Home Cộng Đồng Siêu thị Mỹ ‘thất thủ’ cho thấy sức mạnh của thị trường Trung Quốc
Cộng Đồng

Siêu thị Mỹ ‘thất thủ’ cho thấy sức mạnh của thị trường Trung Quốc

Việc siêu thị Costco của Mỹ phải đóng cửa vì quá đông khách trong ngày đầu ra mắt cho thấy sức mua của người Trung Quốc sẽ khiến các công ty Mỹ khó rời bỏ thị trường này.

“Gã khổng lồ” trong ngành bán lẻ của Mỹ Costco vừa khai trương cửa hàng ở Thượng Hải hôm 27/8 đã phải vội đóng cửa vì lo ngại an toàn cho đám đông đổ xô vào mua sắm. Các thương hiệu đình đám như Hermès, Prada… dành được sự quan tâm của người tiêu dùng Trung Quốc.

Trong lúc thương chiến leo thang khi Mỹ và Trung Quốc liên tục áp đặt các biện pháp thuế quan để trả đũa nhau, cú “thất thủ” của siêu thị Costco cho thấy người Trung Quốc vẫn yêu thích các thương hiệu Mỹ. Ở phía ngược lại, sức mua của thị trường Trung Quốc cũng khiến các công ty Mỹ phải đắn đo nếu muốn rời bỏ thị trường này.

Vượt xa đối thủ

Thông tin về ngày khai trương siêu thị Costco cùng những ưu đãi lớn đã lan truyền trên mạng xã hội và truyền thông của Trung Quốc khiến người dân “đứng ngồi không yên”.

Trái ngược với không khí ở các siêu thị đối thủ Carrefour và Walmart, người dân Thượng Hải đã chào đón Costco bằng cách không thể ngờ. Họ “điên cuồng” mua sắm mọi mặt hàng từ túi xách, rượu, giày dép đến thực phẩm…

South China Morning Post cho biết Carrefour và Walmart đã bị thất thế ở thị trường Trung Quốc vì làn sóng “thương mại điện tử”.

Sieu thi My 'that thu' cho thay suc manh cua thi truong Trung Quoc hinh anh 1
Cảnh chen lấn trong siêu thị Costco Thượng Hải trong ngày đầu khai trương. Ảnh: AFP.

Tại Costco, đám đông tranh nhau mua rượu Quý Châu Mao Đài với giá 209 USD, rẻ hơn những nơi khác tới 60 USD, balo da thương hiệu Hàn Quốc 615 USD, rẻ hơn 150 USD so với mua ở trang thương mại điện tử Trung Quốc Tmall. Chiếc túi xách của Prada được bán với giá 13.999 nhân dân tệ (tương đương 1.900 USD) hay những chiếc túi Birkin của Hermès với giá không dưới vài nghìn USD.

Jacky Chen, người dân Thượng Hải đến đây mua hàng, mô tả cảnh tượng hỗn loạn khi đám đông đổ xô đi mua một vài món hời. Một nhân viên bán hàng 35 tuổi cho biết giữa những người mua hàng đã xảy ra cãi vã.

Siêu thị đã phải đóng cửa vào khoảng 13h40 cùng ngày. Costco nói rằng họ không nhận thêm khách để đảm bảo trải nghiệm mua sắm cho những người đã vào bên trong siêu thị.

Những người mua hàng nói rằng họ mất ít nhất ba giờ để tìm chỗ trống trong bãi đậu xe của siêu thị và hai giờ nữa để đi ra.

Công ty Mỹ khó bỏ thị trường Trung Quốc

Siêu thị Costco Thượng Hải nằm trong tòa nhà 4 tầng. Người tiêu dùng phải trả 299 nhân dân tệ (40 USD) để nhận được thẻ thành viên và được giảm giá một số mặt hàng.

“Tôi nghĩ rằng phí thành viên rất xứng đáng bởi vì với 299 nhân dân tệ, chúng tôi có cơ hội mua rất nhiều hàng hóa với mức giá tốt”, Ben Zhou, người dự định đến siêu thị trong những ngày tới, chia sẻ. “Đây là một ví dụ điển hình về mối quan hệ thương mại tốt đẹp giữa Mỹ và Trung Quốc, có thể mang lại lợi ích cho đông đảo người tiêu dùng”.

Tầng trệt là nơi mua sắm và 3 tầng còn lại cung cấp chỗ để xe cho khoảng 1.000 ôtô theo ThePaper.cn.

Sieu thi My 'that thu' cho thay suc manh cua thi truong Trung Quoc hinh anh 2
Túi xách của các thương hiệu lớn trong siêu thị Costco. Ảnh: SCMP.

“Tôi đang làm việc thì bất ngờ nhận được những hình ảnh từ bạn bè. Họ nói rằng mọi người đang cố gắng bằng mọi cách để vào Costco”, ông Joyce Shi, người làm việc cho một nhà xuất bản địa phương cho biết.

“Đây là ví dụ tuyệt vời cho thấy các công ty Mỹ sẽ khó khăn như thế nào nếu từ bỏ thị trường Trung Quốc”, Xiao Lei, chuyên gia tài chính làm việc tại Bắc Kinh nhận định.

“Thị trường Trung Quốc vẫn có sức tiêu thụ lớn, đặc biệt đối với hàng hóa cao cấp. Các tập đoàn Mỹ khó có thể bỏ qua thị trường này. Vì vậy, Tổng thống Trump có thể phải xem xét lại lời kêu gọi yêu cầu các công ty Mỹ quay trở lại quê hương”.

Tuần trước, Tổng thống Trump đe dọa sẽ buộc các doanh nghiệp Mỹ rời khỏi Trung Quốc theo Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế năm 1977.

“Tôi có quyền tuyệt đối để làm điều đó, nhưng chúng tôi sẽ xem mọi chuyện diễn ra như thế nào”, ông Trump nói sau khi Trung Quốc thông báo áp dụng mức thuế trả đũa đối với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Thương mại điện tử “lên ngôi”

Các siêu thị nước ngoài lớn nhỏ đã “mọc lên như nấm” ở Trung Quốc đại lục vào những năm 1990. Tuy nhiên, sự bùng nổ của thương mại điện tử đã làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Người trẻ ở thành thị ngày càng chuộng sử dụng điện thoại di động để đặt mọi mặt hàng, từ nhu yếu phẩm hàng ngày đến đồ gia dụng, vé xem phim và bữa ăn.

Số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy doanh số bán lẻ ở Trung Quốc tăng 8,4% lên 19,5 nghìn tỷ nhân dân tệ trong nửa đầu năm, nhưng riêng doanh số bán hàng trực tuyến đã tăng tới 17,8%.

Các nhà bán lẻ nước ngoài bao gồm Carrefour và Walmart tiếp tục mất chỗ đứng trong phân khúc hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại Trung Quốc.

Sieu thi My 'that thu' cho thay suc manh cua thi truong Trung Quoc hinh anh 3
Người dân tranh nhau mua gà nướng trong siêu thị Costco. Ảnh: AFP.

Vào tháng 6, Carrefour, tập đoàn bán lẻ Pháp với 210 siêu thị ở Trung Quốc, đã thông báo kế hoạch bán 80% cổ phần tại đây cho Suning. Siêu thị Metro của Đức cho biết đã chuyển nhượng phần lớn cổ phần tại thị trường Trung Quốc.

Các nhà bán lẻ truyền thống bắt đầu áp dụng hình thức chạy quảng cáo trên các mạng xã hội.

Bên cạnh việc tung sản phẩm lên các trang thương mại điện tử phổ biến như Taobao, các nhà bán lẻ cũng đang tích cực chạy quảng cáo các sản phẩm trên các mạng xã hội, hoặc trả tiền cho những người có sức ảnh hưởng trên cộng đồng mạng (KOLs) để quảng cáo sản phẩm.

Theo Zing

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *