Trong cảm nhận của tôi, đêm Giáng sinh đối với người Úc cũng gần giống như đêm 30 tết Âm lịch của Việt Nam.
Hầu hết mọi cửa hàng, dịch vụ đều đóng cửa sớm trong ngày giáng sinh, ngay cả hiệu xăng cũng đóng cửa. Vào trung tâm thành phố chơi chỉ có đèn đường trang trí lấp lánh, người đi chơi chủ yếu là người nước ngoài tò mò đi xem Giáng sinh nước Úc. Và nếu có ai mong chờ đêm giáng sinh ở Úc để ra đường hòa vào dòng người đông đúc đón lễ giáng sinh như ở Hà Nội thì người đó sẽ phải thất vọng vì có lẽ người dân bản địa ở Úc ít khi đón Giáng sinh ngoài phố.
Phải được trực tiếp đón giáng sinh ở một gia đình người Úc mới thấy được sự ấm cúng, thiêng liêng của Lễ Giáng sinh. Nó tạo cho tôi một cảm giác thiêng liêng như một điều lớn lao đang diễn ra, giống như trải qua thời khắc giao thừa ở Việt Nam. Và tôi thật may mắn đã được dự một lễ Giáng sinh như thế.
Tôi được mời đến đón Giáng sinh ở nhà một người bạn. Trước khi đến đã được giải thích rằng, truyền thống của đại gia đình người bạn đó là mỗi năm tổ chức giáng sinh luân phiên ở một nhà, và gia đình đăng cai sẽ chuẩn bị mọi thứ để đón tất cả những gia đình họ hàng cùng với một vài người bạn thân đến chơi, với tổng số lên tới 30, 40 người.
Theo truyền thống thì bữa tiệc Giáng sinh sẽ là bữa trưa, nhưng thời tiết quá nóng vào giữa mùa hè nước Úc đã khiến nhiều gia đình chuyển sang bữa tối (và một số gia đình khác còn tổ chức thêm 1 lễ Giáng sinh vào tháng 7 – Christmas in July để hưởng không khí lạnh vào lễ Giáng sinh). Bữa tiệc giáng sinh bắt đầu bằng ly champagne lạnh nhẹ nhàng, và những món khai vị như tôm xiên. Bữa ăn chính không thể thiếu món gà tây và nhiều món salad của Úc. Tráng miệng có một món truyền thống rất đặc biệt, được một người họ hàng gửi từ bang Victoria sang, đó là món plum pudding (bánh pudding mận), ăn cùng kem tươi. Nghe bạn tôi giới thiệu là phải đun tới 6, 7 tiếng đồng hồ và có thể giữ được vài tháng.
Màn truyền thống trẻ em (và cả người lớn nữa) yêu thích là Ông già Noel và Bà già tuyết (do ông bà chủ nhà đóng vai) vác hai túi quà lớn đến tặng mọi người. Lần lượt ai cũng có quà được ghi sẵn tên, và ai cũng có dịp ngồi lên đùi ông già Noel để chụp ảnh kỷ niệm.
Rồi người lớn ngồi nói chuyện hỏi thăm nhau, trong khi trẻ em háo hức ra vườn chơi với những món quà vừa được tặng và những vòng tay phát sáng vừa được mang đến. Bọn trẻ rất sáng tạo, làm thành vòng tay, vòng cổ, rồi vương miện đội trên đầu, cây kiếm, vvv.
Kết thúc một ngày lễ vui vẻ và ai cũng lái xe về một cách an toàn bởi đồ uống tuy rất nhiều, có thể lựa chọn uống bia, rượu, champagne hay nước ngọt, nhưng hầu như mọi người không uống nhiều, có thể cụng ly nhưng không ai ép ai uống. Và ai cũng chọn đồ uống và rót ra đủ để mình uống hết, không hề có việc đổ đi lãng phí. Hầu như chỉ có những người ngủ lại hoặc đi cùng xe do người khác lái mới uống rượu bởi mọi người ý thức được mình phải lái xe về. Vào những dịp lễ tết như này rất dễ gặp cảnh sát trên đường kiểm tra nồng độ cồn, việc bắn tốc độ cũng diễn ra thường xuyên hơn và nếu vượt quá tốc độ trong những ngày lễ thì mức phạt nặng gấp đôi so với ngày thường.
Và hứng khởi nhất là những em bé được Ông già Noel tặng quà Giáng sinh, cậu bé ngồi bên cạnh tôi cứ thắc mắc “Làm sao Ông già Noel biết được con thích bóng đá để tặng con quả bóng?” Cậu được giải thích rằng ông già Noel biết hết, và chỉ tặng quà cho những trẻ ngoan thôi. Đó như là một cách nuôi dưỡng ước mơ cũng như tâm hồn của trẻ nhỏ bởi việc được ông già Noel hiện lên tặng quà như một giấc mơ trở thành hiện thực, làm động lực để trẻ phấn đấu và là một cách hướng trẻ đến cái thiện, cái đẹp.
By Nguyễn Thị Thu Hường
ALA scholar
PhD Candidate in Public Policy
Curtin University
Báo Úc – Alouc.com sưu tầm