Một văn bản được quản lý của chuỗi nhà hàng Ribs & Burgers gửi ra cho nhân viên, trong đó ghi rõ việc nói ngôn ngữ khác không phải tiếng Anh tại chỗ làm là điều “đáng kinh tởm”, “thiếu tôn trọng” và “không được dung thứ”.
Chuỗi nhà hàng Ribs & Burgers cho biết họ đang điều tra một văn bản đang được nhân viên chia sẻ, trong đó có ghi rằng việc nói một ngôn ngữ nước ngoài không phải tiếng Anh tại nơi làm việc là “điều đáng kinh tởm” và đe dọa sẽ có hành động cho những ai không tuân theo.
Văn bản này được chia sẻ trong nhóm các nhân viên quản lý của chuỗi nhà hàng trên ứng dụng Whatsapp.
Văn bản được gửi ra từ một đại diện cấp cao của công ty ở NSW, nói rằng ông có một “nhiệm vụ không may” là phải nêu ra vấn đề này sau khi nhận được 4 báo cáo từ các nhà hàng khác nhau.
Văn bản có ghi rằng việc nhân viên nói ngôn ngữ khác không phải tiếng Anh là “đáng kinh tởm” và “thiếu tôn trọng”, và “đi ngược lại hoàn toàn văn hóa của Seagrass là #cùng với nhau (#togetherness)”.
“CẢNH BÁO: VIỆC NÓI NGÔN NGỮ MẸ ĐẺ SẼ KHÔNG ĐƯỢC DUNG THỨ,” đồng thời kêu gọi những nhà quản lý “phải chấm dứt” và “xử lý chuyện thường xảy ra này bằng kỷ luật ngay lập tức.”
Cách thức cụ thể của “xử lý theo kỷ luật” là gì thì không thấy có giải thích.
Chuỗi nhà hàng Ribs & Burgers bao gồm 12 chi nhánh ở NSW, do Tập đoàn Seagrass Boutique Hospitality của Nam Phi chủ quản. Tập đoàn này cũng đang điều hành nhiều nhà hàng nhượng quyền có tiếng ở Úc.
Đại diện quan hệ truyền thông của Tập đoàn Seagrass cho SBS Arabic24 biết văn bản này đang được điều tra.
“Chúng tôi đang điều tra khẩn cấp, chúng tôi có thể xác nhận ngay rằng việc thông tin kiểu này không phản ánh văn hóa hay chính sách và tập quán về nhân sự của chúng tôi,” người phát ngôn nhân nói.
“Chúng tôi rất tự hào về văn hóa của công ty, đặc biệt là nơi làm việc đa văn hóa, đa dạng và không phân biệt.”
Darren (tên nhân vật đã được đổi), một nhân viên lâu năm của Ribs & Burgers, cho biết ông bị sốc khi đọc được dòng tin nhắn cùng với những nhân viên khác.
“Làm sao mà việc cấm nhân viên nói ngôn ngữ riêng của họ với người khác lại phù hợp với văn hóa #cùng với nhau được,” ông nói, và nói thêm rằng nhân viên không bao giờ giao tiếp với khách hàng bằng ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh, nhưng đôi khi nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.
Darren ước tính phần lớn nhân viên trong chuỗi nhà hàng đều đến từ các quốc gia khác nhau, có nền tảng văn hóa và ngôn ngữ khác nhau.
“Chúng tôi cho rằng văn bản đó khá kỳ cục nhưng chúng tôi không thể làm gì hơn vì sợ bị trừng phạt,” ông nói.
Ông xác nhận ông đã nói chuyện với các nhân viên khác về hướng dẫn trên để nhắc mọi người không nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ.
“Con người có quyền nói tiếng mẹ đẻ”
Theo Bộ Làm việc Công bằng, việc kỳ thị nơi làm việc được định nghĩa là khi một chủ nhân “có hành động chống lại nhân viên” dựa trên sắc tộc, màu da, chủng tộc hoặc nguồn gốc xã hội, và nhiều tiêu chuẩn khác.
Thành viên Hội đồng Quốc gia Nghiệp đoàn United Workers, ông Gamal Babiker nói rằng các doanh nghiệp có trách nhiệm tôn trọng “nguồn gốc đa dạng văn hóa, sắc tộc và ngôn ngữ” của nhân viên.
“Hình thức kỳ thị này cực kỳ nguy hiểm và cho thấy sự thiếu tôn trọng với sự đa văn hóa của nước Úc.
“Mọi người đều có quyền nói tiếng bản xứ của họ.”
Ông Babiker nói thêm
“Tôi có thể hiểu chính sách nếu như nhân viên nói chuyện với khách hàng bằng ngôn ngữ khác tiếng Anh, nhưng giữa nhân viên với nhau thì đó là quyền riêng tư cần được bảo vệ.”
SBS Arabic24 đã liên lạc với ban truyền thông của nhà hàng để có thêm nhận định.
Theo SBS
Leave a comment