Home Tin Nước Úc Mạng lưới giúp Úc phát hiện ca F0 trong cộng đồng
Tin Nước Úc

Mạng lưới giúp Úc phát hiện ca F0 trong cộng đồng

Để phát hiện các ca nhiễm lẩn khuất trong cộng đồng, Úc duy trì các mạng lưới giám sát, phối hợp hành động từ bác sĩ đến mỗi người dân.

Úc là một trong số ít quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đang kiên trì với chiến lược “không Covid-19” bằng việc quyết liệt áp phong tỏa kết hợp với xét nghiệm rộng rãi và truy vết quyết liệt.

Úc khuyến cáo xét nghiệm nCoV với những người vừa từ nước ngoài trở về trong vòng 14 ngày hoặc tiếp xúc gần với người mắc Covid-19. Những người vừa trở về sau chuyến đi trên du thuyền và phát triển triệu chứng nghi Covid-19 trong vòng 14 ngày cũng được yêu cầu xét nghiệm, hoặc những người đi qua vùng được coi là có nguy cơ lây lan cao.

Ngoài việc xét nghiệm trực tiếp những người nghi nhiễm nCoV, Úc còn lập các kế hoạch theo dõi, giám sát để phát hiện virus lẩn khuất trong cộng đồng, ở những người không biết mình nhiễm bệnh.

Theo kế hoạch ứng phó khẩn cấp nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19 của Úc, chính phủ nước này sẽ kích hoạt những mạng lưới giám sát được thiết lập cho kế hoạch ứng phó với các đại dịch cúm và Covid-19 nằm trong số đó.

Người dân xếp hàng chờ bên ngoài một trung tâm tiêm chủng ở Sydney, Úc, ngày 25/8. Ảnh: Reuters.

Mạng Nghiên cứu Thực hành Giám sát Úc (ASPREN) là một mạng lưới gồm các bác sĩ đa khoa sẽ ghi lại số bệnh nhân mắc bệnh giống cúm trong số những bệnh nhân mà họ thăm khám. Những bác sĩ đa khoa này sẽ lấy mẫu xét nghiệm trong một nhóm nhỏ những bệnh nhân đó để xem có người nào nhiễm nCoV hay không. Các mẫu sinh phẩm sẽ được gửi đến Trung tâm Bệnh lý học Nam Úc để xét nghiệm.

Một mạng lưới giám sát khác được kích hoạt là FluCAN. Hệ thống này sẽ báo cáo số ca nhập viện tương ứng với một căn bệnh nào đó, thường là cúm, cùng với những dữ liệu lâm sàng liên quan đến ca bệnh. Thông tin mà nó cung cấp giúp các chuyên gia y tế công cộng có cái nhìn rõ hơn về mức độ nghiêm trọng của bệnh và các triệu chứng.

Tuy nhiên, các hệ thống này chỉ có thể theo dõi những người bệnh nặng đến mức phải điều trị tại các cơ sở y tế, không thể phát hiện những ca Covid-19 thể nhẹ hoặc không triệu chứng.

Đây là lúc mà một hệ thống giám sát trực tuyến mang tên FluTracking phát huy tác dụng. Bất kỳ ai trong cộng đồng cũng có thể tham gia khảo sát và trả lời hai câu hỏi đơn giản mỗi tuần về việc họ có bị ho sốt hay không.

Kết hợp với nhau, cả hệ thống trên giúp cung cấp thông tin về số ca mắc các bệnh giống cúm trong cộng đồng. Nếu số người bệnh giống cúm nhiều hơn so với bình thường, điều có có thể báo hiệu một ổ dịch có nguy cơ đã xuất hiện. FluTracking được kích hoạt để giám sát Covid-19 từ tháng 2/2020.

Tuy nhiên, không ít người đặt ra câu hỏi liệu hệ thống giám sát của Úc có thể phát hiện các ca nhiễm nCoV sớm đến đâu. Liệu chúng có thể phát hiện ra một ổ dịch khi số ca nhiễm chỉ khoảng vài chục, hay hệ thống chỉ phát đi cảnh báo khi số ca nhiễm đến vài trăm hoặc vài nghìn.

Nhằm tối ưu hóa và khắc phục những hạn chế của hệ thống giám sát này, Úc cũng học hỏi các sáng kiến từ những quốc gia khác để áp dụng vào hệ thống giám sát của mình.

Hồi đầu năm ngoái, London bắt đầu áp dụng một hệ thống xét nghiệm các ca bệnh nhẹ tại nhà bệnh nhân, giúp đảm bảo yếu tố cách ly và giảm nguy cơ lây lan virus. Trong khi đó, nhiều nơi tổ chức các trạm xét nghiệm cho tài xế ngay trong xe ôtô, nhằm hạn chế nguy cơ virus lây lan.

Kế hoạch ứng phó khẩn cấp của Úc đề xuất huy động cả các phòng khám tư nhân nhỏ thực hiện xét nghiệm Covid-19 nhằm giúp giảm tải cho hệ thống y tế. Xét nghiệm tại chỗ trong xe ôtô cũng là một lựa chọn.

Số ca Covid-19 của Úc thời gian gần đây đang tăng nhanh trở lại. Tuy nhiên, trên thực tế, tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn khả quan hơn hầu hết các quốc gia phát triển khác. Úc đến nay báo cáo hơn 55.000 ca nhiễm và hơn 1.000 ca tử vong.

Bên cạnh áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, việc nhanh chóng phát hiện những ca nhiễm lẩn khuất trong cộng đồng để ứng phó kịp thời cũng được cho là một phần nguyên nhân khiến dịch bệnh ở Úc không diễn biến quá nghiêm trọng.

Tuy nhiên, trước làn sóng lây lan quá mạnh của biến chủng Delta, giới chức Úc đang dần thay đổi quan điểm về chiến lược “không Covid-19” và muốn chuyển sang “sống chung với Covid-19”.

“Mục tiêu của chúng tôi là sống chung với virus chứ không phải sống trong nỗi lo sợ về chúng”, Thủ tướng Scott Morrison nói ngày 23/8. Ông bảo vệ kế hoạch bắt đầu mở cửa khi 70% dân số Úc đủ điều kiện hoàn thành tiêm chủng, bất chấp số ca nhiễm tăng kỷ lục ở Sydney. Ông cũng ngầm cảnh báo các bang cố tình duy trì biện pháp phong tỏa có thể đối mặt nhiều hậu quả.

“Chúng ta phải phá vỡ vòng luẩn quẩn này”, Morrison nói về việc các bang phải đóng và mở cửa liên tục vì Covid-19. “Những ngày u tối phải kết thúc”.

Theo Vnexpress

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...