Home Đời Sống Con bị bắt sang châu Âu, mẹ hóa điên và câu hỏi khi đoàn tụ sau 43 năm: “Sao bà bỏ rơi tôi?”
Đời Sống

Con bị bắt sang châu Âu, mẹ hóa điên và câu hỏi khi đoàn tụ sau 43 năm: “Sao bà bỏ rơi tôi?”

Ánh mắt Vance nhìn bà Anh vằn lên sọc đỏ. Anh không tin cuộc gặp sẽ có thể xóa đi nỗi đau bị kỳ thị, sự trống rỗng của 43 năm bị tách khỏi nguồn cội, hoang mang về bản thân.

Trong những câu chuyện thất lạc người thân, có những cuộc chia ly là do hoàn cảnh, nhưng cũng có lần “lạc nhà” là chia cách gần nửa thế kỷ. Anh Vance McElhinney (1974, Anh Quốc) đã có một cuộc lưu lạc, bị chia tách khỏi mẹ, khỏi quê hương đất Việt suốt 43 năm. Vance là 1 trong số gần 3.000 trẻ em bị đưa ra nước ngoài theo chiến dịch Operation Babylift (Không vận Trẻ em) của Mỹ, tháng 4/1975.

Trong số hàng nghìn trẻ em rời Việt Nam sang Mỹ, Úc, Anh, Canada… năm ấy, không phải ai cũng thật sự là trẻ mồ côi. Có những đứa trẻ bị tách rời gia đình, xé khỏi gốc gác, bị thay đổi hoàn toàn số phận để lại sự day dứt cả đời như Vance.

Khi bị đưa đến nước Anh xa xôi, Vance mới 9 tháng tuổi, với một bức ảnh chụp, lý lịch mồ côi cha mẹ, tên khai sinh: “Van Tan Nguyen” – những giấy tờ mà sau này anh mới biết là chỉ được gán cho mình để dễ dàng lên máy bay không vận.

Con bị bắt sang châu Âu, mẹ hóa điên và câu hỏi khi đoàn tụ sau 43 năm: Sao bà bỏ rơi tôi?

Bức ảnh chụp Vance McElhinney khi còn ở Việt Nam.

“Tôi luôn cảm thấy lạc lõng”

Cậu bé Babylift được đưa sang Anh, rồi lưu lạc đến Bắc Ireland. Khi 18 tháng tuổi, gia đình Cyril và Liz McElhinney ở thị trấn Lurgan và đặt cho đứa trẻ một thân phận mời: Vance McElhinney. Khi gặp cha mẹ nuôi lần đầu, Vance là đứa trẻ Việt duy nhất tại trại trẻ chưa được nhận nuôi.

Anh cô độc trong chuyến bay rời khỏi đất nước, cô độc trong trại trẻ mồ côi, nhưng đó không phải là lần cuối Vance ở trong tình cảnh đó. Bố mẹ nuôi của Vance thành đạt và khá giả. Họ có 2 con trai tên là David và Stephen. Cả bố mẹ và hai anh đều yêu quý Vance. Nhưng yêu thương là chưa đủ.

 Con bị bắt sang châu Âu, mẹ hóa điên và câu hỏi khi đoàn tụ sau 43 năm: Sao bà bỏ rơi tôi? - Ảnh 2.

Vance luôn cảm thấy cô đơn, ý thức được thân phận “ở ngoài rìa”. Từ khoảng 5 – 6 tuổi, anh đã luôn thấy có một khoảng trống lớn trong lòng. Những năm 1970, cộng đồng người ở Bắc Ireland chưa đa văn hóa như bây giờ, chỉ có tầm 3 hay 4 người da màu, trong đó có Vance.

Năm Vance 13, 14 tuổi, mọi việc tồi tệ hơn nữa. Anh bị bắt nạt, bị đánh, bị lũ trẻ da trắng gào vào mặt: “Cút về Việt Nam đi!”. Một số bạn học chửi Vance và gọi anh bằng những từ ngữ thô tục. Anh nhận thức rất rõ: Mình sẽ luôn là thiểu số ở đây.

Với sự khác biệt về tôn giáo và màu da, lớn lên ở Bắc Ireland thực sự là khó khăn với tôi. Điều đó phần nào biến tôi thành một con người chai lì, không muốn bày tỏ cảm xúc.” – Vance đau đớn nhớ lại.

Ý niệm “Việt Nam” trong đầu đứa trẻ lạc nhà luôn khiến Vance khổ sở. Mỗi khi nỗi đau, sự kỳ thị ập tới, anh lại tự hỏi, nếu ở Việt Nam, anh có ổn không?

Khi bị bố mẹ nuôi mắng, trong tôi càng quặn lên nỗi khó chịu. Tôi quát lại: ‘Ông bà có phải bố mẹ thật của tôi đâu.’. Đó là cách tôi phản kháng, chứ tôi thực sự không có ý nói những lời lẽ như vậy. Mẹ Liz tôi kể lại, năm tôi 13 – 14 tuổi, mối quan hệ của hai mẹ con đã thực sự thay đổi, theo cách tồi tệ hơn. Một phần nào đó trong tôi suy nghĩ rằng tôi muốn trở về Việt Nam.

Nhưng tôi thật sự chần chừ trong việc tìm hiểu về gốc gác của mình. Tôi chỉ biết mình bị đưa đi vì chiến tranh, và tôi không dám xem bất cứ bộ phim tài liệu nào về chiến tranh Việt Nam. Tôi sợ nó làm mình tổn thương.”.

 Con bị bắt sang châu Âu, mẹ hóa điên và câu hỏi khi đoàn tụ sau 43 năm: Sao bà bỏ rơi tôi? - Ảnh 3.

Cha mẹ nuôi và các anh trai rất yêu quý Vance.

Cho đến khi bước qua tuổi 40, trải qua 2 cuộc hôn nhân không thành, cảm giác trống trải vẫn choán lấy Vance. Anh không biết gì quá khứ của mình, nguồn gốc của mình, ngoài 1 bức ảnh chụp tại trại trẻ mồ côi với tấm biển đề chữ M – tên tổ chức phụ trách đưa anh đi – Mercy. Mẹ nuôi Liz cũng đưa cho anh mảnh giấy ghi địa chỉ Quy Nhơn và tên trại trẻ mồ côi anh từng sống – thứ mà bà giữ cẩn thận hơn 40 năm.

Lênh đênh tìm nguồn cội

Vance chưa bao giờ nguôi ngoai về quá khứ bí ẩn của mình. Anh đã tìm đến một cơ quan báo chí địa phương nhờ giúp đỡ. Câu chuyện của anh được chú ý, và hãng truyền thông ngỏ ý muốn đi cùng anh về Việt Nam.

 Con bị bắt sang châu Âu, mẹ hóa điên và câu hỏi khi đoàn tụ sau 43 năm: Sao bà bỏ rơi tôi? - Ảnh 4.

Chuyến đi đầu tiên ấy, Vance không kỳ vọng sẽ tìm được mẹ ngay với lượng thông tin ít ỏi. “Tôi về Việt Nam chỉ để thấy mình có cảm giác thuộc về đa số, đi giữa đường không ai nhìn chằm chằm, ngồi trong quán ăn mà không bị những người xung quanh có cái nhìn khác biệt; hay đơn thuần là ra quán nhậu mà không bị ai chửi, kỳ thị cả.

Tôi đã sợ mình sẽ phải bỏ cuộc. Tôi đã chuẩn bị sẵn cho khả năng mình sẽ không thể tìm được mẹ, thậm chí đã nghĩ đến việc tự thuyết phục mình rằng bà đã không còn nữa. Ban đầu tôi nghĩ mình chỉ có thể tìm kiếm trong tối đa một năm, nhưng rốt cục đã nó đã kéo dài hơn ba năm.”.

Trong chuyến đi ấy, Vance đã tìm thấy cô nhi viện anh từng ở một vài tuần, giờ đã thành viện dưỡng lão. Anh gặp được các xơ chăm trẻ mồ côi năm xưa, hỏi dò về cái tên “Nguyen Van Tan”. Họ bảo, tất cả cô nhi đều được đặt lại tên mới, làm giấy tờ mới, vì không thực sự biết chúng là con ai, tên gì. Vance sốc vô cùng.

Một thời gian ngắn sau, cũng trong năm 2016, câu chuyện của Vance được dựng thành phim tài liệu, mọi sự tiến triển từ đó. Khi phim được chiếu, Vance nhận hàng trăm cuộc gọi, hàng nghìn tin nhắn. Anh cố gắng đọc và trả lời hầu hết trong số đó, nhưng trái tim mách bảo họ chỉ là những cha mẹ tuyệt vọng tìm con của mình, ở đâu khác chứ không phải nơi anh.

Cho đến một ngày, lẫn trong những tin nhắn chờ và email, có một người khăng khăng anh chính là em họ thất lạc của mình. Người phụ nữ ấy gửi cho anh một tấm ảnh kèm theo một số thông tin trùng khớp với những gì anh biết (nhưng chưa công bố). Anh chưa tin, nhưng cũng hẹn năm 2017 sẽ đến gặp thử.

Nỗi dằn vặt của người mẹ suýt hóa điên vì mất con

Đầu năm 2017, y lời hẹn, anh về Quy Nhơn. Nhờ sự giúp đỡ của bà Nguyễn Nga (Giám đốc một trung tâm nhân đạo ở Quy Nhơn) và người đã liên lạc với mình, anh đến gặp bà Lê Thị Anh. Vance thấy một người phụ nữ luống tuổi ngồi trong góc phòng, bỗng nhiên đứng bật dậy, ra ngồi cạnh và ôm lấy anh khóc nức nở. Vance bối rối không biết nhìn đi đâu.

Bà Anh đưa ra tấm ảnh chụp cùng con trai năm xưa, ảnh ba của con trai, kể rằng từ khi lạc con, bà gần như hóa điên, đi lang thang khắp nơi tìm con. Bà nguyện dành cả cuộc đời để kiếm tìm núm ruột của mình.

Hồi đó, tôi vào hỏi thăm con thì các xơ bảo nó chết rồi, chết trong chuyến vận chuyển đầu tiên. Tôi buồn lắm, nhưng linh cảm của người mẹ mách bảo con tôi vẫn còn. Tôi lại hỏi các bà xơ ở Ghềnh Ráng là con mình có đi chuyến đó không thì họ nói không phải, con tôi đi chuyến sau.

Tôi nghĩ, khi đó con tôi 9 tháng tuổi, chắc người ta nuôi được. Tôi cứ băn khoăn con mình nhỏ xíu như vậy, có ai ẵm bồng nó không, có ai làm té nó không, người ta có cho nó học hành không… Tôi cứ nghĩ con mình ở Mỹ. Tôi cũng nhờ rất nhiều người tìm hiểu ở Mỹ mà không thấy thông tin gì cả…” – bà Lê Thị Anh kể, nước mắt giàn giụa.

 Con bị bắt sang châu Âu, mẹ hóa điên và câu hỏi khi đoàn tụ sau 43 năm: Sao bà bỏ rơi tôi? - Ảnh 5.

Bức ảnh bà Anh chụp cùng con trai ngay trước khi bà gặp nạn.

Vance không tin những ảnh bà Anh đưa ra, những bức ảnh chẳng chứng minh điều gì cả. Nhưng anh bất giác hỏi: “Sao bà đẻ tôi ra mà bà bỏ tôi?”. Trong ánh mắt Vance, bà Anh nhìn thấy vằn lên hận thù, tủi nhục. Bà chỉ biết khóc.

Sau câu hỏi ấy, bí mật về cuộc lưu lạc được tháo gỡ. Tên khai sinh của Vance là Nguyễn Thành Châu. Thời điểm đó, bà Anh bị bệnh, chân yếu đi, phải nằm trường kỳ vài tháng ở bệnh viện. Chồng của bà, một người đàn ông vũ phu, nghiện rượu bỏ đi biệt tích. Các em của bà Anh chăm sóc đứa trẻ.

Khi một bà xơ đến bày tỏ lo ngại cho sự an toàn của bé Châu khi chiến tranh đang khốc liệt, hứa sẽ chăm sóc bé an toàn, những người anh em của bà Anh đã đưa núm ruột duy nhất của bà cho các xơ ở cô nhi viện ở Ghềnh Ráng (Quy Nhơn). Họ không hỏi ý kiến, và bà Anh cũng không hề biết, cho đến khi ra viện.

Nghe thế, Vance nhận ra bà không hề bỏ rơi con trai, mà là hai mẹ con bị tách nhau. Dù trong lòng vẫn đầy hoài nghi, không chắc mình có nên tin hay không, anh vẫn dặn người thông dịch nói lại: “Hãy bảo với người phụ nữ này, rằng đó không phải lỗi của bà ấy.”.

 Con bị bắt sang châu Âu, mẹ hóa điên và câu hỏi khi đoàn tụ sau 43 năm: Sao bà bỏ rơi tôi? - Ảnh 6.

Bà Anh vẫn giữ liên lạc với Vance. Người phụ nữ nông thôn học tiếng Anh, dùng điện thoại công nghệ, máy tính bảng để nói chuyện mỗi ngày, để kết nối với Vance – người mà bà khăng khăng là con trai thất lạc của mình.

Còn về phần mình, Vance trì hoãn 1 năm mới xét nghiệm ADN với bà Anh, dù thủ tục thực ra chỉ mất 1 tháng. Đó là vì, mẹ nuôi của anh bỗng dưng đổ bệnh trong thời điểm anh về Việt Nam cuối năm 2017. “Để thể hiện lòng tôn trọng với mẹ Liz, tôi không nhắc gì đến việc xét nghiệm ADN hay nhận mẹ ruột. Tôi dành thời gian chăm sóc mẹ Liz. Bà ấy nuôi dạy tôi suốt 43 năm, là mẹ của tôi 43 năm, tôi không muốn làm bà buồn.

Đến khi lo xong tang lễ cho mẹ Liz, tôi mới mở phong bì xem kết quả ADN. Trùng khớp 100%. Lúc đó tôi kiểu: Ồ, mình tìm được mẹ ruột rồi, giờ sao đây nhỉ?

Ngày 9/2/2018, chúng tôi gặp lại nhau ở Quy Nhơn. Khoảnh khắc mẹ và con trai rất lạ. Trước đó, chúng tôi đã nói chuyện nhiều, nhưng với thân phận mơ hồ. Mẹ Anh rất gần gũi, bà cầm tay, ôm ấp, vuốt ve tôi. Tôi không quen lắm. Bố mẹ nuôi chưa từng xoắn xuýt với tôi như vậy, và tôi cũng không để họ làm như vậy, kể cả khi còn nhỏ.

 Con bị bắt sang châu Âu, mẹ hóa điên và câu hỏi khi đoàn tụ sau 43 năm: Sao bà bỏ rơi tôi? - Ảnh 7.

Tôi ở lại ăn Tết Nguyên đán với mẹ. Bà sung sướng đem tôi đi giới thiệu khắp nơi, gặp ai cũng khoe. ‘Con trai tôi đó’, bà nói câu đó cả ngàn lần, và đó là câu duy nhất bà nói mà tôi hiểu, không cần phiên dịch.”.

Đã 5 năm ngày đoàn tụ với mẹ, khoảng trống trong lòng Vance dần thu gọn lại. Anh đã có vợ tên Lê Hằng (1990), gặp nhau ở thời điểm Vance về Việt Nam tìm mẹ. Họ có với nhau một con gái dễ thương và hiện đang sống chủ yếu tại Anh. Vance là bếp phó làm việc bán thời gian và bán hàng qua mạng.

 Con bị bắt sang châu Âu, mẹ hóa điên và câu hỏi khi đoàn tụ sau 43 năm: Sao bà bỏ rơi tôi? - Ảnh 8.

Anh Vance hạnh phúc bên người vợ Việt Nam.

Vance thoải mái hơn khi được gọi là Châu – tên mẹ đã đặt cho anh khi lọt lòng. Anh thành lập một quỹ hỗ trợ các trường hợp trẻ mồ côi, khuyết tật, cùng trung tâm nhân đạo Nguyễn Nga giúp đỡ những hoàn cảnh đáng thương.

Tôi được cha mẹ nuôi nâng đỡ, yêu thương để có ngày nay, và khi đã ổn, tôi cũng muốn dang tay giúp đỡ người khác như một lời tri ân. Tôi vẫn đang trong hành trình hàn gắn vết thương lòng và khám phá cuộc sống có mẹ sau 43 năm cách xa.”.

 Con bị bắt sang châu Âu, mẹ hóa điên và câu hỏi khi đoàn tụ sau 43 năm: Sao bà bỏ rơi tôi? - Ảnh 9.

Anh Vance – Châu thành lập một quỹ hỗ trợ để giúp đỡ những trẻ em khó khăn tại Việt Nam.

Theo Cafebiz.vn

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles