Bà Chantale Renaud đã kiện công ty bảo hiểm vì bà mắc các triệu chứng COVID-19 kéo dài hành hạ nhưng lại không được hưởng trợ cấp dài hạn. Nhiều người đang khốn khổ vì hội chứng chưa được nghiên cứu đầy đủ này.
Hậu quả của COVID-19 ngày càng được giới y khoa hiểu rõ nhưng ảnh hưởng lâu dài như thế nào vẫn còn là điều bí ẩn, do đó các cơ quan chức năng rất khó giải quyết chính sách xã hội.
Trường hợp tiêu biểu là bà Chantale Renaud ở Rockland thuộc tỉnh bang Onrario (Canada).
Bà bị lây nhiễm COVID-19 từ người chồng vào giữa tháng 4-2020, sau đó được điều trị bình phục nhưng nhiều tháng sau vẫn mắc hội chứng “tác hại kéo dài của virus corona” (long COVID) với các triệu chứng như mệt mỏi, đau khớp, rụng tóc, mất ngủ.
Đến tháng 6-2020, bà phải xin nghỉ làm vì không còn sức và nhận được trợ cấp ngắn hạn từ chủ lao động. 6-7 tuần tiếp theo là thời gian tồi tệ nhất trong cuộc đời bà. Sức khỏe tệ đến mức không thở nổi, bà chỉ muốn “chết đi cho xong”.
Vào mùa thu, bà quay trở lại làm việc từ xa nhưng các triệu chứng tiếp tục nặng thêm. Bà bị mệt mỏi, khó thở phải nằm liệt giường 11 ngày.
Bà Chantale Renaud ở Canada – Ảnh: RADIO CANADA
Bà nộp đơn đề nghị được hưởng chế độ trợ cấp dài hạn nhưng công ty bảo hiểm từ chối với lý do bệnh trạng của chị không thuộc tiêu chuẩn được hưởng chế độ.
Cuối cùng bà Chantale Renaud phải khởi kiện công ty bảo hiểm. Trong khi chờ đợi xúc tiến thủ tục pháp lý, hai vợ chồng bà sống bằng tiền tiết kiệm.
Thời gian giải quyết hồ sơ ước tính phải mất hai năm. Bà đã tính đến chuyện phải bán nhà vì không còn thu nhập.
Theo đài phát thanh Canada, trường hợp của bà Chantale Renaud không phải cá biệt mà tại Canada có rất nhiều người từng nhiễm COVID-19 mắc hội chứng “tác hại kéo dài của virus corona”.
Nhiều người trước đây nhận khoản trợ cấp khẩn cấp Canada (PCU – khoản trợ cấp cho người lao động bị ảnh hưởng COVID-19 trực tiếp). Nay khoản trợ cấp này chấm dứt, họ bèn đi kiện các công ty bảo hiểm.
Luật sư của bà Chantale Renaud ghi nhận điều quan trọng là phải chứng minh có hội chứng “tác hại kéo dài của virus corona” và các triệu chứng xảy ra do chính hội chứng này gây ra. Song đến nay đây vẫn còn là vấn đề khoa học hóc búa.
Các công ty bảo hiểm muốn biết liệu có một giải pháp điều trị hiệu quả nào đối với hội chứng “tác hại kéo dài của virus corona” để tránh phải bồi thường cho bên mua bảo hiểm trong thời gian dài.
Mặt khác, chính phủ Canada cần đầu tư ngân sách để nghiên cứu hội chứng này nhằm tạo điều kiện cho các công ty bảo hiểm có cơ sở pháp lý giải quyết chính sách.
Hội chứng “tác hại kéo dài của virus corona” xảy ra không chỉ ở Canada mà còn ở nhiều quốc gia khác. Ban đầu các bệnh nhân ở nhiều nước lên mạng xã hội trao đổi thông tin, sau đó thành lập các nhóm hỗ trợ nghiên cứu vấn đề này.
Theo Báo Tuổi trẻ
Leave a comment