Home Cộng Đồng Nông sản Việt có khả năng “công phá” thị trường Úc?
Cộng Đồng

Nông sản Việt có khả năng “công phá” thị trường Úc?

Báo Alo Úc – Thời gian tới, Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản, đặc biệt là mặt hàng rau quả sang thị trường Australia.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) và Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương): Australia đang là một trong những thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nhiều tiềm năng của Việt Nam khi liên tục trong 3 năm gần đây, vải, xoài, thanh long đã chính thức được mở cửa nhập khẩu vào Australia.

Sắp tới, tôm tươi nguyên con và nhãn tươi nhiều khả năng sẽ là sản phẩm tiếp theo được mở cửa nhập khẩu vào thị trường này. Đặc biệt, Tập đoàn SunRice – tập đoàn kinh doanh gạo lớn nhất Australia cũng đang nhập khẩu gạo Japonica của Việt Nam.

Bên cạnh đó, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Australia được nhận định đang có nhiều thuận lợi bởi theo lộ trình của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Australia – New Zealand (AANZFTA), năm 2018, Australia sẽ cắt giảm 90% dòng thuế nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN, New Zealand xuống 0% và năm 2020, 100% dòng thuế sẽ được cắt giảm xuống 0%.

Ngoài ra, Australia và Việt Nam cùng một số nước khác đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Điều này cũng mở ra cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Australia trong thời gian tới.

Tập trung phân tích sâu với mặt hàng rau quả càng thấy rõ hơn tiềm năng, lợi thế của hàng hóa Việt Nam tại thị trường này. Mặc dù Australia là một nước nông nghiệp nhưng trái cây Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này là trái mùa nên có khả năng tiêu thụ với giá cao.

Mới đây, lô hàng thanh long ruột đỏ đầu tiên của Việt Nam đã được nhập khẩu vào Australia sau 9 năm đàm phán, hoàn thành các thủ tục liên quan. Việt Nam cũng là nước đầu tiên trên thế giới xuất khẩu thanh long vào thị trường Australia.

Trước đó, quả thanh long ruột đỏ Vĩnh Phúc đã được xuất khẩu thành công sang một số nước khu vực châu Á như Nhật Bản, Malaysia… nhưng với các nước khu vực châu Âu, Australia thì chưa tiếp cận được.

Do đó, một số chuyên gia đánh giá: Lô hàng thanh long ruột đỏ đầu tiên được nhập khẩu vào thị trường Australia là thử nghiệm bước đầu, đồng thời là cơ hội đưa quả thanh long ruột đỏ trở thành mặt hàng tiêu dùng được yêu thích tại Australia. Đây không chỉ là tiền đề phát triển sản phẩm thanh long ruột đỏ tại thị trường Australia mà còn là chìa khóa để đưa thanh long ruột đỏ vào Mỹ và châu Âu.

Nhu cầu tiêu dùng rau quả tại Australia đã tăng lên trong giai đoạn 2010-2015 và sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn tới. Cụ thể, nhu cầu tiêu dùng rau bình quân đầu người của Australia đã tăng từ 96 kg năm 2011 lên 107 kg vào năm 2016 và dự báo sẽ tăng lên 114 kg vào năm 2021. Sản lượng rau quả của Australia sản xuất trong nước đáp ứng 90% nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, 10% là nhập khẩu.

Dù được nhận định là thị trường nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng thực tế các doanh nghiệp Việt Nam còn không ít khó khăn khi vào thị trường này. Bởi Australia là thị trường có những quy định rất chặt chẽ, khắt khe về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật và uy tín hàng hóa.

Do đó, hai đơn vị của Bộ Công Thương đưa ra khuyến cáo: Các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật đúng với yêu cầu của thị trường mới có thể tận dụng cơ hội xuất khẩu bền vững vào Australia.

Khi xuất khẩu các mặt hàng nông sản vào Australia, các doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ quy định kiểm dịch của Australia về vùng trồng, cơ sở đóng gói, chiếu xạ, bao bì, nhãn mác, kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu ngay từ Việt Nam

Theo Báo Hải Quan