Home Cộng Đồng Nốt thăng trầm của Apple trong những năm đầu thành lập
Cộng Đồng

Nốt thăng trầm của Apple trong những năm đầu thành lập

(www.Alouc.com) – Cách đây 20 năm, Steve Jobs quay lại cương vị CEO Apple, biến công ty từ bờ vực phá sản trở thành một trong những tập đoàn giá trị nhất thế giới. Để được như vậy, mọi thứ bắt đầu với chỉ 3 con người trong một garage ở Los Altos, California.

Sau đây là loạt ảnh về lịch sử 41 năm của Táo khuyết, từ lúc mới thành lập đến quãng thời gian khó khăn nhất, cuối cùng là sự vực dậy bởi Steve Jobs, do Business Insider thực hiện.

Ngày 1/4/1976, Apple được sáng lập bởi Steve Jobs và Steve Wozniak trong một garage ở Los Altos, California.

Ronald Wayne chính là đồng sáng lập thứ 3 của Apple. Mục đích chính của ông là hòa giải những tranh chấp cũng như hướng dẫn những bước kinh doanh đầu tiên cho 2 nhà sáng lập trẻ tuổi. Tuy nhiên, Wayne rời khỏi công ty khi Apple còn chưa thành lập, lấy lại 10% cổ phần của mình tương đương 800 USD ngày ấy.

Đây là bản phác thảo logo Apple đầu tiên do Wayne vẽ bằng tay.

Garage của bố mẹ Jobs ở Los Altos, nơi Apple thành lập.

Sản phẩm đầu tiên của hãng là máy tính Apple I. Thiết bị đơn giản chỉ là 1 bảng mạch với những thành phần cơ bản: bộ xử lý, module bộ nhớ và một số cổng kết nối mở rộng, không có bàn phím, màn hình và thậm chí là vỏ. Như bạn thấy trong bức ảnh trên, Apple I được bán với giá 666,66 USD.

Steve Wozniak là người thiết kế nên Apple I. Trên đây là sơ đồ thiết kế Apple I được ông vẽ bằng tay.

Mike Markkula (phải) và Jobs

Trong khi Wozniak đảm nhiệm phần kỹ thuật, thiết kế thì Jobs chịu trách nhiệm phần kinh doanh, chủ yếu thuyết phục các nhà đầu tư “rót tiền” cho Apple. Cuối cùng, Jobs đã thuyết phục thành công Mike Markkula, người đã đầu tư 250 ngàn USD và là nhân viên số 3 (No.3) của Apple, lúc đó ông nắm giữ 1/3 cổ phần công ty.

Micheal Scott

Nhờ Markkula mà Apple chính thức thành lập vào năm 1977. Micheal Scott là chủ tịch và là CEO đầu tiên của hãng. Lúc đó, Jobs và Wozniak bị cho rằng còn quá trẻ và không có kinh nghiệm để làm CEO.

1977 cũng là năm ra đời của Apple II, mẫu máy tính cá nhân cực kỳ thành công của hãng cũng do Wozniak thiết kế.

Tính năng “sát thủ” của Apple II là VisiCalc, công cụ tạo bảng tính giúp Apple cạnh tranh với những “ông lớn” trong ngành PC thời bấy giờ là Tandy và Commodore. Với VisiCalc, Apple có thể bán Apple II cho đối tượng là các doanh nghiệp.

Văn phòng làm việc cùng những nhân viên đầu tiên của Apple, phía sau là dây chuyền sản xuất Apple II

Đến năm 1978 thì Apple mới có văn phòng thực sự, với nhân viên và dây chuyền sản xuất Apple II. Khoảng thời gian này, một số nhân viên bắt đầu thấy khó chịu với sự khó tính của Jobs.

Xerox PARC là một trong những văn phòng nổi tiếng nhất thế giới với những thành tựu về khoa học công nghệ bao gồm máy in laser, chuột hay mạng ethernet. Năm 1979, Xerox cho phép nhân viên Apple ghé thăm văn phòng trong 3 ngày để được mua 100 ngàn cổ phiếu của Apple, trị giá 10 USD mỗi cổ phiếu.

Năm 1980, Apple ra mắt máy tính Apple III dành cho doanh nghiệp, đây là động thái cạnh tranh với mối đe dọa ngày càng gia tăng đến từ IBM và Microsoft. Song, vào lúc ấy thì Apple III không phải chiến lược chủ chốt của Jobs.

Xerox PARC đã “dạy” Jobs rằng tương lai của máy tính chính là giao diện người dùng đồ họa (Graphical User Interface – GUI), chính là giao diện mà chúng ta sử dụng trên máy tính và các thiết bị công nghệ phổ biến ngày nay. Ngay sau đó, Jobs tìm mọi cách để mang GUI vào máy tính Apple Lisa, nhưng do mâu thuẫn nội bộ nên ông đã bị đuổi khỏi dự án, cuối cùng Apple Lisa được trình làng vào năm 1983. Dù được quảng bá rất mạnh nhưng doanh số của Lisa lại thấp thảm hại do giá bán quá đắt và không có nhiều phần mềm hỗ trợ.

Jobs cùng máy tính Macintosh tại Cupertino năm 1984

Jobs tiếp tục với dự án lớn thứ 2 mang tên Macintosh, mẫu máy tính được xem là thân thiện nhất với người dùng. Macintosh rất được các chuyên gia thiết kế đồ họa ưa chuộng vì khả năng hiển thị, dù cho màn hình máy tính lúc đó chỉ là màn hình trắng đen, và giá bán của Macintosh vẫn còn rất cao.

John Sculley (phải) trong buổi ra mắt Macintosh

Cũng trong khoảng thời gian đó, John Sculley trở thành CEO mới của Apple. Là CEO trẻ tuổi nhất của Pepsi, nhưng Jobs vẫn đưa Sculley về Apple sau câu nói “huyền thoại”: “Bạn muốn bán nước ngọt suốt đời hay cùng tôi thay đổi thế giới?

 

Năm 1984, Apple phát hành đoạn quảng cáo mang tên 1984, được đạo diễn bởi Ridley Scott với chi phí lên đến 1,5 triệu USD. Nó được phát 1 lần duy nhất trong sự kiện Super Bowl XVIII, và không bao giờ được phát lại nữa.

Đây cũng là thời gian tình bạn giữa Jobs và Bill Gates trở nên căng thẳng. Ban đầu, Microsoft là công ty viết phần mềm cho Macintosh, nhưng kế hoạch bị đổ bể vào năm 1983 khi Microsoft cho biết hãng cũng đang làm việc trên một giao diện người dùng đồ họa mới mang tên Windows.

Từ trái qua: Jobs, Sculley và Wozniak

Doanh thu của Macintosh khá cao, nhưng ngần đó vẫn chưa đủ “lật đổ” sự thống trị của IBM. Điều này dẫn đến nhiều mâu thuẫn giữa Jobs – người đứng đầu nhóm Macintosh, thích làm việc theo cách riêng của mình – với Sculley – người đang muốn giám sát chặt chẽ hơn những sản phẩm của hãng sau thất bại của thảm họa Lisa và Macintosh cũng làm ông thất vọng.

Bức ảnh được Jobs gửi đến báo chí cho mẫu máy tính NeXTstation tại văn phòng của NeXT ở Redwood City ngày 4/4/1991

Mọi thứ thay đổi khi đến năm 1985, Jobs tiến hành cuộc “đảo chính” nhằm “lật đổ” Sculley, song hầu hết hội đồng quản trị của Apple về phe Sculley, còn Jobs bị đuổi khỏi ban điều hành. Jobs sau đó rời Apple và thành lập NeXT, một công ty máy tính mà ông có quyền kiểm soát mọi thứ.

Năm 1985, Wozniak cũng rời công ty vì cho rằng Apple đang ngày càng “đi sai hướng”. Ông cũng bán lại toàn bộ cổ phần của mình tại Apple.

Khi cả 2 đồng sáng lập đều rời bỏ Apple, quyền quản lý công ty hoàn toàn nằm trong tay Sculley. Trong thời gian đầu, ông đã làm khá tốt khi cho ra mắt mẫu laptop PowerBook và hệ điều hành System 7 vào năm 1991. System 7 cũng là hệ điều hành màu đầu tiên cho dòng máy Macintosh, được cập nhật thường xuyên cho đến khi Mac OS X ra đời năm 2001.

Thập niên 90 cũng chứng kiến nỗ lực “xâm nhập” vào nhiều thị trường khác của Apple, nhưng chúng đều chẳng mấy thành công. Thất bại nổi tiếng nhất là máy tính Newton MessagePad ra mắt năm 1993, là sản phẩm của “tư duy” Sculley. Mặc dù là thiết bị tạo ra khái niệm “trợ lý cá nhân kỹ thuật số”, máy được bán với giá 700 USD và không làm được gì nhiều hơn ngoài lưu ghi chú và danh bạ.

Hệ điều hành màu Mac System 7

Sculley tiếp tục mắc sai lầm khi tốn quá nhiều thời gian, tiền bạc để đưa nền tảng System 7 vào bộ xử lý PowerPC của IBM/Motorola thay vì bộ xử lý của Intel. Hầu hết phần mềm lúc đó đều được làm cho bộ xử lý Intel, cộng thêm việc chúng ngày càng rẻ và dễ sử dụng.

Cũng trong thời gian đó, tầm ảnh hưởng của Microsoft đã bắt đầu tăng lên. Mặc dù có các phần mềm hỗ trợ tuyệt vời, nhưng số lượng phần mềm trên Mac lại quá ít, giá bán lại quá cao. Trong khi đó Microsoft lại đang thành công với Windows 3.0 dành cho đối tượng người dùng phổ thông, bán kèm những mẫu máy tính giá rẻ của Dell hay HP.

Michael Spindler

Tới lúc đó thì Apple đã “lãnh đủ”, Sculley lập tức bị đuổi việc sau báo cáo tài chính quý 1/1993, Michael Spindler trở thành CEO mới. Ông là người gốc Đức đã làm việc cho Apple từ năm 1980.

Gil Amelio (phải) cùng vợ, bà Charlene

Phải gánh chịu những hậu quả do Sculley để lại, Apple đã “đen” lại càng “đen” hơn khi mẫu máy Macintosh đầu tiên sử dụng bộ xử lý PowerPC ra mắt năm 1994, nhưng lúc đó thì Windows mới chính là kẻ đang “cất cánh”. Sau loạt thất bại trong việc đàm phán sáp nhập với IBM, Sun MicroSystems hay Philips, hội đồng quản trị Apple quyết định đưa Gil Amelio lên thay thế chức vụ CEO của Spindler vào năm 1996.

Sản phẩm nổi bật nhất của Apple dưới thời Amelio là Twentieth Anniversary Mac, phiên bản kỷ niệm 20 năm Macintosh với giá 7500 USD cùng những tính năng rất độc đáo, bao gồm hệ thống âm thanh cực kỳ ấn tượng.

Amelio cũng không mang lại nhiều thành công cho Táo khuyết khi giá trị cổ phiếu của hãng chạm mức thấp nhất trong 12 năm. Sau đó, Amelio quyết định mua lại hãng máy tính NeXT của Steve Jobs năm 1997 với giá 429 triệu USD, đưa Jobs trở lại Apple.

Vài tháng sau, Jobs tiếp tục “đảo chính”, thuyết phục ban quản trị cho ông làm CEO tạm thời, sau đó CEO Gil Amelio từ chức và mọi thứ lại về tay Jobs.

1997 cũng là năm chiến dịch quảng cáo nổi tiếng “Think Different” ra đời với hàng loạt nghệ sĩ, nhạc sĩ và nhà khoa học nổi tiếng.

Dưới thời của Jobs, Apple đã chấp nhận khoản đầu tư 150 triệu USD từ Microsoft vào năm 1997. Nhà đầu tư được công bố ngay trong sự kiện đầu tiên của Jobs dưới cương vị là CEO. Khi Bill Gates xuất hiện trên màn hình, khán giả la ó. Thời gian này, Jobs cũng có được Jony Ive, người đã thiết kế nên chiếc máy tính iMac vào năm 1998. Năm 2001, Jobs giới thiệu Mac OS X, dựa trên nền tảng do ông thiết kế trên máy tính NeXT và để thay thế System 7. Đến bây giờ, sau 16 năm thì Mac OS vẫn là hệ điều hành được sử dụng trên những chiếc máy tính Mac của Apple. Năm 2006, Apple đã có quyết định sáng suốt khi chuyển sang dùng bộ xử lý Intel cho những mẫu máy tính của mình.

Một trong những thành công lớn nhất của Steve Jobs mà ai cũng biết chính là iPhone. Được ra mắt năm 2007, sau một thời gian dài chờ đợi thì iPhone chính là sản phẩm bước ngoặt tạo nên vị thế hiện tại của Apple. Có thể thấy Jobs đã hoàn toàn đi đúng hướng, biến Apple từ bờ vực phá sản trở thành một trong những tập đoàn giá trị nhất thế giới trong nhiều năm. Đây là một trong những dấu mốc quan trọng nhất, không chỉ trong lịch sử Apple mà nó còn thay đổi cả ngành công nghiệp di động và làng công nghệ thế giới.