Cô gái giữ vai trò trưởng nhóm người mẫu – và là người tuyển mộ đồng nghiệp tham gia buổi quay MV – đã cầu xin nhóm tay súng để mình gánh chịu cực hình thay các nạn nhân khác.
Khi 8 người mẫu trẻ tuổi tham gia buổi quay MV vào sáng 28/7, họ rất phấn khích. Đại dịch Covid-19 đã khiến họ không có việc làm trong suốt thời gian dài, thế nên việc được lựa chọn biểu diễn trong một video ca nhạc khiến ai cũng hồ hởi.
Thực ra thù lao cũng chẳng đáng bao nhiêu – gần như là làm miễn phí – nhưng số tiền ít ỏi không khiến họ bận lòng bởi điều quan trọng hơn cả là cơ hội. Đây có lẽ là cơ hội họ đang chờ đợi, khi sự nghiệp cuối cùng sẽ cất cánh.
Thế nhưng, chẳng có cú bứt phá may mắn nào. Thay vào đó, buổi sáng cuối tháng 7 này hóa ra lại trở thành ngày khủng khiếp nhất trong cuộc đời họ.
Ngày khủng khiếp nhất
Nam Phi vốn là quốc gia khắc nghiệt với nữ giới. Đây là một trong những quốc gia có tỷ lệ bạo lực tình dục cao nhất thế giới. Và vào buổi sáng thứ năm cuối cùng của tháng 7 đó, thêm 8 cái tên đã được đưa vào danh sách không ngừng nối dài của những nạn nhân bị cưỡng hiếp.
Bốn nạn nhân trong vụ việc đã can đảm chia sẻ câu chuyện đau đớn của mình cho CBS News. Những người mẹ đi cùng các nạn nhân trẻ tuổi này đã phải cố kìm nước mắt khi nghe con kể lại vụ việc kinh hoàng. CBS News đã thay đổi tên của các cô gái trong cuộc phỏng vấn để bảo vệ danh tính nạn nhân.
Vào sáng 28/7, đoàn làm phim gồm 22 người đang quay tại một khu mỏ bỏ hoang ở Krugersdorp, gần Johannesburg. Khi đoàn đang quay nốt cảnh cuối cùng – một nhóm đàn ông có vũ khí xông vào phim trường và yêu cầu mọi người nằm mặt áp xuống đất, hai chị em Bontle và Amanda kể lại.
Trong lúc chia sẻ với nhà báo của CBS News, Bontle và Amanda thường phải đỡ lời cho nhau trong từng câu khi người còn lại đang quá nghẹn ngào vì đau khổ, không thể nói hết câu.
Giới chức trách đột kích và bắt giữ các thợ mỏ bất hợp pháp hôm 3/8 ở Krugersdorp, Nam Phi sau vụ 8 phụ nữ bị nhóm tay súng nam giới cưỡng hiếp tại khu mỏ bỏ hoang. Ảnh: AFP.
“Một số người trong chúng tôi đã cố gắng bỏ chạy”, Bontle, 19 tuổi, chia sẻ. “Nhưng mọi người biết đấy, chúng tôi đã không thể chạy được vì họ nổ súng”.
“Những người đàn ông tràn ra khắp nơi”, người chị gái Amanda kể. “Họ đến ngày càng đông, có thể 15 người hoặc nhiều hơn”.
Nhóm đàn ông mặc áo ba lỗ bao vây các người mẫu. Họ ép tất cả phụ nữ nằm úp mặt xuống cái hố sâu. Những nam giới trong nhóm quay phim bị lột trần và giam giữ ở một nơi khác.
Đầu tiên mọi người đều bị cướp mất điện thoại và tiền mặt. Sau đó, vụ cưỡng hiếp tập thể diễn ra.
“Ông ta nói sẽ giết tôi nếu tôi không nghe lời”
Các nạn nhân nói với CBS News rằng nhóm tay súng đã lần lượt tấn công tình dục với tất cả 8 phụ nữ. Họ trải qua hơn ba giờ địa ngục trước khi nhóm đàn ông bỏ trốn.
Bontle kể lại: “Chúng tôi đã khóc. Các cô gái gào thét khi bị cưỡng hiếp”.
Bontle tiếp lời: “Mọi chuyện xảy ra ngay trước mặt chúng tôi. Có một cô gái khác, nhóm đàn ông cưỡng hiếp cô ấy trước mắt chúng tôi”.
Những người đàn ông đã dọa sẽ bắn nếu nạn nhân kháng cự.
“Ông ta nói sẽ giết tôi nếu tôi không nghe lời”, Amanda kể lại. “Và rồi tôi buông xuôi, vì không có lựa chọn nào khác. Ông ta đưa tôi đến một nơi, dường như… cạnh một cái hố”.
Nói tới đây, Amanda bật khóc, và cô nức nở không nói nên lời, đôi mắt mở to thể hiện sự kinh hoàng tột độ. Cố cố gắng tìm lời diễn đạt khi nhớ lại cảnh bản thân bị chôn sống.
Các thành viên Quốc hội Nam Phi biểu tình bên ngoài Tòa án Sơ thẩm Krugersdorp, ngày 3/8 ở Krugersdorp, Nam Phisau vụ 8 phụ nữ bị nhóm tay súng nam giới cưỡng hiếp tại khu mỏ bỏ hoang. Ảnh: AFP.
Bontle bị kéo lê tới một địa điểm khác và nhóm đàn ông cưỡng hiếp cô hai lần. Khi người đàn ông thứ ba chạm vào Bontle, cô đã nghĩ mình sẽ chết.
“Tôi thấy ông ta sẽ cưỡng hiếp tôi. Tôi đã nói: ‘Tôi đang chảy máu, tôi không thể’. Tôi đã nói dối rằng mình đang bị sẩy thai”, Bontle kể lại.
Sau đó, nhóm đàn ông đưa Bontle trở lại một cái hố và bỏ cô lại một mình ở đó.
Trong khi những người phụ nữ bị tấn công, Zintle – một người bạn của chị em Bontle và Amanda – đã leo được lên cây và trốn trong khoảng một giờ. Khi không còn nghe thấy tiếng gì nữa, Zintle nhảy xuống nhưng bị một tay súng túm lấy và hãm hiếp cô.
Anita cầu xin nhóm đàn ông hãy để cô hứng chịu thay tất cả
Anita, 26 tuổi, trưởng nhóm người mẫu và là người đã tuyển mộ bạn bè tham gia quay MV. Cô không ngừng tự giày vò bản thân với cảm giác tội lỗi tột độ, tự trách bản thân về những gì đã xảy ra.
Khi các đồng nghiệp bị nhóm đàn ông tấn công tình dục, Anita thậm chí đã cầu xin họ hãy để cô hứng chịu thay tất cả.
“Tôi cầu xin họ đừng động vào bất kỳ phụ nữ nào”, cô nói. “Nếu phải chịu đựng nỗi cực hình đó thì hãy nhằm vào tôi”.
Nhưng không ai thoát được và Anita cũng bị hãm hiếp tập thể nhiều lần.
Đối với Anita, vụ tấn công tình dục này đã khoét lại những vết thương cũ. Cô trải lòng với CBS News rằng bản thân từng bị cưỡng hiếp khi còn là một thiếu niên, và nay cơn ác mộng đó lại tái diễn.
“Lại bị cưỡng hiếp một lần nữa, tôi giống như chìm vào hoảng loạn, tự hỏi tại sao tôi còn sống trên thế giới này? Tôi ra đời hay bị đẩy vào thế giới này để trở thành một nạn nhân hiếp dâm? Và mỗi khi tôi cố gắng làm điều gì đó tốt đẹp, nỗi đau đó lại kéo tới…”, Anita chia sẻ và dừng lại giữa chừng vì không thể nói tiếp. Tiếng khóc nức nở của cô tràn ngập khắp căn phòng.
Giới chức trách đột kích và bắt giữ các thợ mỏ bất hợp pháp hôm 3/8 ở Krugersdorp, Nam Phi sau vụ 8 phụ nữ bị nhóm tay súng nam giới cưỡng hiếp tại khu mỏ bỏ hoang. Ảnh: AFP.
Khi nhóm tay súng bỏ trốn khỏi hiện trường, các nạn nhân dù đang bầm dập và đau đớn vẫn cố gắng tới đồn cảnh sát để trình báo.
Và rồi, họ lại bị giáng thêm một cú đòn thứ hai. Tên và địa chỉ của họ bị rò rỉ trên mạng xã hội.
Anita tuyệt vọng tột cùng.
Cô nói: “Tôi chỉ nghĩ tại sao tôi không chết? Ý tôi là tôi còn sống làm gì. Tôi đã bị giết thêm một lần nữa. Tôi đã bị giết một lần, bị tước đi sự ngây thơ, sự trong sáng của mình. Và bây giờ họ muốn tôi chết cả về thể xác, khiến tôi không thể đi ra ngoài, chẳng thể hít một hơi trong lành mà không bị hàng xóm nhìn ngó, dò xét sự tuyệt vọng của tôi…”.
Theo truyền thống, tháng 8 thường là tháng Nam Phi tưởng nhớ cuộc chiến đấu anh hùng của phụ nữ nước này chống lại nạn phân biệt chủng tộc. Nhưng trớ trêu thay, đang không có nhiều thứ để ăn mừng. Nó đã trở thành một tháng đau buồn.
Cứ 12 phút lại có một phụ nữ bị cưỡng hiếp ở nước này – và đó chỉ là những trường hợp được trình báo với chính quyền.
Người biểu tình bên ngoài tòa án Krugersdorp hôm 1/8 giữa lúc giận dữ dâng cao vì vụ cưỡng hiếp rúng động. Ảnh: AP.
Vụ hiếp dâm tập thể chấn động nói trên đã một lần nữa xoáy sâu vào vấn nạn bạo lực giới ở nước này. Vụ việc đang gây phẫn nộ và phản đối gay gắt khi nhiều người cho rằng các chính sách liên quan không hiệu quả.
Người ta cho rằng các nghi phạm trong vụ tấn công không nói tiếng Nam Phi. Cảnh sát đã vây bắt hơn 120 người đàn ông, tất cả đều là người nhập cư bất hợp pháp. Không ai bị buộc tội hiếp dâm. Các nhà chức trách tuyên bố họ sẽ kiểm tra ADN của nghi phạm để xem có trùng khớp với bằng chứng thu thập được từ các nạn nhân hay không.
Lisa Vetton, một nhà nghiên cứu tại dự án Bạo lực giới và Chuyển đổi Đô thị của Đại học Johannesburg, cho rằng hệ thống tư pháp hình sự đang bỏ rơi phụ nữ.
Bà nói với CBS News: “Mọi người có thể thấy trong thập kỷ qua, số vụ hãm hiếp bị kết án, dẫn đến bị truy tố, đã suy giảm như thế nào. Nếu nhìn vào điều đó thì nạn nhân khó có động lực đi trình báo (khi bị hãm hiếp)… Tại sao phải vượt qua biết bao vấn đề để đi trình báo khi không có gì đảm bảo rằng bạn sẽ tìm được công lý”.
Các thành viên ActionSA biểu tình bên ngoài Tòa án Sơ thẩm Krugersdorp, ngày 3/8 ở Krugersdorp, Nam Phisau vụ 8 phụ nữ bị nhóm tay súng nam giới cưỡng hiếp tại khu mỏ bỏ hoang. Ảnh: AFP.
Kể từ khi vụ tấn công xảy ra, những phụ nữ trẻ mà CBS News phỏng vấn đã phải sống trong sợ hãi. Anita nói rằng cô thức dậy mỗi đêm với cảm giác như “ai đó đang nắm lấy cánh tay của tôi, và tôi cảm thấy mùi của người đã cưỡng hiếp tôi”.
Các cô gái nói rằng họ giật bắn lên mỗi khi nghe thấy tiếng súng và lo lắng bây giờ tên của họ đã bị rò rỉ, những kẻ tấn công họ sẽ tìm cách trả thù.
“Chúng tôi không biết phải làm gì nữa. Chúng tôi sợ hãi cuộc sống – không chỉ cuộc sống của chúng tôi, mà cả cuộc sống của gia đình vì tất cả đều không an toàn”, Bontle khắc khoải.
Đối với những nạn nhân này, giống như hàng nghìn phụ nữ ở Nam Phi, rất lâu sau khi tổn thương về thể chất lành lại, những vết sẹo cảm xúc sẽ vẫn ở đó.
Theo Zingnews.vn
Leave a comment