Bệnh ung thư gan tiến triển thầm lặng, ban đầu không có triệu chứng. Sau đó xuất hiện các triệu chứng khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn như cảm giác ăn không ngon, khó tiêu, mệt, nặng ở dưới bờ sườn bên phải. Giai đoạn trễ thường có các triệu chứng như bụng trướng nước, không thèm ăn, mệt mỏi, vàng da… Bệnh nhân đến gặp bác sĩ thường khi bướu đã lan rộng.
PGS.TS Trần Đình Hà – Phụ trách Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (YHHN&UB), Bệnh viện Bạch Mai cho biết:
“Các bác sĩ đã xác định, đối với ung thư gan nguyên nhân hàng đầu là do virus viêm gan B hoặc C. Trên 80% bệnh nhân ung thư gan là do tiến triển từ viêm gan virus B, khoảng 5% bệnh nhân ung thư gan được xác định là do virus viêm gan C. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như tiến triển từ xơ gan, tổn thương gan do lạm dụng rượu bia, các độc tố có trong thực phẩm mà chúng ta ăn phải hàng ngày…”
Để phòng tránh căn bệnh ung thư này, chúng ta nên lưu ý tránh xa các loại thực phẩm có khả năng gây ung thư gan dưới đây.
Thức ăn bị mốc: Chất aflatoxin trong thức ăn bị mốc có thể gây ung thư gan, thời gian phát bệnh rất nhanh, chỉ trong vòng 24 tuần. Vì vậy cần bảo quản thức ăn cẩn thận, khi thấy bị mốc cần bỏ ngay, đặc biệt là đậu nành, lạc, khoai lang, mía, dầu đậu phộng. Đừng cố tái sử dụng những chất dễ gây hại cho cơ thể nếu bạn là bà nội trợ thông minh.
(Ảnh minh họa)
Thực phẩm chứa lượng muối cao: Ăn thực phẩm chứa hàm lượng muối cao góp phần làm trầm trọng thêm các triệu chứng của ung thư gan. Chính vì vậy, khi chế biến thức ăn, bạn nên chế biến món ăn nhạt hoặc nêm cho vừa miệng. Ngoài ra, dưa cà muối chua không những mặn mà có chứa một lượng nitrosamine cao được chứng minh gây ung thư gan, do vậy tốt nhất không ăn đồ muối chua hoặc ăn hạn chế.
Loại bỏ các chất béo trong chế độ ăn hàng ngày: Tránh ăn các thức ăn quá nhiều đạm, chất béo vì chúng khiến gan phải làm việc vất vả hơn. Ngoài ra nên giảm tiêu thụ bơ thực vật và hạn chế tiêu thụ dầu thực vật.
Tránh ăn đêm: Thói quen ăn đêm khiến gan bị làm việc quá tải. Vì thế nếu muốn gan khỏe mạnh và không mắc các bệnh về gan, nên hạn chế ăn ba giờ trước khi đi ngủ.
Hạn chế tiêu thụ đường: Hãy hạn chế tiêu thụ đường tinh chế và tránh chất ngọt tổng hợp để bảo vệ sức khỏe của gan.
Dầu, mỡ biến chất: Dầu mỡ để lâu sinh ra chất hóa học MDA, có thể tạo ra polime phản ứng với protein và DNA trong cơ thể, gây đột biến cấu trúc protein, làm cho tế bào đột biến thành tế bào ung thư. Vì vậy, các chuyên gia khuyên khi sử dụng dầu thực vật và mỡ động vật không nên lưu trữ quá lâu, đặc biệt không sử dụng dầu mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần.
Đồ ăn giàu protein: Các loại thực phẩm quá giàu protein đều không có lợi cho gan, gây tích tụ các chất thải độc hại ở gan nói riêng và cơ thể bạn nói chung. Vì vậy, với một số thức ăn giàu protein có thể kể đến như trứng, cá, sữa, thịt, gia cầm,… người bệnh nên sử dụng với mức độ vừa phải. Nếu bạn lo lắng về việc người bệnh thiếu protein, bạn có thể thay thế những thực phẩm trên bằng các loại đậu để đảm bảo dinh dưỡng với lượng protein vừa phải cũng tốt cho sức khỏe.
Rượu bia: Bia rượu chính là một trong những tác nhân gây ung thư gan vì chất cồn trong bia rượu khiến gan phải chịu tổn thương nặng nề để đào thải chúng ra khỏi cơ thể. Bên cạnh đó, cũng không nên sử dụng những loại thức uống có ga, không hút thuốc lá hoặc các chất kích thích khác.
Được ví như “nhà máy xử lý độc tố” của cơ thể, gan đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của con người. Thế nhưng, những năm gần đây, tỷ lệ người mắc ung thư gan đang ngày càng tăng nhanh chóng. Cho nên các chuyên gia sẽ lập ra danh sách những thực phẩm có khả năng làm tăng nguy cơ gây ung thư gan để mọi người tham khảo và rút ra những điều cần nhớ, giúp bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Tổng hợp
Theo Yan