Bang New South Wales của Úc đang phấn đấu vươn lên top đầu thế giới về thương mại hóa công nghệ ứng phó với cháy rừng và hướng tới xuất khẩu các giải pháp sáng tạo trong lĩnh vực này. Tham vọng này đang dần trở thành hiện thực bắt nguồn từ việc chuyển đổi số trong hệ thống phương tiện chữa cháy.
Bang New South Wales của Úc đang mạnh dạn đầu tư để có thể thương mại hóa các giải pháp phòng chống cháy rừng.
Chuyển đổi số trong dịch vụ cứu hỏa
Dịch vụ Cứu hỏa Nông thôn của bang New South Wales, Úc vừa ký kết hợp tác 5 năm với chi nhánh của công ty Fujitsu Úc về việc số hóa các hệ thống quan trọng nhằm cải thiện công tác ứng phó khẩn cấp về hỏa hoạn trong tiểu bang.
Theo chương trình trị giá 60 triệu AUD, công ty Fujitsu Úc sẽ phát triển, lắp đặt và duy trì các thiết bị đầu cuối dữ liệu di động cho hơn 5.000 phương tiện thuộc cơ quan cứu hỏa của bang. Sử dụng chương trình và phần mềm chuyên dụng, thiết bị đầu cuối dữ liệu di động sẽ là một nền tảng linh hoạt cung cấp hỗ trợ cho những người lính cứu hỏa đang làm nhiệm vụ ở các điểm nóng. Họ được quyền truy cập vào thông tin quan trọng như hình ảnh vệ tinh và địa hình cũng như cập nhật tình hình thời tiết. Các thiết bị cũng sẽ kết nối nhân viên cứu hỏa với hệ thống điều phối máy tính chung linh hoạt hơn.
Công ty công nghệ này đã bắt đầu xây dựng các hệ thống tích hợp, sử dụng cơ sở hạ tầng dựa trên đám mây để chạy nền tảng phần mềm Adashi và quản lý các sự cố nghiêm trọng một cách an toàn và hiệu quả. Việc lắp đặt Thiết bị đầu cuối Dữ liệu Di động vào các phương tiện sẽ bắt đầu vào cuối năm 2022. Trước đó vào năm 2020, công ty đã bắt đầu quản lý hệ thống điều phối máy tính hỗ trợ trong cơ quan phòng cháy chữa cháy của bang này, trong đó chủ yếu quản lý việc phân công và triển khai các nguồn lực cho các sự cố khẩn cấp và không khẩn cấp.
Việc triển khai các thiết bị đầu cuối dữ liệu di động trên tất cả các phương tiện chữa cháy của dịch vụ cứu hỏa trong bang New South Wales sẽ giúp nâng cao kết quả ứng phó với tình huống khẩn cấp khi thông tin liên lạc được đảm bảo và kết nối kịp thời. Sau vụ cháy rừng khắc nghiệt và tàn khốc nhất vào mùa hè 2019-2020, tiểu bang này đã mở cuộc điều tra độc lập và khuyến nghị tài trợ 192 triệu AUD để cải thiện cách lập kế hoạch, chuẩn bị và ứng phó với cháy rừng. Điều này cho thấy, hoạt động của nhân viên cứu hỏa ở tuyến đầu đang được quan tâm đúng mức, công nghệ mới sẽ giúp họ chủ động hơn trong các tình huống nguy hiểm đến tính mạng, từ đó bảo vệ tốt các cộng đồng nông thôn, con người, tài sản và môi trường khu vực.
Thương mại hóa công nghệ chống cháy rừng
Ở chiến lược rộng lớn hơn, bang New South Wales của Úc đang nỗ lực để vươn lên dẫn đầu thế giới về thương mại hóa công nghệ ứng phó với cháy rừng và hướng tới xuất khẩu quốc tế các giải pháp sáng tạo trong lĩnh vực này. Alister Henskens – Giám đốc Sở Khoa học, Đổi mới và Công nghệ của bang cho rằng, không chỉ New South Wales mà trên khắp Úc và thế giới, nơi nào cũng có nhu cầu thương mại hóa các giải pháp thực tế có khả năng chống chịu với thảm họa, có thể đó là trí thông minh nhân tạo, máy bay không người lái hay lập bản đồ dự đoán. Bằng cách đầu tư vào tài năng địa phương và nghiên cứu của họ, nền kinh tế có thể phát triển nhanh hơn, đảm bảo một tương lai tươi sáng hơn nhờ tạo ra việc làm hay các sản phẩm sáng tạo.
Quỹ Thương mại hóa cháy rừng New South Wales sẽ giúp các nhà đổi mới chuyển các nghiên cứu tiên tiến của họ thành các giải pháp thực tế nhằm cải thiện khả năng phát hiện, chuẩn bị và ứng phó với cháy rừng. Trong 3 năm qua, tổng cộng 16 triệu AUD đã được phân bổ, với vòng tài trợ đầu tiên cung cấp các khoản tài trợ từ 200.000 đến 8 triệu AUD cho các cá nhân, công ty, tổ chức nghiên cứu và trường đại học, để giúp họ thương mại hóa nghiên cứu của mình. Chương trình này là sáng kiến thứ hai được triển khai trong khuôn khổ Sứ mệnh nghiên cứu và phát triển ứng phó với cháy rừng.
Cần nói thêm về Sứ mệnh nghiên cứu và phát triển ứng phó với cháy rừng của bang New South Wales, chính quyền bang quyết định sẽ chi 28 triệu AUD vào nghiên cứu và phát triển cũng như thúc đẩy công nghệ mới. Dựa trên tác động tích cực của mạng lưới đổi mới hiện tại và các chương trình đổi mới, Sứ mệnh dự kiến sẽ tạo ra khoảng 200 việc làm mới và công nghệ bền vững mỗi năm, tương đương với 2.000 việc làm trong thập kỷ tới. Chương trình có 4 mục tiêu: Hỗ trợ hệ sinh thái của các công ty công nghệ cháy rừng, được kết nối với các nhà nghiên cứu của bang; Thành lập Quỹ Thương mại hóa cháy rừng giai đoạn đầu để cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển và thương mại hóa các sản phẩm liên quan đến công nghệ cháy rừng; Hỗ trợ quy trình cung cấp công nghệ để cho phép cả các công nghệ thương mại hiện có và công nghệ mới được đánh giá bởi các dịch vụ chống cháy rừng tuyến đầu của bang, bởi việc thử nghiệm trong điều kiện thực là cần thiết; Hỗ trợ chương trình tiếp cận và tương tác trong cộng đồng hay đào tạo kỹ năng cho học sinh, vừa để nâng cao nhận thức về ứng phó với cháy rừng, vừa truyền cảm hứng và tạo điều kiện cho một thế hệ nhà công nghệ mới.
Theo anninhthudo.vn
Leave a comment