Home Cộng Đồng Lao động “chui” ở nước ngoài (bài 2): Vì sao “đường thẳng” không đi?
Cộng ĐồngTâm Sự - Chia Sẻ

Lao động “chui” ở nước ngoài (bài 2): Vì sao “đường thẳng” không đi?

Nhiều năm nay, Bộ LĐ-TB&XH đã cấp phép cho các tổ chức, doanh nghiệp tại Hà Tĩnh và nhiều tỉnh thành được ký kết hợp tác với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan… đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Tuy vậy, tình trạng lao động “chui” (lao động không theo hợp đồng) vẫn diễn ra ngày càng nhiều với số tiền bỏ ra cho các chủ môi giới không ít? Vì sao vậy?

Câu trả lời là: Người lao động không muốn khổ công học tiếng, không muốn phải làm rất nhiều giấy tờ, phải mất nhiều thời gian chờ đợi. Và quan trọng nhất: họ muốn giàu nhanh, giàu bằng mọi giá. Những đường dây môi giới đi lao động trái phép nắm bắt được tâm lý này, chúng hoạt động xuyên quốc gia, xuyên lục địa.

Lao động tìm hiểu thị trường xuất khẩu lao động tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Tĩnh

Phần nổi của tảng băng chìm

Ruộng đồng bỏ hoang. Lao động ly hương ngày càng nhiều. Người ta đua nhau đi xuất khẩu lao động “chui”. Về những làng Cương Gián (Nghi Xuân); Thiên Lộc, Mỹ Lộc (Can Lộc); Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh)…, ai cũng dễ dàng nhận ra những ngôi nhà cao tầng khang trang và cả những chiếc xe hơi sang trọng.

Người sau theo người trước, rỉ tai nhau đi, có nhà 3-4 người đang sống và làm việc ở nước ngoài bất hợp pháp. Và ai đã từng đi lao động “chui” ở nước ngoài có thể hiểu được những gì chứa đựng đằng sau những đồng ngoại tệ. Đó là cảnh lao động cực nhọc trong nỗi lo nơm nớp, cảnh chui lủi ở bờ bụi, phải tắt điện thoại di động khi có các đợt truy quét của cảnh sát, thậm chí là bị bắt làm nô lệ cho những băng đảng buôn bán ma túy, trồng cần sa, không có ngày trở về. Họ đã phải đánh đổi hạnh phúc gia đình, tự do và cả tính mạng.

Năm 2018, Hà Tĩnh có 8.973 người xuất khẩu lao động (đứng thứ 3 cả nước, sau Nghệ An, Thanh Hóa) trong đó thị trường Đài Loan: 4.254 người, Hàn Quốc: 862 người, Nhật Bản: 2.726 người, các nước Trung Đông: 199 người, Algeria: 234 người, Malaysia: 148 người, Rumania: 413 người, các nước khác: 58 người.

Hiện, Hà Tĩnh có 5.058 lao động hết hạn hợp đồng và đang cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài. Trong đó, tại Hàn Quốc 1.878 người; Đài Loan 2.680 người; Nhật Bản: 350 người; các nước khác: 750 người.

Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) tuyên truyền, vận động lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn và cung cấp thông tin thị trường lao động tại Hàn Quốc

Đến nay, Hà Tĩnh có 58.700 người làm việc tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó, số có hợp đồng là 27.798 lao động. Thực trạng đáng buồn, Hà Tĩnh và Nghệ An là là 2 tỉnh có lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc nhiều nhất, đến nỗi có những thời kỳ, 5 huyện miền biển Hà Tĩnh bị phía bạn dừng tuyển lao động. Ngành LĐ-TB&XH và chính quyền các cấp, các hội đoàn thể đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, cảnh báo tình trạng lao động bất hợp pháp.

Cái chết của 39 người trong xe container ở Essex – Bắc Luân Đôn (Anh) thật sự làm chúng ta xót xa, thương cảm. Còn thương cảm, day dứt hơn vì đó chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Biết bao nhiêu người khác đang sống ngắc ngoải không có đường về, không biết đến ngày mai, và việc phải nằm lại trên đất khách cũng không loại trừ? Sau vụ việc 39 người này, còn tiếp diễn vụ việc đau lòng nào khác nữa không? Những ai sẽ tiếp tục: Cũng liều nhắm mắt đưa chân như thế nữa? Và những ai sẽ tiếp tục phá hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài làm “chui” để được hưởng lương cao hơn. Vì đồng tiền, hay vì thói quen vi phạm pháp luật? Hay vì cả hai?

Thảm họa nhân đạo

Những ngày này, dư luận thế giới và Việt Nam đang rúng động. Chính phủ Anh gọi sự việc 39 người tử vong trong xe container ở Essex là “Thảm họa nhân đạo”. Cảnh sát Anh đã vào cuộc nhanh chóng và sau 10 ngày đã cho kết quả bước đầu. Chính phủ Việt Nam ngay từ đầu đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành và các địa phương vào cuộc. Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh khi nhận được tin có thể có công dân người Việt Nam tử vong cũng ngay lập tức có hành động để phối hợp với cảnh sát Anh xác định danh tính của các nạn nhân. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chính phủ đã và sẽ làm hết sức mình để bảo hộ công dân trong “thảm họa nhân đạo” này, bằng bất cứ giá nào.

Cảnh sát điều tra tại hiện trường xe container chứa 39 thi thể ở Khu công nghiệp Waterglade thuộc Grays, phía Đông London, Anh ngày 23/10/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Về phía Hà Tĩnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo lực lượng chức năng nhanh chóng phối hợp với các bộ, ban, ngành xác định danh tính nạn nhân là người địa phương, làm các thủ tục bảo hộ công dân và điều tra các đường dây tổ chức đưa người đi lao động trái phép. Công an Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 1 đối tượng và tạm giữ 1 đối tượng, triệu tập một số đối tượng khác có liên quan.

Việc điều tra của ngành chức năng sẽ còn tiếp tục. Nhưng, trước khi để các đối tượng môi giới “đánh trúng tâm lý”, dụ dỗ đi lao động trái phép, những người lao động đang muốn đổi đời nhanh chóng cần nhận thức lại chân lý: Đường thẳng, dù có đi gian nan thì vẫn là con đường ngắn nhất, con đường sáng nhất. Hiểm nguy nhất vẫn là con đường bất hợp pháp. Sống, làm việc phải thượng tôn pháp luật! Mạng sống là quý giá nhất, không dễ gì có thể đánh đổi được. Sự sống và tự do của mình do chính mình định đoạt!

Theo Minh Giang / Báo Hà Tĩnh

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *