Home Tin Nước Úc Vì sao cảnh sát ngụy trang và trốn trong bụi cây ở NSW?
Tin Nước Úc

Vì sao cảnh sát ngụy trang và trốn trong bụi cây ở NSW?

Các nhà hoạt động khí hậu ở Úc đang phải gánh chịu những hành động “pháp lý đầy thù hận”, họ bị giám sát chặt chẽ và thậm chí cấm ra khỏi nhà.

Trong khu cắm trại ở vùng núi ngoại ô thành phố Sydney, một nhóm các nhà hoạt động khí hậu đang cùng trò chuyện, chia sẻ cà phê và những chiếc bánh mì. Đột nhiên, họ nhận thấy có thứ gì chuyển động trên một con dốc gần đó. Một thành viên của nhóm đã đi kiểm tra và phát hiện 2 người mặc đồ rằn ri đang ẩn nấp trong bụi cây.

“Chúng tôi thực sự bối rối không hiểu tại sao những người này lại ở trong (bụi cây)”, Zianna Fuad, 29 tuổi, thành viên nhóm hoạt động khí hậu Blockade Australia, cho biết.

Đoạn video do Blockade Australia công bố cho thấy một số thành viên trong nhóm họ đã lớn tiếng với những kẻ “xâm nhập”, một phụ nữ lớn tuổi thậm chí đã hét lên những lời chửi rủa, theo CNN.

“Chúng tôi nghĩ rằng họ có thể là những người thuộc phe cực hữu đang theo dõi chúng tôi”, Fuad nói.

Nhưng hóa ra đó là các viên cảnh sát. Cảnh sát bang New South Wales (NSW) tiết lộ những người mặc đồ rằn ri này là sĩ quan thuộc lực lượng Strike Force Guard, một đội đặc nhiệm được thành lập hồi tháng 3 để “ngăn chặn, điều tra và phá vỡ các cuộc biểu tình trái phép, đặc biệt là phong trào của nhóm Blockade Australia, từng gây hỗn loạn ở Sydney.

nha hoat dong khi hau Australia anh 2

Những người mặc đồ ngụy trang ngồi trên ôtô giữa các nhà hoạt động môi trường sau khi bị phát hiện tại khu cắm trại gần Sydney. Ảnh: CNN.

Việc tăng cường giám sát là một phần trong cách tiếp cận cứng rắn hơn của tiểu bang đối với hoạt động biểu tình vì môi trường. Sau các cuộc biểu tình hồi đầu năm, một số nhà hoạt động khí hậu bị giám sát nghiêm ngặt và cấm rời khỏi nhà thậm chí có thể bị bỏ tù nếu bước ra ngoài. Những người khác đã bị trục xuất.

“Hành động pháp lý đầy thù hận”

Sophie McNeill, nhà nghiên cứu Úc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), cho biết những người biểu tình vì khí hậu đang bị “giới chức trách Úc thực hiện các hành động pháp lý đầy thù hận”.

Theo cảnh sát trưởng bang NSW Paul Toole, cuộc biểu tình diễn ra trái phép, không ôn hòa và sẽ không được dung thứ. “Hành động gây rối, nguy hiểm này là bất hợp pháp và bất cứ ai tham gia sẽ bị bắt”, ông nói trong một tuyên bố với CNN.

nha hoat dong khi hau Australia anh 3

Khu cắm trại ở ngoại ô Sydney, nơi các nhà hoạt động khí hậu bị bắt giữ sau đó. Ảnh: Cảnh sát bang New South Wales.

Trở lại nhóm nhà hoạt động khí hậu nói trên, sau khi bị giám sát, 10 thành viên đã bị bắt giữ và cáo buộc nhiều tội danh, bao gồm hành hung và cản trở một sĩ quan cảnh sát, cũng như hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản.

Luật sư Mark Davis, người đại diện cho hầu hết bị cáo, cho biết trong các phiên tòa, một số nhà hoạt động bị cấm liên lạc với 15 người trong danh sách do cảnh sát cung cấp. 2 người bị từ chối tại ngoại và ít nhất một người bị cấm vào bang do vi phạm điều kiện tại ngoại, khi đăng ảnh trên trang Facebook của thành viên khác.

Ở NSW, mối quan hệ giữa chính quyền và các nhà hoạt động khí hậu không phải lúc nào cũng căng thẳng như vậy. Song, rắc rối thực sự bắt đầu vào tháng 11/2021, khi phong trào Blockade Australia khiến cảng xuất khẩu than lớn nhất thế giới phải tạm ngưng hoạt động.

Mỗi năm, hơn 166 triệu tấn hàng hóa đi qua cảng Newcastle, trong đó có hàng triệu tấn than được vận chuyển bằng đường sắt từ các mỏ ở vùng Hunter.

Tuy nhiên, vào ngày 11/11/2021, các nhà hoạt động trong nhóm Blockade Australia đã vô hiệu hóa máy móc và chặn các tuyến đường sắt dẫn đến bến cảng này. Fuad cho biết cô và một nhà hoạt động khác đã phá hủy một máy xúc than, do đó, họ bị cấm liên lạc với nhau trong 2 năm.

Vào thời điểm đó, cảnh sát trưởng NSW là David Elliott. Ông cho biết hành động gây rối của họ sẽ không được dung thứ.

Đến tháng 4, Quốc hội đã thông qua các hình phạt cứng rắn hơn, bao gồm án tù 2 năm và khoản tiền phạt lên tới hơn 15 USD đối với các cuộc biểu tình bất hợp pháp trên đường bộ, đường sắt, đường hầm, cầu và khu công nghiệp.

Trước khi điều luật này được thông qua, 39 tổ chức dân sự đã viết một bức thư, chỉ trích quy định này là một “cuộc tấn công vô lương tâm vào quyền biểu tình”.

Một số tổ chức cũng công bố báo cáo cho thấy các nhà hoạt động khí hậu “thường xuyên nhận các hình phạt quá mức, cũng như các điều kiện bảo lãnh hạn chế quyền tự do tổ chức hội nhóm của họ”.

Sự lựa chọn duy nhất

Biến đổi khí hậu luôn là một vấn đề căng thẳng ở Úc. Trong những năm gần đây, quốc gia này phải đối mặt với nhiều thảm họa thiên nhiên, bao gồm lũ lụt trên diện rộng và cháy rừng kỷ lục.

Trước tình hình đó, chính phủ mới của đảng Lao động Úc đã đặt mục tiêu cắt giảm khí thải nhiều hơn, song vẫn từ chối loại bỏ các nhà máy điện than mới.

nha hoat dong khi hau Australia anh 4

Zianna Fuad (phải) và một thành viên khác của Blockade Australia đã phá hủy một máy xúc than tại Newcastle, vào tháng 11/2021. Ảnh: CNN.

Sự giàu có của Úc một phần đến tự việc xuất khẩu than và quặng sắt, do đó, chính phủ nước này được cho là có mối quan hệ chặt chẽ với ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch.

Và theo các nhà hoạt động khí hậu, mối ràng buộc này cần được phá vỡ bằng hành động trực tiếp. Họ sẵn sàng mạo hiểm sự an toàn và tự do của mình để làm điều đó.

Một trong số họ là Alex Pearse, 32 tuổi, nhà khoa học môi trường đến từ Brisbane. 3 tháng trước, anh đã treo người trên một chiếc cột dài 8 m, phía trên một đường ray ở Port Botany, khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn trong gần 2 giờ.

Sau khi bị bắt giữ, Pearse bị cáo buộc 4 tội danh và cấm ra khỏi NSW trong thời gian hầu toàn, với điều kiện phải đến gặp cảnh sát Queensland mỗi ngày thứ hai.

“Mức độ giám sát và đàn áp là chưa từng có và nói thẳng ra là khá đáng sợ”, anh chia sẻ.

NSW cũng không phải bang duy nhất cứng rắn với các nhà hoạt động khí hậu. Tasmania sắp thông qua các quy định sửa đổi để tăng tiền phạt và áp dụng các bản án tù dài hơn đối với những người biểu tình cản trở hoạt động kinh doanh hoặc gây ra “rủi ro nghiêm trọng”.

Cuộc đàn áp không chỉ mở rộng đối với những người biểu tình, mà cả những người tham gia vào bất cứ điều gì được coi là có liên quan đến hành động phản đối.

Trong một tuyên bố chung, 40 tổ chức xã hội dân sự cảnh báo rằng lực lượng an ninh NSW đang tiến hành các hoạt động “phủ đầu”, bằng cách đưa nhóm này vào diện giám sát, sau đó triển khai trực thăng, đội chống bạo động,…

“Việc cử 100 sĩ quan cảnh sát có vũ trang đến đe dọa và uy hiếp những người đang lên kế hoạch biểu tình ôn hòa là điều đáng báo động và không công bằng”, Alice Drury, Giám đốc pháp lý của Trung tâm Luật nhân quyền, cho biết trong tuyên bố.

Hơn 250 cảnh sát cũng đã được triển khai ở Sydney trong tuần này nhằm ngăn chặn những gì được dự đoán là “sự gián đoạn đáng kể”.

Trong khi đó, các nhà hoạt động khí hậu như Fuad vẫn kiên quyết: “Tôi tin những người trẻ đang nhận ra đây là sự lựa chọn duy nhất còn lại”.

Theo Zingnews.vn

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...