Home Cộng Đồng Trung Quốc lúng túng khi các nước nghèo xin xóa nợ vì dịch
Cộng Đồng

Trung Quốc lúng túng khi các nước nghèo xin xóa nợ vì dịch

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều nước nghèo trên thế giới yêu cầu Trung Quốc giãn nợ hoặc thậm chí xóa nợ khi nền kinh tế ở các nước này đang lao dốc, đẩy Trung Quốc rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan đã gọi điện cho người đồng cấp Trung Quốc tháng trước, yêu cầu tái cấu trúc khoản nợ hàng tỉ USD do khó khăn kinh tế gia tăng. Kyrgyzstan, Sri Lanka và một số nước ở châu Phi cũng yêu cầu Trung Quốc tái cấu trúc nợ, giãn nợ, thậm chí là xóa nợ hàng chục tỉ USD các khoản vay đến hạn trong năm nay.

Trung Quốc lúng túng khi các nước nghèo xin xóa nợ vì dịch - Ảnh 1.
Để thực hiện các công trình cao ốc, Sri Lanka hầu hết phải vay mượn tiền từ Trung Quốc trong những năm gần đây – Ảnh: New York Times

Những yêu cầu này khiến nỗ lực trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới của Trung Quốc với nhóm nước đang phát triển bị phản tác dụng. Hai thập kỷ qua, nhằm mở rộng ảnh hưởng để trở thành siêu cường kinh tế và chính trị, Trung Quốc đã không ngừng cho nhiều nước vay hàng trăm tỉ USD. Các bên vay đã đem cảng, mỏ hay vương miện làm tài sản thế chấp.

Lúc này, khi kinh tế thế giới bấp bênh vì đại dịch, ngày càng có nhiều nước cho biết họ không có khả năng trả nợ Trung Quốc.

Thế là Trung Quốc rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”: Nếu tái cấu trúc nợ hoặc xóa nợ, sẽ gây căng thẳng nền kinh tế Trung Quốc, khiến người dân phẫn nộ. Nếu yêu cầu trả nợ, hình ảnh đất nước vốn đã và đang chịu nhiều điều tiếng không hay do dịch COVID-19 sẽ trở nên tệ hơn.

Trung Quốc lúng túng khi các nước nghèo xin xóa nợ vì dịch - Ảnh 2.
Dự án tàu hỏa Nairobi Naivasha SGR ở Kenya được xây dựng bởi Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc và tài trợ bởi Bắc Kinh – Ảnh: Shutterstock

Các khoản cho vay của Trung Quốc là rất lớn. Theo Viện Kiel, một nhóm nghiên cứu của Đức, Trung Quốc cho các nước đang phát triển vay ở mức 520 tỉ USD hoặc nhiều hơn, biến Trung Quốc thành chủ nợ lớn nhất thế giới, vượt qua cả Ngân hàng Thế giới hoặc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Trung Quốc đã bác bỏ yêu cầu xóa nợ của nhiều quốc gia nhưng vẫn ra dấu hiệu sẵn sàng đàm phán. Đơn cử, Chính phủ Kyrgyzstan tuyên bố hồi tháng 4 rằng Trung Quốc đã đồng ý hoãn khoản nợ 1,7 tỉ USD của nước này.

Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cũng được cho là đã mở rộng hạn mức tín dụng 700 triệu USD để giúp Sri Lanka đối phó với khó khăn kinh tế, cũng như hạ lãi suất và trì hoãn thời hạn trả nợ trong 2 năm.

Trung Quốc lúng túng khi các nước nghèo xin xóa nợ vì dịch - Ảnh 3.
Trụ sở chính của Công ty Xây dựng truyền thông Trung Quốc cho một dự án đường sắt ở phía tây Malaysia – Ảnh: New York Times

Dự án Vành đai – con đường là khoản cho vay đáng kể nhất của Trung Quốc. Từ khi bắt đầu năm 2013, Trung Quốc đã cho nhiều quốc gia vay 350 tỉ USD, khoảng một nửa trong đó là những con nợ rủi ro cao.

