Alo Úc – Chính quyền bang Victoria của Úc phải công bố một thỏa thuận mà họ đã bí mật ký với Trung Quốc để tham gia dự án Vành đai – Con đường.
Đây được xem là một vụ “đi đêm”, giữa bối cảnh chính quyền liên bang Úc đã và đang cố gắng thoát khỏi sự ảnh hưởng từ các khoản đầu tư của Trung Quốc.
Trong khi đó, thậm chí các chuyên gia trong lĩnh vực này còn cảnh báo rằng hành động của bang Victoria có thể bị coi là vi hiến.
Vành đai – Con đường là chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng và thúc đẩy thương mại toàn cầu, và là sáng kiến mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cố công thúc đẩy từ khi ông nắm quyền.
Bang Victoria là nơi đầu tiên ở Úc ký vào thỏa thuận Vành đai – Con đường với Trung Quốc. Biên bản ghi nhớ dài 4 trang này tuyên bố Victoria và Trung Quốc sẽ cùng nỗ lực “tạo đà mới” để đạt được sự phát triển chung và thúc đẩy kết nối về chính sách, hạ tầng, thương mại, tài chính và con người.
Cũng theo tài liệu này, doanh nghiệp và các tổ chức của hai bên sẽ phát triển quan hệ đối tác dài hạn, tăng cường hợp tác về chính sách và “thương mại không bị ngăn trở”.
Thỏa thuận này kéo dài trong 5 năm và không có tính ràng buộc về mặt pháp lý.
Cũng có nhà quan sát nhận xét đó chỉ là những câu nói miệng chứ không mang tính chất thực tiễn.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia, trong đó có giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược Úc Peter Jennings, cảnh báo bang Victoria có thể đã đi ngược lại chính sách của chính quyền liên bang.
Trao đổi với tờ Guardian Australia, ông Jennings nói: “Theo quan điểm của tôi, đây là hành động sai trái khi một chính quyền bang ký kết những dạng thỏa thuận kiểu này và có thể nó là hành động vi hiến”.
Cũng theo ông Jennings, các chính quyền bang khác không nên nối gót Victoria: “Thật lòng mà nói, có một chút gọi là trào lưu khi các thống đốc bang lao vào Trung Quốc với những đôi mắt bị đồng tiên che khuất, với suy nghĩ rằng họ sẽ kiếm được bao nhiêu tiền từ sự cam kết kiểu như vậy”.
Quan điểm này cũng nhận sự đồng tình từ Giáo sư Rory Medcalf, một học giả tại Đại học Quốc gia Úc.
Ông Medcalf cho rằng thỏa thuận của Victoria có thể “vượt quá giới hạn” đối với hiến pháp của Úc, và “trao cho Trung Quốc một chiến thắng về mặt tuyên truyền trong sự khác biệt giữa chính Victoria với chính quyền liên bang Úc về vấn đề này”.
Nhận định của ông Medcalf phản ánh việc chính quyền liên bang Úc rất cảnh giác với các khoản đầu tư từ Trung Quốc.
Gần đây Canberra đã thông qua luật cấm chính trị gia Úc nhận tiền tài trợ chính trị từ giới đầu tư Trung Quốc, như một cách không để Trung Quốc ảnh hưởng lên chính trường Úc.
Dự án đồ sộ Vành đai – Con đường trong khi đó cũng bị nhiều ý kiến cho rằng đó chẳng khác nào một cái “bẫy nợ” mà Trung Quốc giăng ra cho các đối tác của mình.
Vì vậy, chuyện một tiểu bang như Victoria ký kết với Trung Quốc gây ra phản ứng cũng là dễ hiểu.
Thủ tướng Úc Scott Morrison, trong một động thái liên quan, khẳng định rất “bất ngờ” với thông tin về chuyện ký kết của Victoria với Trung Quốc.
Báo New York Times ngày 13-11 cho biết ông Morrison khi trao đổi với các phóng viên đã nhận xét rằng chính quyền Victoria đã tự làm khó mình bằng cách không thông báo với chính quyền liên bang.
Ông Morrison nói: “Họ biết rõ chính sách của chúng tôi về vấn đề này và tôi nghĩ đó không phải là cách thức hữu ích để xử lý những chuyện như thế này”.