Home Tin Nước Úc Hàng ngàn người có tiền án tiền sự bị trục xuất khỏi nước Úc
Tin Nước Úc

Hàng ngàn người có tiền án tiền sự bị trục xuất khỏi nước Úc

(www.Alouc.com) – Một thanh tra Liên bang chỉ trích nặng nề Bộ di trú về việc trục xuất hàng loạt những người có tiền án tiền sự ra khỏi nước Úc và giam giữ những người này quá lâu sau trong trại tầm trú sau khi đã thi hành án xong.

>> Xem thêmNhững lỗi khiến du học sinh Việt bị trục xuất khỏi Úc

Trong hai năm qua, số lượng người bị trục xuất khỏi Úc vì lãnh án hình sự nghiêm trọng, tức là những người từng bị án tù trên 12 tháng, đã tăng lên gấp mười lần.

Những người New Zealand đang là trung tâm hướng đến của các chính sách trục xuất ngày càng gắt gao này.

Trong số hơn 1,200 người không có quốc tịch Úc và visa của họ bị hủy bỏ trong khoảng thời gian từ tháng Giêng năm 2014 đến tháng 2 năm 2016, thì có đến gần 700 người là công dân New Zealand, và 124 người đến từ Anh Quốc.

“Đây là một hình thức tàn ác mà chúng tôi đã dự đoán về hành động của Bộ Di trú và các bộ khác của lưỡng đảng từ 10 năm nay,” Luật sư Greg Barns

Thanh tra Liên bang Colin Neave đã chỉ trích cách xử lý của chính phủ liên bang trong việc hủy bỏ thị thực của người không phải là công dân Úc ở trong tù.

Ông nói Bộ Di Trú đã không giữ được lời hứa của mình, hủy bỏ thị thực của những người có án tù trước ngày họ mãn hạn ra tù.

Đề cập ở một trong hai bản phúc trình của mình, ông Neave nói, chính điều này đã dẫn đến sự phân ly kéo dài giữa các thành viên trong gia đình của những người này, khi mà những người có tiền án phải ở lại quá lậu trong các trại tầm trú sau khi họ mãn hạn tù ở Úc, trong khi các trường hợp này đang được định đoạt.

Báo cáo của ông Nevave nêu rõ vấn đề này.

“Sự chậm trễ trong việc đưa ra phán quyết với các yêu cầu hủy bỏ thị thực đã làm suy yếu chính sách của Bộ Di trú trong việc ưu tiên cứu xét đến lợi ích cao nhất của những người có con nhỏ và đã chia cách lâu với gia đình của họ,” báo cáo của Neave viết.

Thanh tra liên bang này cũng kêu gọi phải thiết lập các khung thời gian cứu xét tiêu chuẩn, tăng cường hợp tác tốt hơn giữa các cơ quan cấp tiểu bang và liên bang, cũng như ưu tiên cho những người còn mang trách nhiệm chăm sóc con cái.

Tội nhẹ cũng trục xuất

Trong bản phúc trình thứ hai của mình, thanh tra liên bang lưu ý đến những người bị hủy bỏ chiếu khán bắc cầu (Bridging Visa) vì các cáo buộc phạm tội, bị lãnh án hoặc có nguy cơ đe dọa xã hội.

Các điều tra viên đã nhận được những khiếu nại về một số người đang bị giam giữ trong trại tầm trú suốt một thời gian dài, thậm chí cả sau khi cáo buộc hình sự với họ đã bị thu hồi, hoặc họ được trắng án, đã bị phạt tiền hay có hành vi hối cải.

“Để bất ngờ từ chối trả tự do cho một mà chẳng dựa vào lý do nào ngoài một cáo buộc là người ta dính vào vụ hình sự nào đó, đặt ra một câu hỏi rằng liệu Bộ di trú có đang hành động sớm bằng cách hủy bỏ thị thực của người ta hay là Bộ đang không tuân thủ đúng tinh thần của dự luật mà họ giới thiệu.”

“Việc tiếp tục giam cầm những người thuộc diện này là không phù hợp và tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của họ,” báo cáo của Neave viết.

Sylvia Garaj đang sống ở Brisbane là người trong hoàn cảnh này vì bạn trai của cô, anh Daniel vừa bị trục xuất về New Zealand trong tháng này.

Cô Garaj cho hay, bạn trai cô đã bị kết án vì tội lái xe không có bằng và xe không đăng ký. Anh này đã ở tù 12 tháng và thuộc diện bị trục xuất theo luật pháp Úc.

Thế nhưng, chính điều này, theo cô Garaj đang gây rất nhiều khó khăn cho đời sống của cô và các con.

“Tôi đang phải vật lộn để mưu sinh vì không có thu nhập nào khác. Một mình tôi phải trả hết tất cả các hóa đơn.”

“Tôi không thể kham nổi. Chúng tôi phải tìm đủ mọi cách để mà tồn tại. Tôi đang phải bán đi những thứ gì có thể bán được để sống qua ngày.”

“Nhưng anh ấy không còn ở đây được để mà đỡ đần chúng tôi. Anh không có chút thu nhập nào hay bất cứ cái gì để mà giúp được gia đình,” cô Garaj nói.

Thanh Tra liên bang kêu gọi Bộ Di Trú cho những người này đủ thời gian và nguồn trợ giúp tư vấn pháp lý, để họ có thể biện hộ được cho trường hợp của mình nếu họ có phải đối mặt với việc bị hủy chiếu khán.

Chính sách “tàn bạo”?

Luật sư Greg Barns thì tin rằng đây là một chính sách tàn bạo, được áp dụng một cách bừa bãi và cho hay một số người bị trục xuất chỉ có tiền án về những tội rất nhẹ.

“Họ đang chia cắt những người cha khỏi những đứa con của mình, đẩy những người cha này đến đảo Christmas, và sau đó trục xuất họ về New Zealand.”

“Có những trường hợp, những người còn lại trong gia đình phải quay về New Zealand vì sức khỏe của người bị trục xuất rơi vào tình trạng rất xấu.”

“Đây là một chính sách tàn bạo, đó là một chính sách đã bị phản đối kịch liệt bởi các Đảng Lao động New Zealand và đảng Xanh ở New Zealand,” ông Barns nói.

Ông Barns cũng nói thêm rằng, một số trường hợp là những người cao niên, họ bỗng nhiên mất đi người chăm sóc chính sau khi con cái họ bị trục xuất khỏi Úc.

“Tôi biết một số ví dụ về những người chăm sóc cho cha mẹ của họ, những người này bị trục xuất về New Zealand và tình trạng của cha mẹ họ hiện nay đang rất tồi tệ, họ phải tìm người chăm sóc khác.”

“Đây là một hình thức tàn ác mà chúng tôi đã dự đoán về hành động của Bộ Di trú và các bộ khác của lưỡng đảng từ 10 năm nay.”

>> Xem thêmNhững câu chuyện buồn về các trường hợp bị trục xuất khỏi nước Úc

“Tôi có thể nói rằng ở New Zealand, người ta rất bàng hoàng, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông New Zealand về cách thức mà chính phủ Úc xử lý với chính sách này,” ông Barns nói.

Trong khi đó, Chính phủ Liên bang đã bảo vệ các biện pháp trục xuất ngày càng gắt gao này và khẳng định không có gì để xin lỗi cho cái mà họ gọi là nỗ lực để tiếp tục bảo vệ người dân Úc.

Theo SBS

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...