Home Mẹo Hay Bí mật của các khách sạn: Biết khách ăn cắp vặt vẫn làm ngơ, để làm gì?
Mẹo Hay

Bí mật của các khách sạn: Biết khách ăn cắp vặt vẫn làm ngơ, để làm gì?

Chuỗi khách sạn Ovolo ở Hong Kong chấp luôn những vị khách ăn cắp vặt. ‘Cứ lấy cái túi mà dùng hoặc đưa cho bạn bè của bạn, anh bạn, em bạn, cha bạn, mẹ bạn, chú bạn, cháu bạn, con chó con mèo nhà bạn, con hamster nhà bạn…’.

Giới chủ thừa biết khách sẽ đút túi những món gì nhưng không muốn làm ầm ĩ sự việc. Thay vào đó, họ biến những thứ bị ăn cắp vặt thành công cụ quảng cáo với chỉ một động tác đơn giản là in logo hoặc những câu đạo lý lên những món đồ này.

Khi tỉ phú Richard Branson biết được việc hũ đựng muối và tiêu hình máy bay thường xuyên bị mất ở khoang thương gia, ông đã “dĩ độc trị độc”. Thay vì làm ầm ĩ hoặc bắt khách trả tiền, vị tỉ phú cho in phía dưới mỗi hũ gia vị câu “Thứ này bị lấy cắp từ Virgin Atlantic”.

Những người khâm phục cách chống ăn cắp vặt của tỉ phú Branson sẽ phải ngã mũ trước đầu óc và sự nhạy bén của nhà thiết kế Terence Conran, người chủ đầu tiên của nhà hàng Quaglino’s ở London.

Khăn tắm, xà rông của khách sạn nằm trong số những thứ bị khách lưu trú lấy cắp nhiều nhất – Ảnh chụp màn hình

Ông để mặc cho khách ăn cắp các gạt tàn thuốc hình chữ Q được thiết kế bắt mắt trong nhà hàng. “Những thứ này sẽ bị ăn cắp nhưng chúng ta sẽ biến chúng thành công cụ tiếp thị”, nhà thiết kế Sebastian Conran nhớ lại lời người cha quá cố khi yêu cầu con trai phải đích thân thiết kế cái gạt tàn nhỏ xíu.

Trong vòng 10 năm, gạt tàn chữ Q của Quaglino trở thành vật bị “cầm nhầm” nhiều nhất London. “Chúng tôi mất khoảng 20.000 cái”, ông Sebastian nhớ lại. Nhưng đổi lại là gần như ai ở London cũng biết tới nhà hàng ở số 16 đường Bury.

Đa số các vị khách sau khi bỏ túi các vật dụng trên đều nghĩ nhà hàng, khách sạn đã quá ngây thơ và hớ hênh nhưng thực tế ngược lại.

Một số khách sạn vận dụng kinh nghiệm của Terence Conran. Họ không ngại bỏ công sức thiết kế các vật dụng nhỏ, không mắc tiền trong phòng khiến khách không thể cưỡng lại việc nhét vào vali trước khi “check-out”.

Chẳng hạn, tại khu nghỉ dưỡng và trượt tuyết El Lodge ở Tây Ban Nha, ban giám đốc đã cho thay các tấm biển “Xin dọn phòng” và “Đừng làm phiền” bằng câu “Đang ra ngoài trượt tuyết” và “Đang ngồi đếm bông tuyết”. Kết quả là hai tấm biển này thường xuyên biến mất khỏi phòng.

Chuỗi khách sạn Ovolo ở Hong Kong còn tâm lý hơn. Họ đựng các vật dụng phòng tắm và đồ ăn vặt trong một túi lớn sẫm màu, in chi chít chữ bên ngoài như một lời nhắn tới khách lưu trú.

“Cứ lấy cái túi mà dùng hoặc đưa nó cho bạn bè của bạn, anh trai của bạn, em gái của bạn, cha bạn, mẹ bạn, chú bạn, cháu bạn, anh chị em họ nhà bạn, con chó nhà bạn, con mèo nhà bạn, con hamster nhà bạn, con cá mập, cá vàng của bạn…”.

Chiếc túi với những lời nhắn nhủ nhẹ nhàng nhưng sâu sắc của chuỗi khách sạn Ovolo – Ảnh chụp màn hình

“Tâm lý của các khách dạng này là muốn giữ lại chút kỷ niệm. Họ chuộng lấy những thứ như đồ khui chai, mắt kính hoặc dù… những thứ có in tên và logo khách sạn trên đó”, ông Mark Wong, phó chủ tịch phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của hiệp hội khách sạn SLHW, nói.

Một cuộc khảo sát của chuyên trang du lịch và khách sạn Wellness Heaven cho thấy năm 2019, khăn tắm đứng đầu trong danh sách những thứ dễ bị ăn cắp nhất trong các khách sạn. 

Xếp thứ hai là áo choàng tắm, kế đến là móc treo quần áo. Tác phẩm nghệ thuật, đôi khi là đệm gối, cũng bị khách lấy đi.

Tại The Beverly Hills Hotel ở Los Angeles (Mỹ), dụng cụ mở nút chai màu hồng luôn nằm trong danh sách các vật dụng “bốc hơi” sau khi khách trả phòng. Những chú vịt màu tím được đặt sẵn trong phòng để chào đón khách của khách sạn 45 Park Lane (London, Anh) cũng chung số phận.

Một quản lý cấp cao của khách sạn Mandarin Oriental Hong Kong (Trung Quốc) cũng than phiền chuyện những túi vải đựng đồ giặt ủi thường xuyên bị khách mang đi. Số lượng mất cắp nhiều tới nỗi ban giám đốc khách sạn quyết định sẽ sử dụng các túi nilông rẻ tiền thay cho túi vải.

Theo báo South China Morning Post (SCMP), chuyện khách “cầm nhầm” đồ vật không chỉ xảy ra ở khách sạn mà còn nhiều nơi khác như nhà hàng, thậm chí cả khoang thương gia hay hạng nhất trên máy bay. Những thứ bị mất cũng rất đa dạng, từ muỗng nĩa tới gạt tàn thuốc.

Tấm bảng “Are you happy” của resort Viceroy Bali thường bị khách nhét vào vali của mình. Từ mục đích ban đầu là để khách phản hồi về chất lượng dịch vụ, tấm bảng nhỏ này thành bảng quảng cáo bất đắc dĩ vì bị khách lấy khỏi resort – Ảnh chụp màn hình

Theo Báo Tuổi trẻ

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

Instagram chính thức cập nhật tính năng Avatar, và đây là cách để bạn kích hoạt nó

Với tính năng mới này, bạn có thể tự tạo các Instagram...

Cách tạo “bản sao” của chính mình trong hình ảnh

Thủ thuật dưới đây sẽ giúp người dùng tạo ra những bức...

Cách nâng cấp bảo mật cho tài khoản Zalo

Zalo trang bị nhiều tính năng giúp người dùng bảo vệ quyền...

Cách tránh bị làm phiền với tin nhắn rác trên iPhone

Thời điểm hiện tại, người dùng iPhone, iPad của Apple tại Việt...