(www.Alouc.com) – Dù Bộ Di trú không yêu cầu nhưng các phụ huynh khi sang Úc du lịch thăm con vẫn nên mua bảo hiểm. Vì sao?
Nguyễn Đức Quyết – Giám đốc Điều hành Công ty Du học Rightway (Melbourne), đồng thời cũng là đại diện của các hãng bảo hiểm có cung cấp OSHC, chia sẻ các thông tin xoay quanh việc mua bảo hiểm cho những người phụ thuộc đi cùng hoặc người thân du lịch Úc thăm du học sinh.
SBS Vietnamese: Người thân của du học sinh cần mua những loại bảo hiểm gì?
Người thân thì có 2 trường hợp:
Trường hợp 1: Người thân đi cùng để ở luôn cùng du học sinh thì cần mua bảo hiểm OSHC (viết tắt của Overseas Students Health Cover). Ví dụ vợ theo chồng, con theo bố mẹ là du học sinh.
Trường hợp 2: Là người thân đi du lịch qua Úc để thăm du học sinh, tiện thể đi du lịch Úc: Ví dụ bố mẹ sang thăm con, vợ sang thăm chồng trong thời gian nhất định nào đấy, thì việc mua bảo hiểm hoàn toàn tự nguyện, không mua cũng không sao. Nhưng theo mình thì khi đi nước ngoài nên mua bảo hiểm du lịch để bảo đảm nếu không may mình ốm đau, bệnh tật thì sẽ được bảo hiểm chi trả cho việc khám chữa bệnh trong quá trình du lịch tại Úc.
Mua bảo hiểm du lịch thường có 2 cách: Mua bảo hiểm du lịch có công ty ở Việt Nam; Mua bảo hiểm công ty bảo hiểm tại Úc, ví dụ Allianz.
SBS Vietnamese: Làm thế nào để mua được bảo hiểm cho người thân với giá tốt nhất?
Đối với người phụ thuộc, đi kèm du học sinh:
Bắt buộc phải mua bảo hiểm OSHC.
Nếu bảo hiểm OSHC thì nếu chỉ có 2 người thì mua gói Dual Family của công ty Allianz là rẻ nhất trong 5 công ty. Nếu là một gia đình có con cái đi kèm thì bảo hiểm NIB là rẻ nhất.
Đối với người qua Úc du lịch:
Nếu mua bảo hiểm cho người thân sang Úc du lịch thăm du học sinh thì bảo hiểm du lịch có rất nhiều loại; thậm chí có thể mua tại Việt Nam vì có vài công ty cũng bán loại bảo hiểm này. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân của mình thì các bạn nên mua bảo hiểm này của công ty ở Úc để bảo đảm quyền lợi khi ở Úc, ngoài ra việc liên hệ hay bồi hoàn bảo hiểm cũng dễ dàng hơn rất nhiều.
Nếu các bạn hỏi mình biết công ty nào không thì mình có thể trả lời công ty Allianz có bán, có 2 gói là Visitor Plus Policy và Visitor Budget Policy; gói Plus nhiều quyền lợi hơn và đắt hơn.
SBS Vietnamese: Trường hợp cha mẹ sang du lịch thăm con, không có mua bảo hiểm, nếu bệnh nhập viện sẽ phải trả những chi phí nào?
Trong trường hợp này, bệnh nhân sẽ phải trả toàn bộ chi phí cho quá trình khám chữa bệnh tại bệnh viện. Và như các bạn biết, chi phí điều trị y tế ở Úc rất đắt đỏ, nên mình khuyên các bạn nếu mời người thân qua du lịch thì nên mua bảo hiểm cho họ để tránh trường hợp không may ốm đau, ngã bệnh xảy ra.
Tuy nhiên, mình có một lưu ý là đối với người thân mà có tiền sử bệnh tật rồi, tìm cách qua Úc chữa trì thì nếu bệnh viện và bảo hiểm phát hiện bệnh là có trước khi mua bảo hiểm thì bảo hiểm sẽ không cover các chi phí cho việc khám và điều trị căn bệnh đó.
SBS Vietnamese: Đa số các sản phẩm OSHC (gói basic) có chi trả chi phí thai sản không?
Tất cả 5 công ty bảo hiểm được bộ di trú Úc công nhận cho việc xin visa du học sinh đều có cover chi phí thai sản, tuy nhiên có điều kiện thời gian chờ là 12 tháng.
Nó có nghĩa rằng, ví dụ du học sinh là nữ hay người phụ thuộc là nữ, tính từ ngày đầu tiên tới Úc đến ngày sinh con nếu đủ 12 tháng thì hầu hết các hãng bảo hiểm sẽ cover toàn bộ chi phí sinh nở đó và ngược lại.
Đối với các bạn đã ở Úc sẵn rồi thì thời gian chờ này tính từ ngày bắt đầu gói bảo hiểm.
SBS Vietnamese: Vợ chồng du học sinh sau khi sinh con tại Úc cần mua/ upgrade gói bảo hiểm như thế nào? Việc này có phức tạp, mất nhiều thời gian không?
Bộ di trú không yêu cầu vợ chồng hay gia đình du học sinh phải mua gói bảo hiểm Single, Family…
Tuy nhiên, hầu hết các hãng bảo hiểm đều yêu cầu học người phụ thuộc đi theo mua kèm người giữ visa chính. Trong trường hợp cả gia đình bao gồm cả thành viên dưới 18 tuổi thì phải mua gói bảo hiểm Family.
Chi phí cho gói family này khá tốn kém, thông thường giá của gói family gấp khoảng 9 đến10 lần giá cho gói single.
Trong tất cả 5 hãng bảo hiểm thì gói family của công ty Nib là có giá tốt nhất. Tuy nhiên, bảo hiểm Nib có hạn chế riêng về % chi phí cover đối với các bệnh viện đặc biệt là về sinh đẻ. Chính vì vậy hầu hết mọi người vẫn chọn các công ty bảo hiểm như Allinaz, Medibank, Bupa…
SBS Vietnamese: Du học sinh sau khi tốt nghiệp, chuyển sang TR và đi làm toàn thời gian thì cần mua những loại bảo hiểm nào? Loại bảo hiểm này thường có mức phí bao nhiêu một năm?
Có 2 trường hợp chính như sau:
Nếu visa sinh viên của bạn còn hiệu lực khi nộp hồ sơ xin visa subclass 485, thì bạn hoàn toàn có thể sử dụng tiếp bảo hiểm OSHC này và mua thêm cho toàn bộ thời gian TR này.
Đối với trường hợp không còn giữ Student Visa thì các bạn bắt buộc phải mua một loại bảo hiểm khác chứ không được tiếp tục sử dụng bảo hiểm dành cho sinh viên nữa.
Điều đặc biệt, loại bảo hiểm này có thể do công ty ở Úc hoặc Việt Nam cung cấp, miễn làm sao bảo đảm loại bảo hiểm này chi trả tối thiểu là cho mục đích sinh sống của người nộp đơn. Có nghĩa là phải bảo đảm cover cho các phát sinh bệnh tật, điều trị thông thường hay cấp cứu tại bệnh viện.
Ở Úc, thông thường các bạn hay gọi bảo hiểm này là OVHC (Overseas Visitors health cover), mình có biết các công ty bảo hiểm Bupa, Allianz, Nib … đều có bán loại này. Theo mình ở Úc rẻ nhất thì các bạn có thể tìm kiếm bảo hiểm IMAN, thuộc công ty Nib, giá 17.45$/1 tuần, 1 năm tầm 907$.
Theo SBS