Chủ đề này càng trở nên nhạy cảm sau khi dịch COVID-19 bùng phát. Trong khi chính kinh tế Trung Quốc cũng ngày càng căng thẳng với các khoản nợ của các công ty nhà nước và chính quyền địa phương để duy trì sự tăng trưởng.

Mặc dù Trung Quốc tăng trưởng cao, nhiều hộ dân vẫn có thu nhập ít hơn một phần tư so với các nước phát triển khác, khiến người dân đặt câu hỏi liệu tiền của họ có đang bị đầu tư lãng phí ở nước ngoài.

Sau khi vật lộn với dịch bệnh COVID-19, GDP của Trung Quốc đã giảm 6,8%, lần sụt giảm đầu tiên kể từ năm 1992.

Trung Quốc lúng túng khi các nước nghèo xin xóa nợ vì dịch - Ảnh 4.
Một nhà máy điện được Trung Quốc tài trợ đang được xây dựng ở Islamkot, Pakistan năm 2018 – Ảnh: AFP

Các khoản cho vay cũng gây nhiều tranh cãi. Khác với khoản cho vay của các quốc gia phát triển hoặc các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, hầu hết khoản cho vay của Trung Quốc với nhóm các nước đang phát triển có lãi suất cao hơn, kỳ hạn ngắn hơn và tái cấp vốn mỗi vài năm.

Trung Quốc còn thường xuyên cho các nước nghèo sử dụng tài sản quốc gia làm tài sản thế chấp. Mỹ cáo buộc Trung Quốc dùng “bẫy nợ ngoại giao”, khi cho các nước nghèo vay nhiều hơn số tiền mà họ có thể trả, nhằm tịch thu các tài sản chiến lược và mở rộng thế lực quân sự, kinh tế.

Chính phủ Trung Quốc và nhiều chuyên gia nước này phủ nhận cáo buộc trên. Theo họ, thu giữ tài sản thế chấp ở nước ngoài là rất khó và bên cho vay phải chịu rủi ro nhiều hơn khi các khoản nợ có thể không được trả.

Trung Quốc lúng túng khi các nước nghèo xin xóa nợ vì dịch - Ảnh 5.

Xây dựng đường bộ ở Pakistan cũng là một phần trong dự án Vành đai – con đường của Trung Quốc – Ảnh: AP

Đứng trước ngày càng nhiều đề nghị xóa nợ, Trung Quốc vẫn yêu cầu đàm phán với các nước vay nợ, nhưng lãnh đạo ở các nước này vẫn quyết tâm kêu gọi sự giúp đỡ của thế giới.

Hồi tháng 4, thủ tướng Pakistan đã kêu gọi các nước giàu và các tổ chức xóa nợ cho tất cả các quốc gia đang phát triển.

Hai tuần sau, nhóm G20, bao gồm Trung Quốc, tuyên bố sẽ đóng băng tất cả các khoản thanh toán nợ cho các quốc gia nghèo nhất thế giới cho đến cuối năm nay.

Trung Quốc lúng túng khi các nước nghèo xin xóa nợ vì dịch - Ảnh 6.

Cảng Hambantota là một trong những công trình tiêu tốn nhiều khoản vay từ Trung Quốc nhất của Sri Lanka – Ảnh: New York Times

Các quan chức Trung Quốc nhấn mạnh rằng họ sẽ tiếp tục thực hiện các dự án ở các nước đang phát triển. Nhưng nếu Trung Quốc vẫn cố chấp mặc cả, các quốc gia “con nợ” có thể hợp tác với nhau và công khai những điều khoản, điều kiện cho vay của Trung Quốc.

Nhiều quốc gia khác có thể dựa vào đó để thay đổi cách thức cho vay, buộc Trung Quốc phải thay đổi thỏa thuận.

Khi nhìn sâu rộng vào vấn đề ở các quốc gia vay nợ, đây có thể là một rủi ro cao cho Trung Quốc. Liệu họ sẽ chấp nhận tổn thất không thể tránh khỏi từ những khoản nợ hay họ sẽ tịch thu tài sản chiến lược của các quốc gia trong giai đoạn nhạy cảm này?

Scott Morris, thành viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển toàn cầu

Theo Báo Tuổi trẻ

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *