Home Cộng Đồng Phụ nữ nước ngoài bị sàm sỡ ở hồ Tây – vấn nạn đã kéo dài nhiều năm
Cộng Đồng

Phụ nữ nước ngoài bị sàm sỡ ở hồ Tây – vấn nạn đã kéo dài nhiều năm

Sau khi nhiều phụ nữ nước ngoài tố cáo việc bị tấn công tình dục ở khu vực Quảng An, một số nạn nhân kể lại các vụ tương tự nhiều năm trước.

Xảy ra đã lâu, nhưng các vụ việc của quá khứ có sự tương đồng đáng kể với các vụ việc của năm 2021. Từ nhiều năm trước, tại khu vực Quảng An, Hà Nội, một số phụ nữ nước ngoài đã bị sờ soạng một cách thô bạo bởi những người đàn ông bất ngờ tiếp cận bằng xe máy.

“Trong 15 năm tôi sống ở Tây Hồ… mọi năm đều có các vụ tương tự xảy ra với bạn bè tôi ở đây”, Sarah van der Velden, luật sư 45 tuổi đến từ Mỹ, bình luận về các đợt nạn nhân đồng loạt lên tiếng vừa qua.

“(Trước đây) các vụ tấn công tình dục chỉ không được chia sẻ rộng và nhanh như vậy”, chị nói với Zing.

Nạn nhân nhiều năm trước lên tiếng

Bản thân chị van der Velden bị quấy rối hai lần trong thời gian ở Việt Nam – đều bởi những kẻ đi xe máy.

Năm 2011, ở Quảng An, một người đàn ông Việt ngoài 40 tuổi dừng xe và cởi quần, có hành động kích dục ngay trước mặt chị, làm chị cảm thấy “buồn nôn”.

Năm 2018, khi chị đang chạy trên cùng con đường ven hồ, một người đàn ông Việt khác, tầm ngoài 40, lái xe máy từ phía sau, vỗ vào mông chị, rồi phóng lên và cười.

“Tôi đã hét lên với hắn ngay lập tức, nhưng vẫn cảm thấy bị xâm hại và tức giận rất lâu”, chị nói. “Những vụ như vậy xảy ra với mọi phụ nữ chạy bộ mà tôi biết”.

Nhiều vụ sàm sỡ nhắm vào người nước ngoài được công khai khiến một số đại sứ quán như Mỹ, Anh, Ireland và Pháp gần đây phải cảnh báo công dân về nguy cơ tấn công tình dục ở khu Quảng An. Một nhóm Facebook được lập ra để người nước ngoài tại đây “báo động” nhau về các vụ việc mới, và để nạn nhân lên tiếng.

Hồ Tây – điểm đến vui chơi của nhiều người trẻ, cả Việt Nam lẫn nước ngoài – trong bức ảnh chụp năm 2018. Ảnh: Đoàn Tùng.

Dưới các bài lên tiếng của nạn nhân, nhiều ý kiến bày tỏ cảm thông và kể lại các vụ việc xảy ra với chính mình nhiều năm trước, với các bình luận như “Tôi sống ở Tây Hồ 4 năm trước và lúc đó cũng như bây giờ”, hoặc “Tôi không còn dắt chó đi dạo buổi tối nữa sau vụ của mình”.

Lo May, 30 tuổi, đến từ Mỹ, cho biết thông tin về các vụ sàm sỡ gần đây đang “ảnh hưởng đến bản thân nhiều hơn tôi nghĩ”, do cô cũng từng là nạn nhân, cũng ở quanh các con phố này.

Khoảng đầu năm 2018, cô May đang đi trên phố Đặng Thai Mai với bạn trai, gần ngõ 12 thì hai nam thanh niên lái xe máy từ phía sau tới, vỗ mông cô, rồi đi tiếp. Trời tối, chúng chạy quá nhanh khiến cô không thể nhìn rõ biển số.

“Tôi cứ thế cứng đờ người”, cô nói với Zing. Cô cũng cảm thấy thất vọng vì không nhận được phản ứng thông cảm hơn từ bạn trai: “Tôi không nghĩ anh ta hiểu chuyện này kinh khủng thế nào”.

