Home Cộng Đồng Phát triển nhiệt điện than – Khi Việt Nam đi ngược chiều thế giới
Cộng Đồng

Phát triển nhiệt điện than – Khi Việt Nam đi ngược chiều thế giới

Trong khi nhiều nước trên thế giới đang đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than thì Việt Nam lại đang phát triển loại năng lượng này. Tỷ trọng điện than đang chiếm cao nhất hệ thống.

Năm 2020, dự báo tỷ trọng nhiệt điện chạy than của Việt Nam chiếm khoảng 41% tổng cung lượng điện, gấp 1,5 lần thủy điện.

Trong khi thế giới đang cắt giảm điện than do chi phí cao và ô nhiễm môi trường, thì tại Việt Nam, nhiệt điện than đang ngày càng áp đảo và trở nên quan trọng.

Bức tranh “đen và khói”

Theo tính toán của Bộ Công Thương, khoảng 20 nhiệt điện than đang vận hành năm nay cung cấp khoảng 86 tỷ kWh, đóng góp 39% tổng lượng điện thương phẩm trong năm 2018, khoảng 220 tỷ kWh.

Với tổng công suất lắp đặt 131 tỷ kWh, qua năm 2019, các nhà máy này được dự báo đóng góp 116-120 tỷ kWh, chiếm 40% tổng sản lượng điện. Mức đóng góp của nhiệt điện than tăng lên để bù đắp thiếu hụt nguồn cung từ thủy điện do hậu quả của hạn hán.

Phat trien nhiet dien than - khi Viet Nam di nguoc chieu the gioi hinh anh 1

Theo số liệu từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), Việt Nam hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, với tổng công suất lắp đặt khoảng 14.310 MW. Dự kiến, đến năm 2030 sẽ tăng lên 65 nhà máy.

Đi cùng với những nhà máy nhiệt điện than này là các con số đáng báo động về chất lượng sống và nhiều vấn đề về môi trường.

Theo tính toán của EVN, để có lượng điện than cung cấp cho Việt Nam năm sau, tập đoàn này sẽ đốt khoảng 54 triệu tấn than. Điều này đồng nghĩa với mỗi ngày khoảng 150.000 tấn sẽ được tiêu thụ. Trong khi đó, khi đốt 10 tấn than sẽ có 3,3 tấn tro xỉ. Việc xử lý khối lượng thải này là bài toán nan giải.

Hiện nay, cả nước đang tồn khoảng 15 triệu tấn tro xỉ sau quá trình đốt than chưa thể xử lý.

Hơn nữa, nhiệt điện than được chứng minh có liên quan trực tiếp đến tình trạng sức khỏe của nhiều khu vực tại Việt Nam. Tại một hội thảo mới đây, ông Nguyễn Trọng An, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng dẫn lại tài liệu công bố tháng 1/2017 liên quan đến số ca tư vong sớm ở Việt Nam do ô nhiễm nhiệt điện than. Theo đó, năm 2011, cả nước có 4.300 ca, thì dự báo số ca tử vong do ô nhiễm nhiệt điện than tăng tới 15.700 ca, gấp 3 lần.

Khi Trung Quốc nói không với nhiệt điện than

Một câu chuyện đáng lo nữa là yếu tố Trung Quốc trong việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam.

TS. Tạ Đình Xuyên, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội quốc gia NCIF (thuộc Bộ Kế hoạch – Đầu tư), cảnh báo việc Trung Quốc đang cho dừng hàng loạt nhà máy nhiệt điện, thậm chí là cấm cửa nhiệt điện có thể khiến các dây chuyền nhà máy điện than chuyển sang Việt Nam.

Theo ông Xuyên, Trung Quốc đã và đang đóng cửa khoảng 600 nhà máy nhiệt điện chạy than gây ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, Việt Nam đang có hàng loạt các dự án xây dựng trung tâm, nhà máy nhiệt điện nở rộ…

Phat trien nhiet dien than - khi Viet Nam di nguoc chieu the gioi hinh anh 2

Trong số 14 nhà máy nhiệt điện than đang khai thác ở đồng bằng sông Cửu Long thì có tới 10 nhà máy do Trung Quốc đầu tư.

Mối lo của ông Xuyên hoàn toàn có cơ sở khi nhiều báo cáo cho thấy việc Trung Quốc đang rót vốn mạnh vào nhiều dự án nhiệt điện than tại Việt Nam. Có dự án, nguồn vốn vay Trung Quốc chiếm tới 80% tổng vốn đầu tư.

Báo cáo của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) Việt Nam cho biết tổng vốn đầu tư vào nhiệt điện than ở Việt Nam tính tới đầu năm 2017 là gần 40 tỷ USD, trong đó 17% đến từ các ngân hàng trong nước, 52% đến từ các ngân hàng nước ngoài và 31% không xác định được nguồn.

Đối với nguồn vốn vay từ nước ngoài xác định được nguồn gốc thì có đến 50% vay của Trung Quốc tương đương 8 tỷ USD. Nhật Bản đứng thứ hai với 23% và Hàn Quốc đứng ngay sau với tỷ lệ 18%.

Năng lượng tái tạo sẽ rẻ hơn vận hành nhiệt điện than?

Một trong những lý do cho sự đầu tư vào nhiệt điện than là ưu điểm giá thành và vốn đầu tư.

Theo PGS-TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam, giá thành sản xuất nhiệt điện than thấp, chỉ khoảng 0,7 USD/KWh; vốn đầu tư không quá cao với khoảng 1.500 USD/KWh – thấp hơn thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện hạt nhân.

Thế nhưng, điều này có vẻ không thực sự đúng, theo nghiên cứu của Tổ chức nghiên cứu uy tín Carbon Tracker (có trụ sở ở London, Anh).

Nghiên cứu đã phân tích tài chính của 6.685 nhà máy than trên toàn thế giới, chiếm 95% (1.900 GW) toàn bộ công suất hoạt động và 90% (220 GW) công suất đang được xây dựng.

Theo báo cáo, khoảng 42% các nhà máy điện than toàn cầu đang gặp khó khăn trong bài toán kinh tế do không có lợi nhuận vì chi phí nhiên liệu tăng cao, trong đó có 25% đang bị lỗ. Đến năm 2040, số nhà máy gặp khó khăn có thể đạt 72% khi giá than tăng cao và các quy định về ô nhiễm không khí làm tăng chi phí.

Ngay tại Việt Nam, áp lực về tăng giá nguyên nhiên liệu đầu vào cũng đang khiến các nhà máy gặp khó.

Bao cáo của Carbon Tracker cũng nhấn mạnh chi phí để chạy 35% các nhà máy điện than đang đắt hơn là xây dựng nguồn điện năng lượng tái tạo. Tổ chức này dự báo đến năm 2030 việc xây dựng các năng lượng tái tạo mới sẽ rẻ hơn so với tiếp tục vận hành 96% các nhà máy than hiện có và dự kiến của hiện tại.

Phat trien nhiet dien than - khi Viet Nam di nguoc chieu the gioi hinh anh 3

Báo cáo lấy ví dụ Trung Quốc có thể tiết kiệm 389 tỷ USD bằng cách đóng cửa các nhà máy phù hợp với Hiệp định về khí hậu Paris thay theo đuổi điện than. Trong khi đó EU có thể tiết kiệm 89 tỷ USD; Mỹ có thể tiết kiệm 78 tỷ USD; và Nga có thể tiết kiệm 20 tỷ USD

Carbon Tracker chỉ ra rằng người tiêu dùng ở một số nước đang phải trả giá đắt khi sử dụng điện than, thậm chí ở một số nước đang dùng tiền thuế của người dân để trợ giá một cách không kinh tế. Tuy nhiên, tổ chức cảnh báo nếu đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than theo Hiệp định Paris thì ngành công nghiệp này có thể mất 92 tỷ USD ở Hàn Quốc, 76 tỷ USD ở Ấn Độ, 51 tỷ USD ở Nam Phi… Do đó dẫn đến sự trì hoãn trong đóng cửa một số nhà máy ở nhiều nước.

Carbon Tracker cho rằng các Chính phủ nên loại bỏ than một cách tuần tự, bắt đầu từ việc đóng cửa các nhà máy kém hiệu quả trước tiên.

“Khi mà xây dựng nhà máy mới năng lượng tái tạo và khí đốt rẻ hơn để xây dựng điện than thì nên cấm đầu tư vào năng lượng than mới. Điểm này đã đạt được ở châu Âu, Mỹ, Ấn Độ và một phần của châu Mỹ Latinh”, báo cáo nói.

Cuối cùng, ở góc độ môi trường, Carbon Tracker cảnh báo muốn đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu cuối thế kỷ này dưới 1,5°C theo Hiệp định liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, thì phải đóng cửa 60% các nhà máy nhiệt định than trước năm 2020.

Theo Zing