Báo Úc – Cách lách luật để giảm số tiền phí cần phải đóng có khả thi hay không?
Xem lại phần 1: Tìm hiểu về vấn đề để đóng tiền bảo lãnh cho cha mẹ sang Úc ( Phần 1)
Sau khi thông tin chính thức về việc có thể trả cho chính phủ Úc một khoản tiền lớn để được định cư tại Úc theo diện đóng tiền (143) được ban hành, đã có rất nhiều người đã nghĩ ra cách thay vì vừa trả hai lần phí cho cả hai người cha và mẹ của mình mỗi người $50,000 thì tại sao họ không làm cho một người (cha hoặc mẹ) đi trước và sau đó quay trở lại bảo lãnh cho người kia theo diện kết hôn? Nếu thực hiện được như vậy thì thay vì họ phải đóng $100,000 một lúc cho cả hai người thì chỉ có cần đóng $50,000 mà thôi. Tuy nhiên, chính phủ Úc cũng đã tìm ra được các trường hợp biến tính xảy ra để lách luật như vậy, và đã có những quy định chặt chẽ được ban hành kèm theo.
Kỳ này, Tạ Quang Huy sẽ phân tích các điều khoản pháp lý áp dụng cho visa loại đóng tiền và các khúc mắc mà các đương đơn cần biết.
Cho một trường hợp ví dụ:
Chị Nguyễn Thị Thảo du học Úc theo diện Visa sinh viên. Chị Thảo có gặp Anh Cường và trở thành đôi uyên ương, sau một thời gian tìm hiểu thì hai người cưới nhau và nộp hồ sơ định cư cho chị Thảo theo diện kết hôn.
Năm 2013 chị Thảo có quốc tịch Úc và hai vợ chồng quay trở về Việt Namkinh doanh và sống liên tục tại Việt Nam cho tới năm 2015 thì gia đình quyết định về Úc sống. Lúc này, chị Thảo muốn bảo lãnh cho cả cha và mẹ của mình sang cùng.
Vậy, trường hợp này có các vấn đề khúc mắc thường gặp như sau:
1) Chị Thảo có được bảo lãnh cho cha/mẹ không vì có thông tin nói rằng chị Thảo phải sống liên tục tại Úc 12 tháng nếu muốn nộp hồ sơ bảo lãnh cho cha/mẹ theo diện đóng tiền.
2) Nếu chị Thảo chỉ bảo lãnh cho mẹ theo diện đóng tiền trước thì bao lâu mẹ của Thảo mới có thể bảo lãnh cho cha sang định cư theo diện kết hôn?
Với trường hợp này, tôi xin được giải đáp như sau:
1) Trong trường hợp chị Thảo chưa sống liên tục tại Úc trong một khoảng thời gian nhất định mặc dù cô đã có quốc tịch thì điều 1.05(2)(a)(i) của Bộ Luật Di Trú sẽ được áp dụng. Điều này đã được sửa đổi vào ngày 1/7/2011 và nêu rõ rằng khi đương đơn đã có quốc tịch thì không nhất thiết phải sống liên tục tại Úc trong khoảng thời gian nhất định trước khi nộp hồ sơ để bảo lãnh cho cha/mẹ theo diện đóng tiền.
2) Ngày 1/7/2009 chính phủ Úc đã sửa đổi một số điều trong Bộ Luật Di Trú và trong đó có điều khoản 1.20KA. Mục đích của việc sửa đổi này nhằm cân đối lượng người nhập cư theo diện đoàn tụ gia đình và chính xác hơn là chính phủ nhắm trực tiếp vào diện ‘bảo lãnh cha mẹ’. Trước đó, Bộ Di Trú đã từng thắc mắc rằng khi cha/mẹ định cư tại sao có nhiều đương đơn lại không nộp đơn đi chung mà tách nhau ra. Rồi chỉ một khoảng thời gian rất ngắn sau khi được thường trú thì người cha (hoặc mẹ) quay trở lại bảo lãnh cho người còn lại theo diện kết hôn. Cũng đã có nhiều trường hợp thực hiện theo cách này và đã thành công. Nếu các đương đơn cứ tiếp tục làm theo hướng như vậy thì chính phủ cũng sẽ bị rất nhiều thiệt thòi như:
– Kinh tế: Thất thoát $50,000 cho phí visa,
– An sinh xã hội: Nếu xin định cư tại Úc theo diện kết hôn thì không cần phải đợi 10 năm sau như diện đóng tiền. Và số lượng người nhập cư sẽ tăng lên nhanh chóng.
Kể từ khi chương trình định cư dành cho cha/mẹ theo diện đóng tiền được bắt đầu từ năm 2003 cho tới năm 2009 thì chính phủ mới nhận ra điều này và sửa đổi lại điều luật. Tôi cũng không hiểu tại sao chính phủ phải mất tới thời gian là 6 năm mới nhận ra được điều ấy và sửa đổi nó.
Điều luật được sửa đổi như sau: Kể từ ngày 1/7/2009, căn cứ theo điều khoản 1.20KA(2) nếu người bảo lãnh đã từng được cấp visa theo diện đóng tiền 143 và muốn bảo lãnh cho bạn đời của mình theo diện kết hôn, đính hôn hoặc sống chung thì sẽ phải đợi 5 năm. Thời gian 5 năm này sẽ được tính kể từ khi người bảo lãnh được cấp visa 143 cho tới khi hồ sơ diện kết hôn, đính hôn hoặc sống chung được cấp.
Như vậy, với quy định thay đổi như trên, chính phủ đã có thể tạo thêm giới hạn cho những đương đơn có ý muốn lách luật, hạn chế thiệt hại cho quốc gia, và tạo giới hạn lâu hơn cho sự gia tăng dân nhập cư để có thể có những biện pháp quản lý kịp thời và phù hợp.
*Còn tiếp
Xem lại phần 1 : Tìm hiểu về vấn đề để đóng tiền bảo lãnh cho cha mẹ sang Úc (Phần 1)
Tạ Quang Huy
Đại Diện Di Trú – Úc Châu
Các bài viết hỏi đáp nổi bật về di trú của Tạ Quang Huy