Vì vậy, những ngày qua, cô May – làm công việc dẫn tour cưỡi ngựa ở Long Biên – cảm thấy phải đặc biệt đề phòng khi đi bộ một mình, liên tục cảnh giác xem có những thanh niên “trẻ trâu” (cô nhắc đến bằng từ tiếng Việt) ở xung quanh hay không.

Hình ảnh hai nghi phạm vừa sàm sỡ phụ nữ nước ngoài, do một nạn nhân chụp được. (Tài xế mặc áo xanh lá cây không liên quan.) Ảnh: Gemma Sheppard

Không chỉ phụ nữ nước ngoài

Không chỉ người nước ngoài, phụ nữ Việt Nam cũng gặp nguy cơ bị quấy rối ở quanh hồ Tây.

Phóng viên Bảo Uyên, 32 tuổi sống ở Tây Hồ (Hà Nội), không còn chạy bộ tới khúc “hai con rồng” (ven đường Lạc Long Quân bên hồ Tây) như trước, sau một lần cô và một người bạn nữ bị nhóm đàn ông trung niên đang câu cá gần đó buông lời trêu ghẹo, xúc phạm về ngực của phụ nữ.

Vụ việc xảy ra đầu năm 2020, làm Uyên “thật sự khó chịu”. Nhóm người còn dọa đánh nhau, sau khi cô bạn của Uyên phản ứng và nói “vì sao các bác ăn nói vô duyên như vậy?”.

“Thêm các vụ quấy rối gần đây, mình không chạy ở ngoài đường nữa, vì cảm thấy không an toàn”, Uyên nói với Zing. “Như vậy rất tiếc vì Hà Nội có khu vực này là để vui chơi ngoài trời một cách thích thú”.

Hoàng hôn ở hồ Tây, trong bức ảnh chụp năm 2018. Ảnh: Đoàn Tùng.

Cô cho rằng nhiều phụ nữ Việt Nam từng phải trải qua các hành vi quấy rối như cô, nhưng không có nhiều cách để chia sẻ.

Theo khảo sát năm 2014 của tổ chức ActionAid, 87% trong số hơn 2000 phụ nữ ở Hà Nội và TP.HCM cho biết họ từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng. 57% phụ nữ cho biết họ bị tấn công ngay trên đường phố.

Chỉ 1,9% phụ nữ nói sẽ trình báo cảnh sát, số còn lại tin rằng làm vậy không đạt kết quả gì. Chỉ 0,8% người chứng kiến từng gọi cho các đường dây nóng.

Đây không phải lần đầu tiên nhiều phụ nữ nước ngoài đồng loạt công khai chuyện bị tấn công tình dục gần hồ Tây. Một bài viết cuối năm 2016 cho biết có một đợt mà 18 vụ tấn công, quấy rối tình dục được công khai trên một nhóm Facebook có tên “Hanoi Massive” của người nước ngoài.

Họ kể việc bị sờ soạng một cách thô bạo bởi tài xế taxi hoặc xe ôm, hoặc những người đàn ông đi xe máy – tương tự các vụ tấn công tình dục nhắm vào phụ nữ nước ngoài năm 2021.

Hai phụ nữ người Nam Phi (trái) đứng bên Hồ Tây vào thời điểm hoàng hôn, trong bức ảnh chụp năm 2018. Ảnh: Đoàn Tùng.

“Xã hội không hỗ trợ đủ cho phụ nữ”

Sau hai lần bị sàm sỡ trên cùng một con đường ở Quảng An, chị Sarah van der Velden luôn cảnh giác khi chạy: luôn báo với gia đình về đường chạy, không đeo tai nghe, để ý xung quanh, tính toán sẵn đường thoát thân nếu cần.

Dù vậy, chị khẳng định mình cảm thấy an toàn, nếu “nhìn tổng thể”. “Tôi không phải là đang sống một cách sợ hãi”, chị nói. “Mà tôi sống một cách thực tế – luôn đề phòng xung quanh”.

“Chưa có đủ hỗ trợ từ xã hội để ngăn quấy rối/bạo lực tình dục hoặc trả lại công lý cho nạn nhân. Thay vào đó là việc đổ lỗi cho nạn nhân, và không quy trách nhiệm cho kẻ quấy rối”, Sarah van der Velden bình luận.

“Đây là vấn đề dai dẳng ở mọi nơi, bao gồm cả ở Quảng An”, chị nói.

Theo Zing

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *