Home Cộng Đồng Ngôi trường ở Mỹ dậy sóng vì tin nhắn ‘Mọi người gốc Á nên chết đi’
Cộng Đồng

Ngôi trường ở Mỹ dậy sóng vì tin nhắn ‘Mọi người gốc Á nên chết đi’

Những tin nhắn có nội dung phân biệt chủng tộc với người Mỹ gốc Á tại Đại học Occidental và cách nhà trường xử lý vụ việc làm dấy lên làn sóng phản đối từ sinh viên.

Cuối năm 2020, một sinh viên Đại học Occidental, bang California, Mỹ gửi tin nhắn cho bạn học với nội dung: “Mọi người gốc Á nên chết đi”.

Người châu Á “chịu trách nhiệm cho đại dịch nên họ cũng đáng phải chết vì điều này”, sinh viên trên bổ sung, theo Los Angeles Times.

Vụ việc này chỉ được báo cáo vào cuối năm 2021. Kể từ đó, ngôi trường nhỏ này đã “dậy sóng” khi sinh viên thắc mắc về phản ứng chậm trễ và không thỏa đáng của nhà trường.

Ngôn từ thù ghét

Hôm 8/2, sau hàng loạt khiếu nại, Chủ tịch Đại học Occidental Harry Elam cho biết sinh viên gửi tin nhắn phân biệt chủng tộc không còn học tại trường và đã “bày tỏ sự ăn năn và hối lỗi” trước hành động của mình. Ông Elam cam kết nhà trường sẽ tổ chức nhiều buổi đối thoại và tọa đàm về chống phân biệt chủng tộc.

Trong khi đó, ông Marty Sharkey, Phó chủ tịch phụ trách truyền thông của nhà trường, không tiết lộ lý do sinh viên trên nghỉ học. Ông cho biết nhà trường không đưa ra hình thức kỷ luật nào liên quan tới các đoạn tin nhắn.

Vụ việc xảy ra ở Đại học Occidental làm dấy lên câu hỏi về cách đối phó với phát ngôn thù ghét ở môi trường đại học, đặc biệt là trong các tin nhắn riêng.

phan biet chung toc truong hoc my anh 1

Nhiều sinh viên đại học Occidental bày tỏ sự thắc mắc trước cách nhà trường phản ứng với vụ việc. Ảnh: Los Angeles Times.

Trong một email gửi đến toàn thể sinh viên hôm 3/2, ông Elam lên án các đoạn tin nhắn, nhưng cũng cho biết hành động của nhà trường sẽ bị giới hạn bởi luật của bang California. Trước đó, một số sinh viên muốn buộc người nhắn tin phải chịu trách nhiệm.

“Tôi tức giận khi thấy toàn thể sinh viên phải chịu tổn thương”, Shanna Yeh, một sinh viên gốc Hoa năm thứ ba, tuyên bố.

Sinh viên năm hai Anaise Nugent, người nhận được tin nhắn phân biệt chủng tộc, cho biết cô không muốn tố cáo vì muốn cho bạn mình một cơ hội. Tuy vậy, người này tiếp tục có những phát ngôn mang tính công kích như khẳng định việc tuyển sinh các vận động viên da đen “lấy đi chỗ của những người như cô”.

“Tôi cố gắng cho cô ta cơ hội để rút ra bài học, nhưng cô ta không làm thế”, Nugent nói.

Trước khi được đăng tải lên Instagram hôm 2/2, vụ việc chỉ được biết đến bởi một số quan chức nhà trường và hội nữ sinh Kappa Alpha Theta, nơi cả người nhắn tin và Nugent là thành viên.

Sau vụ việc, chi nhánh trường Occidental của Kappa Alpha Theta quyết định khai trừ thủ phạm. Tuy vậy, lãnh đạo toàn quốc của hội nữ sinh trên phản đối quyết định này, đề cập tới một điều luật rằng các thành viên không bị trừng phạt vì một hành động trước khi gia nhập. Nữ sinh viên nhắn tin chỉ gia nhập hội vào năm 2021.

Vì sự bất đồng này, các thành viên thuộc chi nhánh trường Occidental chuẩn bị bỏ phiếu về việc tự giải tán.

Về phần mình, hội nữ sinh Kappa Alpha Theta bày tỏ “lấy làm tiếc” vì mọi người chịu tổn hại trước những ngôn từ thù ghét từ một cựu thành viên của hội.

Sự tức giận của sinh viên

Shanna Yeh, người cũng là một thành viên của Kappa Alpha Theta, cảm thấy bị nhà trường “phủi tay” khi báo cáo vụ việc, trong bối cảnh tình trạng bạo lực nhằm vào người gốc Á tại Mỹ đang có chiều hướng gia tăng.

“Tôi không dự họp để yêu cầu đuổi học sinh viên kia. Tôi chỉ muốn cô ấy phải chịu trách nhiệm”, Yeh nói.

phan biet chung toc truong hoc my anh 2

Một cuộc biểu tình của người Mỹ gốc Á về vấn đề giáo dục ở thủ đô Washington, Mỹ. Ảnh: Reuters.

Một số sinh viên cũng tỏ ra tức giận khi thông điệp phản đối phân biệt chủng tộc được họ viết trên bảng bị nhân viên nhà trường xóa đi. Ông Elam cho biết đây là lỗi của cán bộ nhà trường.

Trong email gửi tới các sinh viên, ông Elam bày tỏ sự “ghê tởm và buồn rầu” trước các tin nhắn. Ông cho biết bản thân chỉ nhìn thấy chúng vào ngày hôm trước.

Để giải thích về nguyên nhân nhà trường không có các biện pháp trừng phạt nhằm vào sinh viên nhắn tin, ông Elam nhắc đến luật Leonard của bang California, trong đó quy định sinh viên ở các trường đại học tư có quyền tự do ngôn luận ngang với các trường công.

“Một cuộc trò chuyện riêng tư bằng tin nhắn, không nhằm vào cá nhân nào và không đại diện cho một mối đe dọa đáng tin cậy, không nhất thiết cấu thành hành vi quấy rối bất hợp pháp”, ông Elam viết.

Ông Ken White, luật sư tại hãng luật Brown White & Osborn tại Los Angeles, có chung quan điểm. Theo ông, các tin nhắn trên không hướng đến một người Mỹ gốc Á cụ thể nào, cũng như không phải là lời “đe dọa” về mặt pháp lý. Do đó, chúng được bảo vệ theo quy định về tự do ngôn luận.

Tuy vậy, các sinh viên nhận định nhà trường có thể làm nhiều hơn và nhanh chóng hơn.

“Nếu mọi người biết về vụ việc này ngay sau khi xảy ra, sự giận dữ sẽ giảm bớt”, sinh viên năm ba Emily Driscoll, thành viên hội nữ sinh Kappa Alpha Theta, tuyên bố. “Tuy nhiên, cộng đồng đã biết về vụ việc hàng tháng và cảm thấy nhà trường như muốn che giấu”.

Theo Zing

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *