Home Cộng Đồng Nghìn lọ tro cốt lại dấy tranh cãi về số liệu Covid-19 Trung Quốc
Cộng Đồng

Nghìn lọ tro cốt lại dấy tranh cãi về số liệu Covid-19 Trung Quốc

Thông tin về hàng nghìn lọ tro cốt ở Vũ Hán lại làm dấy lên nghi vấn về số liệu Covid-19 ở Trung Quốc, khi người chết ở Tây Ban Nha, Italy, Mỹ, Pháp đều vượt nước này.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận hơn 245.000 ca nhiễm và hơn 6.000 người chết. Số ca tử vong tại Italy, Tây Ban Nha và Pháp lần lượt là hơn 13.900, 10.900, và 5.300, lớn hơn nhiều con số tại Trung Quốc là hơn 3.300 ca trong khoảng 81.600 người nhiễm.

Hoài nghi về số liệu của Trung Quốc đã tồn tại trong suốt cuộc khủng hoảng, do giới chức ban đầu cố gắng che đậy dịch và kỷ luật những người cảnh báo sớm. Hình ảnh hàng nghìn lọ đựng tro cốt và hàng dài người chờ đợi tại nhà tang lễ ở Vũ Hán tuần trước lại làm bùng lên tranh luận.

Hàng nghìn thùng đựng bình tro cốt được xếp đặt tại một nhà tang lễ ở Vũ Hán hôm 26/3. Ảnh: Caixin

Hàng nghìn thùng đựng lọ tro cốt tại một nhà tang lễ ở Vũ Hán hôm 26/3. Ảnh:Caixin

Theo số liệu chính thức, Covid-19 khiến hơn 2.500 người chết ở thành phố Vũ Hán 11 triệu dân, chiếm 3/4 số nạn nhân toàn quốc. Hệ thống y tế ở thành phố này đã bị quá tải trong đỉnh dịch. Bệnh nhân phải về nhà dù có triệu chứng vì bệnh viện không còn giường để tiếp nhận và không có đủ kit xét nghiệm.

Những người chết tại nhà hay chết trước khi làm xét nghiệm không được tính vào thống kê chính thức, nhưng không rõ con số này là bao nhiêu. Một bác sĩ giấu tên nói với tạp chí Caixin rằng trong khoảng 20 ngày, số người nghi nhiễm chết tại bệnh viện của ông ngang ngửa với số ca tử vong vì nCoV được xác nhận.

Caixin đưa tin lò hỏa táng của nhà tang lễ Hán Khẩu ở Vũ Hán hoạt động 19 giờ mỗi ngày. Chỉ trong hai ngày, nhà tang lễ đã nhận 5.000 lọ đựng tro cốt. 13.856 thi thể được hỏa táng ở Vũ Hán trong quý IV năm 2019, theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu từ cơ quan dân sự thành phố.

Theo Washington Post, dựa vào các hình ảnh đăng trên mạng, nhiều người dùng mạng xã hội ước tính các nhà tang lễ Vũ Hán đã trả 3.500 lọ tro cốt mỗi ngày kể từ 23/3. Điều đó có nghĩa là số người chết ở Vũ Hán vào khoảng 42.000, gấp 16 lần con số chính thức. Một tính toán được chia sẻ rộng rãi khác nói rằng với 84 lò hỏa táng hoạt động không ngừng nghỉ và mỗi lần hỏa táng mất một giờ, số người chết ở Vũ Hán ở mức 46.800.

Cư dân Vũ Hán cũng bày tỏ nghi ngờ về số liệu thống kê chính thức. “Số liệu chắc không đúng vì các lò hỏa táng đã hoạt động suốt ngày đêm, sao có thể ít người chết như thế được?”, một người đàn ông họ Zhang nói.

Karine Lacombe, bác sĩ truyền nhiễm tại bệnh viện Saint-Antoine ở Paris, đánh giá “quy mô dịch bệnh đã được báo cáo ở mức tối thiểu”. “Họ có thể đã che giấu tỷ lệ tử vong thực sự. Khi nhìn vào những gì đang xảy ra ở Itay và Tây Ban Nha, thật khó tin khi Trung Quốc chỉ ghi nhận hơn 3.300 người chết”.

“Tỷ lệ tử vong của Trung Quốc chắc chắn đã bị hạ thấp”, Patrick Berche, giáo sư vi sinh học và cựu giám đốc Viện Pasteur ở Paris, nói. “Dù họ đã áp đặt các biện pháp kiềm chế dịch, thật khó tin nước này có số ca tử vong thấp như vậy”.

Trung Quốc đã “phủ sương mù” lên số liệu với vài lần thay đổi cách thống kê ca nhiễm. Ngày 13/2, Hồ Bắc thông báo đưa cả những ca được chẩn đoán lâm sàng nhiễm virus (chẩn đoán dựa trên các triệu chứng phù hợp với Covid-19 và chụp CT) vào số liệu ca nhiễm mới. Thay đổi này khiến số ca nhiễm mới được báo cáo tại tỉnh ngày 13/2 tăng gần gấp 10 lần so với một ngày trước đó. Nhưng ngày 19/2, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ra chỉ đạo, yêu cầu chỉ công nhận các ca nhiễm nCoV nếu xét nghiệm axit nucleic cho kết quả dương tính, đảo ngược quyết định của Hồ Bắc.

Cho đến 1/4, Trung Quốc không tính những người dương tính với nCoV nhưng không có triệu chứng vào số ca nhiễm được xác nhận, mặc dù WHO yêu cầu các nước thành viên báo cáo các trường hợp như vậy. Ngày 1/4, Trung Quốc mới công bố số ca thuộc diện này là hơn 1.300.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ nói số người nhiễm nCoV nhưng không có triệu chứng có thể lên tới 25%. “Nếu họ dương tính với nCoV thì dù họ không có triệu chứng, họ vẫn cần được tính”, chuyên gia về virus Ian Mackay thuộc Đại học Queensland, Australia, nói.

Ngày 4/4 là tết Thanh minh, dịp người dân đi tảo mộ. Trong khi một số lượng hạn chế người sẽ được phép vào nghĩa trang ở Bắc Kinh và Thượng Hải, sẽ không có hoạt động như vậy ở Vũ Hán, nơi chính quyền thành phố cấm tổ chức tang lễ và tảo mộ cho đến ít nhất là tháng 5.

Giới chuyên gia cho rằng mặc dù đây là quy định để đảm bảo an toàn y tế, biện pháp cũng có thể mang động cơ khác. Chính quyền Trung Quốc có thể muốn tránh để các gia đình đang đau buồn có cơ hội tụ họp và phàn nàn về cách chống dịch của chính phủ.

Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân ở Vũ Hán ngày 16/2. Ảnh: Reuters.

Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân ở Vũ Hán ngày 16/2. Ảnh:Reuters.

Cộng đồng tình báo Mỹ tuần trước nộp báo cáo lên Nhà Trắng với kết luận rằng số ca nhiễm và ca tử vong Trung Quốc công bố thấp hơn nhiều thực tế. CIA đã cảnh báo Nhà Trắng về vấn đề này kể từ ít nhất là đầu tháng hai và khuyến cáo Mỹ không dựa vào số liệu của họ để xây dựng mô hình dự đoán tình hình dịch.

Theo NYTimes, tình báo Mỹ chưa thể thu thập được con số chính xác nhưng họ đánh giá rằng chính phủ trung ương Trung Quốc cũng không biết quy mô thực sự của Covid-19. Họ cho rằng các quan chức địa phương đã nói dối về tỷ lệ lây nhiễm, lượng người được xét nghiệm và số người chết, do lo sợ rằng nếu họ báo cáo con số quá cao, họ sẽ bị kỷ luật hay mất ghế.

Deborah Birx, nhà miễn dịch học tư vấn cho Nhà Trắng về phản ứng trước Covid-19, cho biết số liệu của Trung Quốc ảnh hưởng đến cách các nước khác nhìn nhận nCoV. “Cộng đồng y tế nhìn vào dữ liệu của Trung Quốc và cho rằng: Vấn đề này nghiêm trọng nhưng không đến mức như mọi người nghĩ. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta có lẽ đã thiếu một lượng dữ liệu đáng kể, hãy nhìn vào tình hình ở Italy hay Tây Ban Nha”, Birx nói.

Trong khi đó, Trung Quốc nhấn mạnh các biện pháp mạnh tay, bao gồm áp vòng kiềm tỏa với 60 triệu dân ở Hồ Bắc, đã giúp họ kiềm chế dịch. Bắc Kinh cũng phản ứng gay gắt trước nghi ngờ của Washington, nói rằng quan chức Mỹ “không biết xấu hổ, phi đạo đức” và đang tìm cách đổ lỗi cho bên khác khi chính họ đã xử lý dịch yếu kém.

Lý giải về hàng nghìn lọ tro cốt ở Vũ Hán, đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lô Sa Dã nói rằng nhiều người xếp hàng chờ nhận tro cốt vì Vũ Hán đã bị phong tỏa hơn hai tháng. Ông cho biết ngoài hơn 2.500 người chết ở thành phố này vì Covid-19, khoảng 10.000 người chết vì những nguyên nhân khác. Ông nói thêm ước tính 51.200 người đã chết ở Vũ Hán năm 2019, trung bình hơn 4.000 người mỗi tháng.

Theo AP, đúng là trước khi dịch xảy ra, mỗi tháng thành phố 11 triệu dân đã ghi nhận hàng nghìn người chết. Vào quý I năm ngoái, 14.700 thi thể được hỏa táng tại Vũ Hán. Quý IV năm 2018 ghi nhận 16.275 thi thể.

Hsu Li Yang, người đứng đầu chương trình bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng ở bất kỳ quốc gia nào, nắm được bức tranh hoàn chỉnh là điều gần như không thể.

“Cần hiểu rằng những con số dù từ Trung Quốc, Italy, Singapore hay Mỹ đều không thể chính xác, tất cả chúng đều thấp hơn số lượng thực tế ở một số mức độ nào đó”, Hsu nói.

Căng thẳng Mỹ – Trung đã gia tăng sau những màn đấu khẩu về Covid-19. Quan chức ngoại giao Trung Quốc tháng trước nêu thuyết âm mưu lính Mỹ đem nCoV đến Vũ Hán. Trump sau đó nhiều lần gọi nCoV là “virus Trung Quốc”. Tuy nhiên, sau cuộc điện đàm giữa ông Tập và ông Trump tuần trước, hai bên đã giảm những phát ngôn gay gắt.

Khi được hỏi về báo cáo của tình báo Mỹ hôm 2/4, Trump nói rằng ông đã thảo luận việc này với ông Tập, nhưng ông nhanh chóng bỏ qua vấn đề và nhắc đến thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. “Về vấn đề số liệu của họ có chính xác hay không, tôi không phải kế toán của Trung Quốc”, ông nói.

Theo Vnexpress

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *