Tin Tức Nước Úc – Mỗi ngày ở Úc, có một đạo quân ‘Daigou’ săn lùng những sản phẩm ‘Made in Australia’ theo yêu cầu và gửi về cho hàng triệu khách hàng ở Trung Quốc. Những người này là ai và họ mua những gì?
Họ được gọi là Daigou, theo tiếng Trung nghĩa là ‘mua hàng thay mặt’ ai đó. Và những người gốc Hoa đang ở Úc này đã góp phần làm trống những kệ hàng sữa bột trẻ em, các loại vitamin và thuốc bổ, và cả những thứ rất đời thường khác như Weet-Bix, cherry, thịt bò, sữa, và trứng…
Charlotte Wang, một phụ nữ trẻ sống ở Newcastle quyết định nghỉ học để làm Daigou. Mỗi ngày, công việc chính của cô là đi mua sắm cho hơn 100 khách hàng thường xuyên đang ở Trung Quốc.
Dùng app WeChat trên điện thoại, Charlotte Wang sẽ dẫn những khách hàng mới đang ở Trung Quốc cùng đi mua sắm và nhìn thấy món hàng khi còn nằm trên kệ ở Úc qua màn hình video chat.
“Khách hàng của tôi muốn cùng đi mua sắm ở Úc, để chắc chắn rằng tôi mua đúng những sản phẩm chính hiệu cho họ.
“Chúng tôi cho khách hàng biết chính xác địa điểm mình mua sắm, dù khách hàng đang ở Trung Quốc”, cô Wang nói trong chương trình ABC Lateline.
Sữa bột trẻ sơ sinh luôn đứng đầu
Sữa bột (sữa công thức cô đặc) cho trẻ sơ sinh luôn đứng đầu trong danh sách mua hàng của những Daigou ở Úc.
Hơn 53 ngàn trẻ sơ sinh ở Trung Quốc bị một trong các loại bệnh thận nghiêm trọng, 6 trẻ sơ sinh thiệt mạng, và 30 ngàn em khác bị suy thận và sỏi thận vì uống phải sữa bột nhiễm độc melamine năm 2008.
Các bậc phụ huynh Trung Quốc hiểu rõ những nguy hiểm rình rập con cái họ khi mua sữa bột do các công ty quốc nội sản xuất và có thể nói không còn niềm tin.
“Nhu cầu đối với sữa bột cho trẻ sơ sinh là khổng lồ, nhất là khi chính phủ Trung Quốc đã bãi bỏ chính sách một con năm 2015, nhiều phụ nữ Trung Quốc quyết định sinh đứa con thứ hai và đến lúc này đã sinh rồi.
“Họ không tin sữa bột trẻ sơ sinh và cả thuốc bổ như dầu cá sản xuất ở Trung Quốc. Khách hàng chỉ muốn mua từ ngoại quốc, nước nào cũng được”, cô Wang nói trong chương trình ABC Lateline.
Sophie He, một Daigou ở Sydney cho Fairfax Media biết, mỗi tuần cô gửi về Trung Quốc trung bình 60 hộp sữa bột cho trẻ sơ và 40 hủ vitamin hiệu Swisse, Blackmore, và Thompson cho khách hàng của mình.
Tương tự Vivian Xing, Daigou ở Melbourne cho Sydney Morning Herald biết, cô gửi về Trung Quốc khoảng 20 kg sữa công thức trẻ sơ sinh, và chụp hình lại khi mua hàng trong các tiệm như Chemist Warehouse hay Priceline để khách hàng yên tâm về nguồn gốc sản phẩm.
Cô Xing cũng cho biết thêm, khách hàng ở Trung Quốc sẽ đặt mua mỹ phẩm với Daigou đang làm việc ở Hong Kong và Hoa Kỳ, mua quần áo với Daigou ở Pháp. Và với Daigou ở Úc, sữa bột cho trẻ sơ sinh và các loại vitamin luôn đứng đầu danh sách.
Người Trung Quốc ăn kiểu Úc: Từ cherry đến Weet-Bix
Đơn hàng của các Daigou tại Úc đang chuyển mình với nhu cầu về thực phẩm Úc của khách hàng đang sống ở Trung Quốc ngày một nhiều hơn.
Đơn hàng trái cây và hải sản Úc ngày càng nhiều hơn khi thủ tục nhập cảng thực phẩm tươi sống khá đơn giản và nhanh ở Trung Quốc, chỉ trong vòng 72 tiếng, cherry, xoài, đào gửi từ Úc có thể đến tay khách hàng.
Cô Sophie He cho biết gần đây cô đã đi chợ mua hải sản và nhiều loại trái cây Úc trồng theo yêu cầu của khách hàng, tìm đến những dịch vụ nhận đóng thùng lạnh và vận chuyển đồ ăn tươi sống đến các tỉnh thành Trung Quốc.
Những người mua sắm chuyên nghiệp gửi về cho khách hàng của họ ở Trung Quốc cho biết, người Trung Quốc bị ám ảnh bởi đồ giả, nhất là khi nói đến thực phẩm.
Vậy nên các Daigou thường cố gắng tìm đến càng gần nguồn sản xuất thực phẩm càng tốt, để bảo đảm ‘đồ thật’ và ‘chính hiệu’ cho khách hàng của họ.
Nhưng như cô He nói, khó mà tìm ra nhà sản xuất nào chịu trực tiếp đóng thùng nhỏ lẻ gửi đi đến tận tay cho các khách hàng ở Trung Quốc.
Không chỉ những người mua sắm chuyên nghiệp cho khách hàng, những người Úc gốc Hoa cũng có nhu cầu tương tự, mua thực phẩm nuôi trồng ở Úc gửi về Trung Quốc làm quà tặng bạn bè và người thân.
Một phụ nữ gốc Hoa ở Sydney cho Fairfax Media biết, Tết vừa qua, cô đã gửi về gia đình 2kg cherry, tự mình mua và trả phí vận chuyển qua một dịch vụ, tổng cộng tốn $90 đô Úc.
Trước đó, cô đã vất vả tìm kiếm những nguồn bán cherry trực tiếp nhưng không có kết quả.
Theo Đài SBS