Một chuyên gia cảnh báo, dự án mới của các nhà khoa học Mỹ nhằm thu thập 12.000 loại virus chết người có thể châm ngòi cho một đại dịch tàn khốc khác.
Các nhà nghiên cứu sẽ thu thập và kiểm tra 800.000 mẫu Covid-19, Ebola cũng như Nipah ở 12 quốc gia Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh để đảm bảo thế giới đã “chuẩn bị” cho một đợt bùng phát virus khác.
Các nhà khoa học đang lên kế hoạch thu thập hàng nghìn mẫu virus để tiến hành nghiên cứu. Ảnh: ECOHEALTH ALLIANCE
Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ đã hợp tác với một số đối tác, bao gồm Đại học Bang Washington, cho dự án mang tên DEEP VZN. Trong vòng 5 năm tới, các nhà khoa học ở mỗi quốc gia sẽ thu thập hàng trăm nghìn mẫu từ động vật hoang dã để “phát hiện xem có virus hay không”. Các nhà nghiên cứu đặt mục tiêu tìm ra 8.000 đến 12.000 loại virus trên khắp thế giới.
Mặc dù vậy, Richard Ebright, chuyên gia an toàn sinh học, giáo sư hóa học và sinh học hóa học tại Đại học Rutgers, nói với The Sun Online rằng dự án này là “điên rồ”, đồng thời cảnh báo việc này có thể dẫn đến một đại dịch toàn cầu khác. Giáo sư Ebright giải thích rằng cách thức các mẫu nghiên cứu từ động vật sẽ được “sản xuất hàng loạt” và “được dùng để lây nhiễm các tế bào nuôi cấy từ động vật thí nghiệm”.
Bên cạnh đó, ông cho biết việc tiếp xúc giữa các nhà nghiên cứu và hàng nghìn mầm bệnh gây chết người có thể dễ dàng châm ngòi cho một đợt bùng phát virus khác. Cụ thể, ông nói với The Sun Online: “Nghiên cứu mầm bệnh trong động vật hoang dã là vấn đề đang gây tranh cãi giữa các nhà khoa học và các chuyên gia chính sách khoa học. Dự án vô cùng này tốn kém mà lại không cung cấp thông tin, hành động hữu ích để ngăn chặn và phòng chống đại dịch”.
Ông nói thêm: “Việc gia tăng tiếp xúc giữa con người và các mầm bệnh tiềm ẩn sẽ dẫn đến nguy cơ gây ra đại dịch. Chương trình giám sát mầm bệnh ở động vật hoang dã trước đây của USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ) đã thất bại hoàn toàn trong việc ngăn chặn đại dịch hiện tại và có thể gây ra những đại dịch mới”.
Đáp lại những tuyên bố trên, các nhà nghiên cứu cho biết dự án này nhằm “xây dựng năng lực phát hiện và ứng phó đối với các loại virus chưa từng được biết đến”. Trưởng nhóm Felix Lankester nói: “Để đảm bảo thế giới được an toàn hơn trước những sự kiện dịch bệnh truyền nhiễm, chúng ta cần phải sẵn sàng. Đây không phải là vấn đề của riêng Mỹ, tất cả các nước đều cần có sự chuẩn bị tốt nhất”.
Theo Dân Viêt