anh kể, cách đây khoảng 2-3 năm, một xưởng sản xuất găng tay của Malaysia bóc lột một nhóm công nhân Việt Nam vô cùng tàn tệ.

“Nhóm công nhân này bị những người môi giới lừa sang Malaysia theo đường du lịch rồi sau đó trở thành lao động bất hợp pháp.

Những người này làm việc quần quật cả ngày chỉ được trả 7 ringgit (khoảng 35.000 đồng), bị chủ thu hộ chiếu, bắt nhốt, thậm chí buộc phải mua đồ ăn của chủ với giá cắt cổ. Nhiều người khác bị nợ lương” – anh Tươi nói.

Theo Cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Malaysia từ năm 2002, đến nay đã có hàng trăm ngàn lượt lao động sang đây làm việc, có thời điểm số lao động Việt Nam có mặt tại Malaysia lên tới 130.000 người.

Hiện chưa có con số thống kê cập nhật về lao động Việt Nam tại Malaysia, nhưng theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, lao động Việt Nam chủ yếu làm những công việc như sản xuất chế tạo trong các nhà máy điện tử, nội thất, may mặc, đóng gói sản phẩm hay trong ngành dịch vụ (phục vụ nhà hàng – quán ăn, lau chùi, dọn vệ sinh, nấu ăn, bán hàng…), ngành nông nghiệp và số ít giúp việc nhà trong các gia đình người Mã gốc Hoa.