Home Cộng Đồng 11 sự thật thú vị về quốc gia hạnh phúc nhất thế giới
Cộng Đồng

11 sự thật thú vị về quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

Đã 3 năm liên tiếp Phần Lan được công nhận là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Không những thế, theo US News & World Report, đây còn là một trong những đất nước đáng sống nhất dành cho phái nữ năm 2020. 

Dưới đây là những điều thú vị về đất nước của sự hạnh phúc này:

1. Họ dành nhiều thời gian ở ngoài trời

Khoảng 70% lãnh thổ Phần Lan Phần Lan được bao phủ bởi rừng. Đó là lý do tại sao người Phần Lan cảm thấy rất thoải mái, dễ chịu khi ở cạnh cây cối và thiên nhiên. Ở giữa sự bao bọc của thế giới tự nhiên làm họ thấy thư thái và bình tĩnh. Họ thường dành thời gian đi dạo ngoài trời, cũng như tham gia các hoạt động thể thao như leo núi và đạp xe.

(Ảnh: Shutterstock)

2. Nước uống miễn phí

Phần Lan còn được gọi là “xứ sở ngàn hồ”. Những hồ nước tự nhiên ở nơi đây là kết quả của thời kỷ băng hà cuối cùng được diễn ra cách đây khoảng 110.000 đến 10.000 năm trước. Nước ở đây tinh khiết đến mức bạn không cần lọc mà có thể uống ngay. Theo World Atlas, trung bình cứ 26 người dân lại có một hồ nước. Với dân số khoảng 5,5 triệu, đất nước này có hơn 187.000 hồ. Hầu hết các nhà hàng ở đây cũng phục vụ cho khách hàng một bình nước miễn phí.

(Ảnh: Shutterstock)

3. Trẻ em được trợ cấp tiền đến năm 17 tuổi

Mỗi tháng, các gia đình sẽ nhận được khoản trợ cấp khoảng €100 (~2,7 triệu đồng) cho em bé đầu tiên. Số tiền này sẽ tăng nhẹ nếu bố mẹ sinh những đứa con tiếp theo. Trẻ em được trợ cấp cho đến năm 17 tuổi nhưng bố mẹ chúng thường không dùng để chi tiêu. Họ sẽ tiết kiệm khoản tiền này để cho con cái trong tương lai. Ngoài ra, khi em bé chào đời, nhà nước sẽ gửi cho bố mẹ một thùng quà gồm 64 mặt hàng thiết yếu cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh như: quần áo, tã lót, đồ chơi… cũng như tất cả các thông tin cần thiết.

(Ảnh: Shutterstock)

4. Một trong những quốc gia dẫn đầu về tái chế rác

Trong những năm gần đây, lượng rác thải tại Phần Lan đã giảm đi rõ rệt, dao động khoảng từ 2,4-2,8 triệu tấn mỗi năm. Tính theo đầu người, lượng rác thải đô thị đạt khoảng 500 kg/người. Lượng CTR tại các bãi chôn lấp giảm mạnh, tỷ lệ tái chế rác thải tăng cao, lượng chất thải được thu hồi để sản xuất năng lượng đang là phương pháp chiếm ưu thế. 99% chất thải đô thị được tái chế hoặc gửi đến lò đốt, sau đó tạo ra năng lượng. Ở quốc gia này, 9/10 chai nhựa được tái chế. Các món đồ bằng thủy tinh còn được tái chế nhiều hơn.

(Ảnh: Shutterstock)

5. Có nhiều cuộc thi thể thao kỳ lạ

Thể thao là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Phần Lan. Ngoài các môn thể thao nổi tiếng, đất nước này còn có các cuộc thi như cõng vợ, ném điện thoại di động, săn muỗi, chơi guitar không khí và ném boot.

6. Đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới trao cho mọi người dân quyền truy cập internet

Từ năm 2010, danh sách các quyền dân sự của Phần Lan có cả quyền truy cập internet. Chính phủ bắt buộc các nhà mạng phải cung cấp mạng internet tốc độ cao (băng thông rộng) cho người dân để họ làm việc hiệu quả hơn.

(Ảnh: Shutterstock)

7. Bố dành nhiều thời gian ở bên con cái hơn mẹ

Theo một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Phần Lan là quốc gia duy nhất trên thế giới mà các ông bố dành nhiều thời gian chăm sóc con hơn cả các bà mẹ. Cụ thể, thời gian chênh lệch này là 8 phút mỗi ngày. Đất nước này đã thông qua một số điều luật liên quan đến việc người bố nên dành nhiều thời gian chăm sóc con cái. Chẳng hạn, vì lý do con cái, người bố có thể nghỉ khoảng 9 tuần nhưng vẫn được nhận 70% tiền lương trung bình. Điều này biến Phần Lan thành nơi đầu tiên trên thế giới có những ông bố đóng vai trò lớn trong sự nuôi nấng con cái.

(Ảnh: Storyblock)

8. Phần Lan đứng thứ hai trong việc tiêu thụ cà phê trên thế giới

Theo Hiệp hội Cà phê Quốc tế (International Coffee Association), mỗi người Phần Lan tiêu thụ 12kg cà phê hàng năm. Giờ nghỉ giải lao (kahvitauko) ở công ty hoặc trường học là một nét văn hóa thiêng liêng của người Phần Lan. Họ luôn dành thời gian thoải mái và chuẩn bị đồ uống, đồ ăn nhẹ cho kahvitauko.

Ảnh: Shutterstock)

9. Ngôi làng ông già Noel

Ngôi làng nhỏ có tên Joulupukki (đây cũng là cách người Phần Lan gọi ông già Noel) mở cửa cho mọi người đến thăm ông già Noel quanh năm. Ông già Noel ở đây thậm chí còn có hộ chiếu, phần ngày sinh ghi là “đã từ lâu lắm rồi”, phần trạng thái hôn nhân là “đã kết hôn”. Vợ ông có tên Joulumuori (Bà già Giáng sinh).

Ảnh: Shutterstock)

10. Giáo dục miễn phí

Học sinh ở Phần Lan cần phải có kiến thức tốt về tiếng Anh và tiếng Phần Lan. Họ sẽ phải trải qua các kỳ thi quốc tế để được chứng nhận điều này. Công dân EU được học miễn phí tại các trường công. Nền giáo dục ở đất nước này được coi là một trong những nơi tốt nhất trên thế giới.

11. Triết lý của hạnh phúc: Sisu

Sisu là một từ khó diễn giải trong tiếng Phần Lan và không có từ tiếng Anh tương đương. Thuật ngữ này là sự pha trộn của lòng can đảm, sự dẻo dai, tinh thần bền bỉ và tính kiên trì – những phẩm chất giúp định hình nghệ thuật sống “vượt qua tất cả” của con người và đất nước Phần Lan. Khái niệm này đã phát triển thành một triết lý và trở thành một lối sống đặc biệt của họ trong thế kỷ 20. Tinh thần sisu không chỉ tồn tại trong trái tim mỗi người dân của xứ sở này, mà còn được thể hiện trong cuộc sống thường nhật nơi đây. Trẻ em ngay từ nhỏ đã được dạy sisu để hiểu rằng chúng có thể làm mọi thứ.

Ảnh: Shutterstock)

Còn một điều đặc biệt ở đất nước hạnh phúc nhất thế giới này là gần 90% người Phần Lan tin tưởng cảnh sát.

Theo Báo Tri thức

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *