Home Tin Nước Úc Người Việt chia sẻ chuyện cách ly trên đất Úc
Tin Nước Úc

Người Việt chia sẻ chuyện cách ly trên đất Úc

Phòng khách sạn nơi chị được đưa đến cách ly có đủ điều kiện tiện nghi.

Chị Julie Phạm được cách ly tại một khách sạn ở Úc. Vốn tiếng Anh hạn chế nên đã có người Việt đến hỗ trợ chị. Chị xúc động bày tỏ: “Tôi thực sự rất cảm ơn những con người nơi đây”.

Đứng ngồi không yên vì nỗi lo sợ mơ hồ sắp phải cách ly

Chị Julie Phạm (công tác tại Công ty BINA) là người Việt Nam sống tại Úc. Chị bay về Việt Nam để chuẩn bị cho một hội thảo thì bị kẹt lại vì diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

Trong lúc hoang mang, chị phân vân không biết nên ở lại Việt Nam hay bay sang Úc đoàn tụ với gia đình đang ngày đêm mong ngóng. Bản thân chị lại chưa có quốc tịch Úc nên phấp phỏng lo sợ, một khi có lệnh cấm nhập cảnh thì không biết bao giờ mới có thể gặp lại các con.

“Ở lại Việt Nam đón các con về hay tôi sang Úc. Câu hỏi đó cứ hiện lên trong đầu tôi. Tôi lo cho các con bởi trong lúc dịch bệnh, việc di chuyển ở sân bay đông đúc tiềm tàng quá nhiều nguy cơ lây nhiễm. Việc học của các con cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tôi quyết định động viên các con tự chăm lo cho nhau.

Bạn bè tôi bên Úc thường xuyên lui tới hỏi thăm và hứa sẽ thay tôi khi các con cần sự trợ giúp. Có chị Bình – bạn tôi ngày nào cũng thông tin tình hình tại Úc cho tôi an tâm. Còn chị Như gom cả một xe ô tô đồ chơi của con trai mang lên cho con trai út của tôi. Tôi phải cảm ơn rất nhiều tới các bạn của mình”, chị Julie Phạm tâm sự.

Nhưng rồi cuối cùng, nỗi nhớ con da diết vẫn thôi thúc chị lên đường và may mắn được tạo mọi điều kiện quay lại Úc.

“Khi làm thủ tục tôi đã nhận được thông báo, sẽ phải thực hiện quá trình nhập cảnh lâu hơn bình thường và sẽ ngay lập tức phải đi cách ly, chưa thể về nhà với các con”, chị kể.

Lúc này chị như đứng ngồi trên đống lửa, vừa lo cho mọi người, vừa không biết những ngày sắp tới của mình sẽ ra sao.

“Tôi thực sự rất cảm ơn những con người nơi đây

Chị Julie Phạm được phát sô-cô-la cùng nước uống để ăn lót dạ trên đường đến địa điểm cách ly.

“Khi máy bay vừa hạ cánh, đã có sẵn một đội ngũ hướng dẫn tận tình. Họ đưa cho chúng tôi những hộp sô-cô-la, nước uống và đưa chúng tôi ra ô tô về khu cách ly. Lúc này tôi mới cảm nhận rõ rệt, à thì ra đây không phải chuyện đùa nữa rồi”, chị Julie Phạm kể.

“Nơi cách ly của tôi là khách sạn Panpacific tại trung tâm Melbourne. Mọi việc diễn ra trái ngược hoàn toàn với những lo sợ mơ hồ mà tôi tự tưởng tượng. Điều đầu tiên mà tôi cảm nhận được là sự thân thiện, nhiệt tình và nghiêm túc của đội ngũ hỗ trợ.

Về đến nơi cách ly, tôi được hướng dẫn cụ thể lắm. Nhưng thú thực, vốn tiếng Anh của tôi lại rất hạn hẹp nên không hiểu được hết. Thật may mắn, đã có người Việt Nam đến và giải thích cho tôi hiểu về những điều tôi cần phải làm”.

Phòng khách sạn nơi chị được đưa đến cách ly có đủ điều kiện tiện nghi.

“Và đến khi nhận phòng, tôi thực sự hài lòng với cơ sở vật chất tại nơi cách ly và một lần nữa là sự chu đáo của các bạn hướng dẫn. Mọi thứ quá tốt ngoài sự kì vọng của tôi”.

“Sau khi đã ổn định phòng ốc, tôi thấy có tiếng gõ cửa. Mở cửa ra là một nhân viên đưa cho tôi tất cả những vật dụng cần thiết trong suốt 14 ngày cách ly. Tôi đưa tay ra nhận và xúc động nói lời cảm ơn.

Dọc hành lang khách sạn, có rất nhiều nhân viên hỗ trợ và điều đặc biệt là chỉ cần nghe thấy tiếng mở cửa, ngay lập tức, các bạn ấy sẽ hỏi tôi cần gì.

Và những ngày cách ly của tôi đã bắt đầu như thế”.

Những bữa ăn trong quá trình cách ly của chị Julie Phạm.

“Kể tới đây, mọi người sẽ hỏi tôi đã trải qua những ngày cách ly ra sao đúng không. Với điều kiện sinh hoạt tốt như vậy, tôi đã không còn lo lắng mà cảm thấy mình rất may mắn. Tôi coi đây là “kì nghỉ yêu thương” để mình có thể sống chậm lại.

Ngày ngày, tôi thức giấc vào lúc 6h30, khởi động ngày mới với một bài tập thể dục.

Sau đó, tôi ngâm mình trong bồn nước nóng, thư thái cảm nhận mọi thứ và chuẩn bị lấy đồ ăn sáng.

Tôi bắt đầu bữa sáng vào lúc 7h30 và 11h30 sẽ là bữa trưa. Bữa chiều vào lúc 18h30 hoặc 19h30. Đồ ăn ở khu cách ly rất đủ dinh dưỡng”.

“Sau bữa sáng, tôi tự pha cho mình ly trà hoặc café. Và tôi bắt đầu làm việc online cùng các đối tác. Sau đó tôi tự thưởng cho bản thân những phút thư giãn trên mạng xã hội và đọc tin tức của Việt Nam qua các tờ báo.

Các bác sĩ sẽ đến hỏi thăm và kiểm tra sức khoẻ cho tôi 2 lần mỗi ngày vào lúc 9h sáng và 17h.

Tôi đón nhận mọi thứ với năng lượng tích cực chính nhờ sự quan tâm của những người tưởng chừng xa lạ trên nước Úc”, chị Julie Phạm kể.

“Tôi thực sự rất cảm ơn Chính phủ Úc. Điều tôi từng lo lắng là khi trở về với các con, tôi phải cách li như thế nào để tôi và các con được an toàn. Nhưng giờ tôi đã bình tĩnh, làm việc và chờ đợi 14 ngày trôi qua. Rồi tôi sẽ được trở về với các con, ôm lấy chúng và thơm lên má chúng.

Chắc chắn, không có gì tuyệt vời hơn thế”.

Theo Dân Trí

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...