Home Nghệ Thuật Làng quê Việt trong tranh các danh họa thế kỷ 20
Nghệ Thuật

Làng quê Việt trong tranh các danh họa thế kỷ 20

Khung cảnh làng quê Bắc Bộ, vùng ven Sài Gòn ở thế kỷ 20 được các tác giả khắc họa bằng sơn mài, sơn dầu và lụa.

Sotheby’s tổ chức phiên đấu giá trực tuyến “Indochine” hồi cuối tháng 4, dành riêng cho các tác phẩm của Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20. Trong đó, nhiều tranh của các danh họa xuất thân Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Bức sơn mài trên bảng gỗ “Phong cảnh miền Bắc Việt Nam”, kích thước 114 x 70 cm, mô tả hình ảnh ba người nông dân ngồi bên cánh đồng lúa, phía xa là ngôi nhà ẩn dưới chân núi. Những bụi tre, chuối vàng ở tiền cảnh kết hợp tinh tế với ngọn núi màu nâu sẫm ở hậu cảnh, tạo bố cục cân bằng.

Theo Sotheby’s, tác phẩm được thực hiện vào khoảng năm 1930-1940, thời kỳ hoàng kim của Mỹ thuật Việt Nam. Tranh không được ký tên, nhiều khả năng là một trong các tác phẩm của sinh viên được triển lãm hàng năm tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tranh sử dụng kỹ thuật chiaroscuro để ghép nối các vùng tối – sáng, có thể được so sánh với tác phẩm của Nguyễn Văn Tỵ, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Tiến Chung. “Khung cảnh thanh bình, nên thơ khiến xua tan muộn phiền. Tác phẩm là minh chứng cho kỹ thuật sơn mài hoàn hảo”, nhà đấu giá viết. Tranh được bán ở mức 94.500 euro (2,3 tỷ đồng).

Bức sơn mài trên bảng gỗ “Cảnh du lịch ở Bắc Kỳ”, kích thước 61,3 x 120,5 cm, được thực hiện vào những năm 1940. Tác phẩm ký tên Lê Thy ở phía dưới bên trái, mô tả hai phụ nữ mặc áo tứ thân, đội nón, quảy quang gánh và một người kéo xe ngựa, xung quanh là đồi núi, cây cối và những ngôi nhà nằm rải rác phía xa. Tranh sử dụng ba tông màu chủ đạo là nâu, vàng và đen quen thuộc trong sơn mài. Tranh được bán giá 17.640 euro (gần 427 triệu đồng).

Lê Thy tên thật Trần Minh Thi (1919-1961), là một trong những tên tuổi lớn trong nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Tranh của họa sĩ từng góp mặt trong nhiều triển lãm tại Rome, Milan (Italy), Paris (Pháp), Manila (Philippines)…

Sơn mài “Cảnh làng quê Bắc Bộ”, kích thước 26,5 x 38 cm, của họa sĩ Đinh Minh sáng tác khoảng những năm 1950. Tranh khắc họa khung cảnh một buổi chiều, khi người dân dắt trâu từ đồng về. Chính giữa là ngôi nhà lá nằm nép mình dưới những tán tre, bao quanh là các loại cây. Tác phẩm bán giá 5.670 euro (137 triệu đồng).

Đinh Minh (1923-2004), tên thật là Đinh Xuân Minh, tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông nổi tiếng với các tác phẩm về phong cảnh, đời sống nhân dân lao động miền Bắc.

Bức “Trên cánh đồng lúa”, ký tên Thành Lễ góc phải, ra đời vào khoảng những năm 1960. Sử dụng chất liệu sơn mài trên bảng, họa sĩ khắc họa khung cảnh ngày mùa ở làng quê Việt Nam. Tiền cảnh là bốn phụ nữ đang cấy lúa, góc phải là người đàn ông đang dắt trâu đi bừa, góc trái người phụ nữ quảy quang gánh trên bờ. Phía xa sau cánh đồng là nhà dân nằm rải rác. Theo nhà đấu giá, tác phẩm được nhà sưu tập người Pháp mua trong cuộc triển lãm của Thành Lễ ở Paris những năm 1960.

Thành Lễ tên thật là Nguyễn Thành Lễ (1919-2003), là một trong hai người sáng lập Xưởng sơn mài Thanh & Lễ vào năm 1943 tại Bình Dương, cùng Trương Văn Thanh.

Bức sơn mài “Làng bên sông” được họa sĩ Trần Hà thực hiện vào khoảng năm 1960, mô tả cuộc sống thường ngày của người dân. Trên chiếc thuyền, người chồng đứng ở mũi còn vợ ở phía sau làm việc. Một người phụ nữ gánh hàng bước trên chiếc cầu gỗ bắc ngang sông ở góc trái. Tiền cảnh là bên này sông với hàng dừa, cây cỏ còn hậu cảnh là bên kia bờ – đông đúc nhà cửa, nơi người dân sống. Sơn mài được phủ lớp màu rực rỡ với tông vàng chủ đạo. Họa sĩ dùng màu trắng vỏ trứng khắc họa mái nhà, mái thuyền làm điểm nhấn.

Trần Hà, tên thật Trần Văn Hà (1911-1974), quê ở Tây Ninh nhưng sống, làm việc chủ yếu ở Sài Gòn. Ông tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa bốn (1930-1935). Thời bấy giờ, tác phẩm của ông có mặt tại nhiều triển lãm, phòng trưng bày trong và ngoài nước.

Tranh sơn dầu trên vải “Phụ nữ gánh củi”, ra đời năm 1934 của Nguyễn Mai Thu được bán giá 11.340 euro (274 triệu đồng). Họa sĩ mô tả hai phụ nữ còng lưng gánh củi đi trước và một người quang gánh theo sau, trên con đường đất ngoằn nghèo. Bên phải là bãi cỏ, phía xa là cây cối và những ngôi nhà – khung cảnh quen thuộc của vùng nông thôn miền Bắc. Gam màu nâu đất được pha trộn với sắc độ đậm nhạt tạo vẻ mộc mạc, xưa cũ.

Theo Lot-art, Nguyễn Mai Thu sống ở thế kỷ 20 tại Hà Nội, có thể là sinh viên lớp dự bị của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

“Cảnh làng quê Bắc Bộ” của họa sĩ Trần Văn Thọ chất liệu mực và màu trên lụa, kích thước 46 x 32 cm, được thực hiện vào khoảng những năm 1950. Tranh lấy ngôi nhà sàn làm trung tâm, mô tả khung cảnh sinh hoạt đời thường với người phụ nữ mặc trang phục truyền thống đang đi phía trước, bên phải là hai người đang làm việc và bên trái là ngựa và xe kéo. Hậu cảnh là đồi núi, tạo chiều sâu cho tác phẩm. Họa sĩ dùng màu trắng, xanh, nâu đen sắc nhạt mang cảm giác nền nã tiêu biểu trong tranh lụa. Tranh có chữ ký “Văn Thọ” và con dấu của họa sĩ, được bán giá 9.450 euro (229 triệu đồng).

Trần Văn Thọ (1917-2004) tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông ghi dấu trong sự nghiệp với loạt tác phẩm tranh lụa.

Hai bức sơn dầu “Hai khung cảnh vùng ven Sài Gòn” của Trần Văn Giang vẽ khoảng những năm 1960. Họa sĩ tái hiện khung cảnh ngôi nhà bên bờ sông với sắc xanh làm chủ đạo, nhấn nhá sắc vàng cam. Thông tin về họa sĩ không được nhà đấu giá nêu rõ.

Bức sơn dầu trên vải “Những người bán hoa ven hồ Hoàn Kiếm” được sáng tác năm 1936, ký tên Phung Fu, bán giá hơn 191 nghìn USD (hơn 4,3 tỷ đồng).

Theo VnExpress.net

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

Trương Đại Thiên – họa sĩ tỷ USD

Trương Đại Thiên được mệnh danh “Ông hoàng hội họa Trung Quốc”...

Bức tranh “Mẹ và con” giá 13 tỉ đồng

Tác phẩm tranh “Mẹ và con” của họa sĩ Lê Thị Lựu...